03/04/2010 - 20:39

Di chúc

Truyện ngắn của KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

Trưa nắng đến độ đất cũng muốn rang chín cả những chiếc lá vừa rụng xuống. Chẳng ai có thể bước đi trong nhiệt độ như thế giữa bãi cát trắng mênh mông của vùng đất đồi cát ơi là cát này. Tôi trốn nắng trong vườn vú sữa nhà anh Bảy Độ. Anh Bảy Độ có vẻ mừng lắm khi đón tiếp tôi. Bởi tôi đã hứa với anh rất nhiều lần sẽ ghé nhà anh chơi nếu có dịp. Nhưng công việc của tôi - một nhà báo lúc nào cũng bận rộn.

Anh Bảy Độ là người tốt. Anh có đứa con trai học khá giỏi ở Sài Gòn. Thằng nhỏ có suất học bổng sang Úc, nhưng không đi vì cho rằng: “Đại học ở nước ta cũng tốt, nhiều nước cũng cử sinh viên đến học, tại sao lại đi nước khác mà học?”. Thế là nó vào Sài Gòn học thay vì ra nước ngoài. Tôi dặn anh Bảy Độ là khi nào con anh về nhà, anh gọi điện cho tôi, tôi vào xem thử có gì để viết không? Thế là tôi đã tới nhà anh trong cơn nắng đổ đất đổ trời này.

Anh Bảy Độ đem nải chuối tiêu nhỏ ra, anh pha bình trà rồi cùng ngồi với tôi trong sân vườn nhà anh. Anh nói: “Người ta gọi bà Miện là “bà già cô đơn” có ai thừa tự gì đâu? Vậy mà vẫn vác đơn đi kiện đòi công lý”. Tôi tự rót cho mình ly trà uống cùng anh Bảy Độ, tôi chẳng hiểu anh nói gì, cho đến khi tiếng chó sủa rân và “bà già cô đơn” xuất hiện trước sân nhà anh, nơi những cây xoài vào mùa đậu quả đang trĩu trái.

***

Trời nắng bỏng, dường như những con đường cát ở nơi này cũng muốn nóng ran theo cơn nóng. Bà Miện lại đi đôi chân trần bước trên nền cát nóng kia với cái đầu trần tìm tới tôi. Bà đã trên 80 tuổi, cái tuổi chẳng màng đến danh lợi, chẳng ham muốn bất cứ một điều gì trong cuộc sống nữa. Bà chẳng có một gia đình để nương dựa. Bà tìm đến tôi bởi bà hy vọng rằng tôi sẽ trả lại cho bà một chút công lý mà bà mỏi mê đi tìm vẫn không chạm được. Thì ra là anh Bảy Độ biết tôi tới, anh đã gọi điện cho chị Nhị, người đang giúp đỡ bà Miện đưa bà tới.

Một chồng hồ sơ, giấy tờ đã ngả màu vàng chứng tỏ nó đã chịu khá nhiều áp lực của thời gian. Trước khi tìm tôi, chị Nhị đã dắt bà Miện gõ những cánh cửa lớn cửa nhỏ, những cánh cửa mà họ gõ như đã lạnh lùng khép kín lại. Như vậy bàn chân trần của bà cũng đã bao lần giẫm lên những bãi cát nóng để tìm tới. Lần này bà đang gõ một cánh cửa theo trí tưởng tượng của bà. Nhưng tôi chỉ là một nhà báo bình thường.

Bà Miện là một người đàn bà cô đơn. Bà chỉ học hết lớp một cho đủ mặt chữ, rồi cả thời thiếu nữ của bà gắn liền với nương rẫy và đồng ruộng. Bà dành dụm mãi mới mua được một vườn xoài hơn 50 cây. Bà trông đợi những cây xoài trong vườn nhà trĩu trái, hái đem ra chợ bán kiếm miếng cơm. Bà đi làm thuê, bà đi hái củi. Nói chung là bà có cả cuộc đời cực nhọc, chẳng bao giờ đôi vai bà thư thả. Bởi cũng vì cái tình, cám cảnh hoàn cảnh của một người đàn bà neo đơn như mình không có một miếng đất cày xới, bà Miện đã đem bà Linh về, dành cho một khoảng đất nhỏ, chia cho 10 cây xoài gọi là có cái phụ thêm. Thời gian cứ thế trôi qua...

Nhưng rồi có một con đường lớn băng qua nhà bà Miện trong quy hoạch chung của tỉnh. Khu đất ngày xưa chẳng ai thèm ngó ngàng tới bỗng quy ra vàng. Những tên cò mồi không biết từ nơi nào tìm tới. Những mảnh đất hoang, những vườn xoài ngày nào cứ thảnh thơi rụng trái giờ đây trở thành điểm nóng cho những cuộc tranh giành. Người phụ nữ ngày xưa bà Miện cưu mang tự dưng đem cây, dây thép ra bao quanh nhà bà Miện. Bà chẳng hiểu chuyện gì đã xảy ra. Bà quen sống với cái tình, không biết rằng bà đang phải đối phó với sự tráo trở của cuộc sống.

Một buổi sáng, khi bà Miện còn đang thả từng hạt lúa cho bầy gà con theo mẹ trong vườn nhà thì người ta đổ xe tới đo đạc. Những người lạ đó hỏi bà: “Bà già, bà thuê nhà này lâu chưa ?” Bà ngạc nhiên: “Nhà này là nhà của tôi, tại sao lại phải thuê”. Người đàn ông đeo kính đen trả lời bà rất lạnh lùng: “Chủ nhà ở đây là bà Nguyễn Thị Linh đã bán hết khu đất mặt tiền cho chúng tôi. Chỉ đợi bà trả đất là làm thủ tục, chồng hết tiền . Bà không nghe bà Linh thông báo dời đi sao?”. Chuyện có người đang sống từ khi tóc xanh cho đến khi đầu bạc trên mảnh đất của mình, rồi một hôm bỗng dưng là người ở nhờ thì thử hỏi ai chịu được? Bà Linh đưa cho bà xem tờ giấy mà người ta vẫn gọi là sổ đỏ, bà mới hỡi ôi. Bà mua mảnh đất theo kiểu dân gian bằng cách tiền trao tay. Còn người ta lợi dụng chứng minh tấm giấy sở hữu trên phương diện pháp lý để đuổi bà ra khỏi mảnh đất của mình.

Trong câu chuyện của bà Miện, chị Nhị là người dưng nước lã. Chị Nhị làm ở bên Hội phụ nữ, nhà ở cách chỗ của bà Miện một khoảng xa. Bất bình bởi chuyện trái tai, chị Nhị đã sát vai cùng bà Miện đi tìm công lý.

***

Hôm xã gọi bà Miện lên giao cho bà tờ giấy công nhận phần đất của bà, tôi không có mặt. Cuộc chiến giành công lý của bà Miện đã khiến cho bà gục ngã. Cả bốn năm ròng rã đi và về cộng với tuổi già khiến cho bà ngã bệnh. Hàng xóm gần như thay phiên nhau tới thăm bà. Hết bên thương binh xã hội, tới Hội người cao tuổi, Hội phụ nữ rồi cả các trường cũng đều góp ít nhiều để cưu mang bà. Bà già cô đơn nghèo lắm . Bà nghèo cả đời sống gia đình , nghèo cả tiền bạc. Bà không có gì hết, trong khi người ta sẵn sàng trả cho bà số tiền cả trăm triệu miễn là bà đừng đi kiện đòi đất. Họ còn hứa cất cho bà một căn nhà nhỏ cũng ngay trong mảnh vườn đó cho bà ở cho đến cuối đời. Nhưng bà Miện vẫn đi kiện. Bà nói rất rạch ròi trong phiên tòa: “Tôi không giành mảnh đất để bán. Tôi sống nhờ bà con xóm giềng bao nhiêu đó cũng đủ rồi. Cả ngày tôi không xài một đồng bạc nào, tôi không đánh bài, không gì cả. Nhưng tôi quyết đòi cho bằng được mảnh đất do chính tôi gầy dựng nó. Chân lý của bà rất đơn giản: Tôi lấy cái của tôi!”. Bà tin vào công lý. Nhưng công lý suýt tí nữa vắng mặt nếu tôi không gặp bà trong vườn xoài đầy nắng ở nhà anh Bảy Độ. Tôi cũng chẳng hiểu sao mình có thể bỏ nhiều thì giờ lục tìm hồ sơ, chứng cứ để lên tiếng bênh vực bà Miện. Cuối cùng bà Miện đã có nhân chứng là con của người bán đất cho bà năm xưa, họ đem giấy tờ gốc đến cho bà. Sổ đỏ mà bà Linh đem ra là một trò lừa đảo bằng hồ sơ ngụy tạo.

Tôi tới nhà bà Miện mấy lần. Căn nhà mái lá mục nát không còn màu lá nữa. Nhà trống trước trống sau chẳng có một thứ gì quý giá. Bà Miện đã sống trong căn nhà đó và bà chịu đựng nỗi cô đơn một cách lạ lùng. Hôm được trả lại đất, bà tỉnh hẳn ra, bà nài nỉ tôi ở lại ăn cơm. Nhưng làm sao tôi lại có thể để bà nấu cơm được. Tôi mang theo một túi gạo như cách làm của người dân địa phương ở đây tặng bà. Rồi tôi phóng xe về mà trong lòng mình có một cảm giác thanh thản lạ lùng.

***

Chị Nhị gọi điện cho tôi khi trời đã tròn bóng. Tôi cũng chỉ mới vừa đi làm về tới nhà, chưa kịp ăn cơm: “Bà già cô đơn chết rồi nhà báo ơi”. Thế là tôi phóng xe tới nơi.

Vẫn chỉ một mình chị Nhị lo phần việc cuối cùng cho đời bà. Một cuộc đời quá buồn bã, một cuộc đời dường như chẳng được thảnh thơi. Bao nhiêu năm trời bà đi kiện để hy vọng lấy lại mảnh đất đã mua bằng chính những đồng tiền bà phải vất vả kiếm được. Nhưng chỉ một tháng sau khi bà giành lại được mảnh đất kia thì bà qua đời. Đám tang của bà dòng người đi theo ra nghĩa trang toàn là những người hàng xóm, chẳng có ai là thân thuộc. Một mình chị Nhị chít khăn tang. Chị Nhị nói: “Phải có một người để tang cho bà đỡ tủi”. Tôi đi theo đoàn người tiễn đưa bà mà lòng mang theo một nỗi buồn trĩu nặng.

Bất ngờ khi tôi sửa soạn lên xe để về, anh Hùng, tư pháp xã gọi: “Anh nhà báo ở lại một tí được không? “Bà già cô đơn” có để lại di chúc?”. Tôi ngạc nhiên: bà có tài sản gì đâu mà để lại di chúc? Mảnh đất bà giành giật để được công nhận quyền sử dụng kia giờ đây cũng chỉ là một mảnh đất. Biết đâu sẽ nảy sinh những người nào đó hám lợi sẽ xuất hiện tiếp tục cuộc tranh giành. Nhưng thôi, cuộc đời đâu có gì mà luyến tiếc, mà níu kéo. Tôi cùng mọi người theo anh Hùng về trụ sở xã nghe đọc di chúc.

***

Bà Miện đã để lại mảnh đất của mình cho xã xây dựng trường mẫu giáo. Nhưng tôi thật bất ngờ khi bà Miện đã để lại trong di chúc của mình một điều bí mật. Trong mớ quần áo cũ bà để trên gác cao trong ngôi nhà tồi tàn của mình, có một gói nhỏ gói bằng giấy dầu. Trong đó có 20 lượng vàng nhiều loại khác nhau: vàng thẻ, vàng nhẫn , vàng dây chuyền. Chính vì bà vẫn xin ăn, nhờ cứu tế nên chẳng một tên trộm nào nghĩ đến chuyện “viếng”. Trước khi chết, bà Miện đã đem số vàng đó chôn dưới gốc cây xoài to nhất trong vườn. Đó là số tiền bà tích cóp với nguyện ước là nó sẽ được dùng để xây lên ngôi nhà trẻ. Thì ra, bà đã ra tận thành phố nhờ một luật sư lập chúc thư cho mình.Vị luật sư kia đã có mặt kịp thời tại xã. Số vàng được đào lên trước sự chứng kiến của mọi người. Bà yêu cầu tôi và chị Nhị quản lý việc thi công ngôi trường trong mơ của bà.

Trong đời làm báo của mình, tôi tự hào là mình đã đi nhiều, gặp nhiều số phận khác nhau. Tôi tưởng rằng mình đã hiểu hết khi nhìn cách sống của mọi người trong hoàn cảnh mà tôi gặp họ. Nhưng cả cuộc đời tôi chưa hề bắt gặp một bản di chúc lạ lùng đến thế kia. Tôi không biết rằng sau khi ngôi trường mẫu giáo xây lên, tên bà có được đặt làm tên trường hay không?

Chia sẻ bài viết