18/06/2013 - 08:47

Đến lượt tình báo Anh bị Edward Snowden “thổi còi”

Lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Anh vào năm 2009. Ảnh: AP

Hôm qua 17-6, báo Guardian đã bất ngờ tiết lộ Cơ quan tình báo thông tin của Anh (GCHQ) đã liên tục bí mật nghe lén điện thoại và theo dõi nội dung email của các nhà lãnh đạo và đoàn đại biểu nước ngoài tham dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Luân Đôn hồi năm 2009.

GCHQ “tấn công” hội nghị G20

Guardian cho biết đối tượng cung cấp nguồn thông tin “đáng giá” trên không ai khác chính là cựu nhân viên Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden - người đã phanh phui chương trình nghe lén điện thoại và thu thập thông tin Internet của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) gây chấn động mới đây.

Trong tay Guardian hiện có hơn 6 tập tài liệu nội bộ của Chính phủ Anh được xem như cơ sở cho những bài viết về các hoạt động tình báo của GCHQ tại các hội nghị G20 diễn ra vào tháng 4 và 9-2009. Trong đó, có các tài liệu đề cập đến nhiều vụ nghe lén, như vụ “tấn công” mạng lưới máy tính của Bộ Ngoại giao Nam Phi cũng như nhắm vào đoàn đại biểu của Thổ Nhĩ Kỳ - cả hai vốn là đồng minh lâu năm của Anh. Ngoài ra, 15 quan chức cấp cao cũng như bộ trưởng của các nước khác cũng lọt vào “tầm ngắm” của GCHQ.

Theo Guardian, hoạt động tình báo của GCHQ tại G20 đã được phê chuẩn bởi một nhân vật chính phủ cấp cao dưới thời Thủ tướng Gordon Brown. Công cụ chính của chiến dịch tình báo trên được báo này miêu tả là “thiết lập các quán cà phê Internet” dành riêng cho các đại biểu tham dự hội nghị với các phần mềm được cài đặt bí mật để thu thập thông tin email mà họ trao đổi lẫn nhau.

Trích dẫn một tài liệu khác, Guardian còn hé lộ thông tin cho rằng “GCHQ thừa nhận khả năng xâm nhập điện thoại thông minh BlackBerry đã cung cấp các bản sao của những cuộc trao đổi ngắn tại hội nghị G20 cho các bộ trưởng Anh. Gián điệp Anh được cho đã nhắm vào thói quen sử dụng điện thoại thông minh của các quan chức để khai thác.

Nội dung từ cuộc trao đổi giữa các quan chức tại hội nghị sẽ được truyền trực tiếp về cho đội ngũ gồm 45 chuyên gia của GCHQ để phân tích và sau đó gửi đến các nhà lãnh đạo Anh tham gia hội nghị. Mục đích của hoạt động này được cho là nhằm tạo lợi thế tranh luận cho nước chủ nhà tại hội nghị cũng như những vấn đề quan hệ khác sau này.

Chi nhánh NSA tại Đồi Menwith

Đáng chú ý nhất là một báo cáo khá chi tiết cho thấy “nỗ lực” của các chuyên gia phản gián thuộc NSA tại căn cứ Đồi Menwith đã tấn công và giải mã nội dung các cuộc điện đàm mà Tổng thống Nga khi đó là Dmitry Medvedev phát đi từ Luân Đôn về cho các quan chức tại Mát-xcơ-va, cũng như một số quan chức Nga tại hội nghị G20. Chi tiết của vụ nghe lén điện thoại của ông Medvedev đã được đề cập trong tài liệu của NSA cũng như được chia sẻ với các quan chức cấp cao của Anh, Úc, Canada và New Zealand. Khi đó, NSA được cho đã phát hiện “một sự thay đổi trong phương thức truyền tín hiệu của các nhà lãnh đạo Nga”.

Nhà học thuật Richard Aldrich và tác giả quyển sách viết về lịch sử của GCHQ, cho rằng NSA và GCHQ đã hợp tác mật thiết trong một số lãnh vực mà hai bên đã hoạt động hiệu quả chung như “hình với bóng”. Vốn là căn cứ của Không quân Hoàng gia Anh tại Bắc Yorkshire, Đồi Menwith chính là nơi “đóng quân” và phối hợp của hàng trăm chuyên gia NSA và GCHQ. NSA đã thuê Đồi Menwith của Anh vào năm 1954 và các chuyên gia của họ hiện diện tại đây suốt từ năm 1966.

Hoạt động gián điệp của GCHQ tại G20 được đưa ra ánh sáng chỉ vài giờ trước khi hội nghị thượng đỉnh Nhóm 8 nước công nghiệp phát triển (G8) khai mạc tại Bắc Ireland (thuộc Vương quốc Anh), mà nhiều quốc gia trong số này từng là “mục tiêu” trong kế hoạch do thám của GCHQ. GCHQ vẫn chưa bình luận về nguồn tin có thể gây “bùng nổ” hội nghị G8 của Guardian.

THANH BÌNH (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết