21/09/2015 - 09:04

Trước thềm Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XIII

Đề xuất nhiều giải pháp xây dựng thành phố phát triển nhanh, bền vững

 

Đồng chí Nguyễn Thành Đông, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Phong Điền:
ĐẨY MẠNH ĐẦU TƯ, XÂY DỰNG CÁC CÔNG TRÌNH, DỰ ÁN CÓ YẾU TỐ KẾT NỐI VÙNG

Đoàn đại biểu Đảng bộ huyện Phong Điền đồng tình, thống nhất cao với các nội dung của dự thảo Văn kiện trình tại Đại hội Đại biểu (ĐHĐB) Đảng bộ thành phố lần thứ XIII. Tuy nhiên, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, cán bộ, đảng viên, đoàn Đại biểu Đảng bộ huyện cũng đề nghị dự thảo Báo cáo chính trị cần bổ sung một số chỉ tiêu, giải pháp thực hiện nhằm đưa thành phố phát triển xứng tầm với vai trò, vị trí trung tâm khu vực ĐBSCL. Cụ thể, đại biểu đề nghị xem xét nâng chỉ tiêu tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch lên 90%, chỉ tiêu huy động học sinh đúng độ tuổi mẫu giáo đến trường 95%; tăng chỉ tiêu số xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới 18 xã và bổ sung chỉ tiêu xây dựng 2 huyện nông thôn mới… Đồng thời, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư các dự án, nhất là các dự án liên quan đến chế biến nông sản; có giải pháp cụ thể để tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế… Đề nghị thực hiện tốt các giải pháp đào tạo nghề, gắn với giải quyết việc làm cho lao động; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tăng mức hỗ trợ cho cán bộ không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, ấp, khu vực…

Các thành viên Đoàn đại biểu Đảng bộ huyện Phong Điền đề nghị tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông. Trong đó, có việc đẩy mạnh đầu tư các công trình, dự án có yếu tố kết nối vùng, như: Đường Nguyễn Văn Cừ nối dài đấu nối vào lộ Vòng Cung và bắc cầu Vàm Xáng để nối qua lộ 61B; mở rộng cầu Tây Đô và nâng cấp mở rộng tuyến Nhơn Ái – Trường Long nối với tuyến Bốn Tổng - Một Ngàn; nâng cấp, mở rộng tuyến thị trấn Phong Điền đến Tân Thới qua phường Trường Lạc - quận Ô Môn để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của huyện và của thành phố trong tương lai. Đồng thời, kiến nghị sau Đại hội, Thành ủy cần xem xét, ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển huyện Phong Điền theo hướng đô thị du lịch sinh thái để làm cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo, quy hoạch, đầu tư, xây dựng phát triển ngành công nghiệp "không khói" của thành phố thời gian tới…

Nhiệm kỳ 2010-2015, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, Huyện ủy Phong Điền thực hiện đạt và vượt 22/22 chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt, đến cuối năm 2015, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phong Điền phấn đấu được công nhận là huyện nông thôn mới. Chúng tôi tin tưởng ĐHĐB Đảng bộ thành phố sẽ thành công tốt đẹp, đề ra nghị quyết sát hợp, đưa thành phố phát triển lên tầm cao mới.

QUỐC TRƯỞNG (ghi)

 

Đồng chí Trần Ngọc Châu, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thạnh:
CẦN CÓ CHIẾN LƯỢC ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC PHỤC VỤ CHO PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP

Đoàn đại biểu Đảng bộ huyện Vĩnh Thạnh nhất trí với các giải pháp tổng quát trong dự thảo Báo cáo chính trị trình ĐHĐB Đảng bộ thành phố là "quan tâm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của kinh tế tập thể, nòng cốt là các hợp tác xã kiểu mới; đẩy mạnh liên kết, hỗ trợ và hợp tác dựa trên quan hệ lợi ích, áp dụng phương thức quản lý tiên tiến. Xây dựng chính sách phù hợp hỗ trợ các hợp tác xã trong tiếp cận nguồn vốn, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ và hỗ trợ phát triển thị trường". Tuy nhiên, từ thực tế địa phương, tôi đề nghị thành phố cần đặc biệt quan tâm mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, nắm sát diễn biến thị trường, kịp thời thông tin nhu cầu của thị trường để nông dân tổ chức sản xuất đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và ngoài nước. Bởi vì thực tiễn nhiều năm qua cho thấy đây là khâu yếu nhất trong lãnh đạo và chỉ đạo sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, nông dân thường rơi vào tình trạng "được mùa, mất giá", "ứ đọng sản phẩm nông nghiệp"...

Nhằm triển khai và tổ chức thực hiện hiệu quả đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững", chúng tôi đề nghị thành phố cần tăng cường hơn nữa vốn đầu tư để hoàn thiện hệ thống thủy lợi nhằm đảm bảo cho yêu cầu chủ động sản xuất và lưu thông hàng hóa. Có chính sách ưu đãi để nông dân, nhất là nông dân ở các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp được vay vốn để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ yêu cầu chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng đa dạng, chất lượng cao, nâng cao giá trị gia tăng… Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cần phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công tác lãnh đạo - quản lý tổ chức sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Song song đó là tăng cường đội ngũ cán bộ chuyển giao kỹ thuật và công nghệ về địa phương để đáp ứng yêu cầu tổ chức lại sản xuất nông nghiệp; có chủ trương và chính sách ưu đãi để thu hút đội ngũ cán bộ này về công tác ở các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp…

PHẠM TRUNG (ghi)

 

Đồng chí Nguyễn Xuân Hải, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thới Lai:
NHANH CHÓNG TRIỂN KHAI CÁC GIẢI PHÁP TÁI CƠ CẤU, PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN NỀN NÔNG NGHIỆP

Đoàn đại biểu Đảng bộ huyện Thới Lai thống nhất với dự thảo các Văn kiện trình ĐHĐB Đảng bộ thành phố lần thứ XIII. Chúng tôi tham gia thảo luận, đóng góp thêm một số vấn đề và giải pháp nhằm góp phần đưa thành phố phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn tới.

Chúng tôi kiến nghị thành phố tăng cường đầu tư cho phát triển du lịch, nhất là nghiên cứu những sản phẩm đặc trưng phục vụ du lịch, phát triển các cồn trên sông thành những điểm du lịch nghỉ dưỡng, tạo ra đột phá cho ngành du lịch của thành phố. Chúng tôi kiến nghị thành phố đề ra giải pháp đẩy nhanh thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp; phát triển toàn diện nền nông nghiệp của thành phố theo hướng sản xuất hàng hóa và dịch vụ khoa học kỹ thuật có chất lượng cao. Đồng thời, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất, phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từng bước thu hút đầu tư xây dựng các khu, vùng nông nghiệp, vùng chuyên canh ứng dụng công nghệ cao. Có giải pháp đẩy mạnh cơ giới hóa gắn với điện khí hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, thu hoạch, bảo quản và chế biến; đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể để xây dựng vùng sản xuất tập trung, tạo cơ sở vững chắc cho việc sản xuất và ký hợp đồng bao tiêu nông sản. Xem xét đề ra chủ trương, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng về giao thông, trường học, cơ sở khám và chữa bệnh, thiết chế văn hóa để thúc đẩy kinh tế - xã hội khu vực nông thôn phát triển tương xứng, rút ngắn khoảng cách đời sống giữa người dân nội thành và ngoại thành.

Chúng tôi kiến nghị thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp; kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất, chế biến sản phẩm của nông dân, có sử dụng lực lượng lao động về các vùng ngoại thành để giải quyết việc làm cho lao động. Có chủ trương, giải pháp tăng chế độ phụ cấp cho cán bộ cơ sở, nhất là đội ngũ cán bộ làm việc bán chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và khu vực, ấp. Sớm nâng cấp, mở rộng Đường tỉnh 922 để góp phần phát triển huyện Thới Lai và các huyện khác của thành phố …

ANH DŨNG (ghi)

 

Đồng chí Nguyễn Trung Kiên, Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Y Dược Cần Thơ:
CẦN TRIỂN KHAI NHIỀU GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN Y TẾ CHẤT LƯỢNG CAO CHO KHU VỰC ĐBSCL

Đoàn đại biểu Đảng bộ Trường Đại học Y Dược Cần Thơ thống nhất với nội dung Dự thảo Văn kiện trình ĐHĐB Đảng bộ TP Cần Thơ lần thứ XIII. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đoàn đại biểu Đảng bộ Trường Đại học Y Dược Cần Thơ mong muốn Đảng bộ thành phố phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng và phát triển thành phố văn minh, hiện đại, xứng tầm với vai trò trung tâm của vùng ĐBSCL.

ĐHĐB Đảng bộ Trường Đại học Y Dược Cần Thơ nhiệm kỳ 2015-2020 xác định xây dựng Trường thành trường đại học đào tạo nguồn nhân lực y tế có chất lượng cao cho khu vực ĐBSCL. Muốn thực hiện đạt mục tiêu ấy, Đảng bộ trường đề nghị thành phố chỉ đạo các ban, ngành hỗ trợ đề xuất xây dựng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ thành "Đại học Sức khỏe" với 5 trường và 3 khoa (theo Quyết định 1187/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030). Trong đó, quan tâm quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực vững về chính trị, giỏi về chuyên môn, công tác quản lý; hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất của trường hoàn chỉnh, nhất là khâu giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản.

TP Cần Thơ là trung tâm kinh tế, chính trị của vùng ĐBSCL. Trên địa bàn thành phố cần có trung tâm y tế kỹ thuật cao, chuyên sâu vừa mang tính nghiên cứu; đồng thời, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho cả vùng ĐBSCL về lĩnh vực y dược. ĐHĐB Đảng bộ thành phố cần quan tâm đưa vào văn kiện lĩnh vực dược, từ đó có sự lãnh đạo, đề xuất Trung ương phát triển công nghiệp dược, thành lập trung tâm kiểm nghiệm dược phẩm của ĐBSCL. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố cần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân, gắn kết phát triển dịch vụ y tế với du lịch. Thành phố cần đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục y đức cho đội ngũ cán bộ y tế; tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực y tế và đội ngũ cán bộ y tế; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động của đội ngũ cán bộ y tế…

Đảng bộ Trường Đại học Y Dược Cần Thơ là Đảng bộ cơ sở trực thuộc Thành ủy. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, chúng tôi mong muốn Thành ủy hỗ trợ để Đảng bộ trường đủ điều kiện thành Đảng bộ trên cơ sở.

THANH THY (ghi)

(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết