07/06/2022 - 10:27

Để doanh nghiệp chủ động, vững vàng trong hành trình số hóa 

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa phối hợp với một số đơn vị tổ chức hội thảo, tọa đàm trực tuyến "Quản trị sự thay đổi hiệu quả - Yếu tố quan trọng trong chuyển đổi số (CĐS) tại doanh nghiệp". Sự kiện nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tìm ra những giải pháp quản trị sự thay đổi hiệu quả để chủ động và vững vàng trước mọi thách thức, tiến tới CĐS thành công nhằm khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh một cách bền vững.

Ứng dụng robot đóng gói sản phẩm ở Nhà máy sữa Vinamilk tại Cần Thơ.

Ứng dụng robot đóng gói sản phẩm ở Nhà máy sữa Vinamilk tại Cần Thơ.

Theo các chuyên gia, CĐS thực chất là quá trình tái cơ cấu, tạo sự thay đổi lớn trong tổ chức về chiến lược, mô hình kinh doanh; quản trị; văn hóa kinh doanh... tại doanh nghiệp. Theo đó, cách làm việc cũ thiếu hiệu quả sẽ được thay thế bằng cách làm mới chính xác hơn, hiệu quả hơn dưới sự hỗ trợ của công nghệ. Từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động tổ chức, hình thành lợi thế cạnh tranh và tạo thêm nhiều giá trị mới cho khách hàng. Chính vì vậy, nếu không quản trị sự thay đổi tốt, hoạt động của doanh nghiệp có thể xảy ra những xáo trộn, thiếu sự thích nghi, chưa hình thành văn hóa số, nhân viên chưa bắt nhịp và làm chủ công nghệ...

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, nhấn mạnh: "Việc kết nối ngày càng thuận tiện giữa con người với vạn vật trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang dần làm thay đổi nhu cầu của thị trường. Để theo kịp và duy trì tính cạnh tranh, doanh nghiệp phải điều chỉnh theo những nhu cầu này bằng cách số hóa các quy trình, mô hình sản xuất kinh doanh và bắt buộc phải tham gia vào cuộc chơi tất yếu mang tên CĐS. Do vậy, quản trị sự thay đổi hiệu quả là tiền đề quan trọng nhằm nâng cao tỷ lệ thành công trong công cuộc CĐS của mỗi doanh nghiệp, tổ chức".

Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp đều nhận thức CĐS là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, hành trình CĐS của doanh nghiệp vốn gặp nhiều khó khăn. Đa số doanh nghiệp CĐS đều phải chịu chi phí đầu tư cao; hạ tầng công nghệ thông tin kém phát triển; rủi ro an ninh mạng; nguồn nhân lực về CĐS còn nhiều hạn chế; tổ chức quản lý, quy trình nghiệp vụ, chuỗi cung ứng chưa chuẩn hóa; thiếu tiếp cận, kiến thức, thông tin về công nghệ số. Theo khảo sát của Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2021 có đến 60,1% doanh nghiệp khó khăn về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ số và 52,3% khó trong việc thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh. Để khắc phục những nút thắt nói trên việc quản trị sự thay đổi hiệu quả đóng vai trò trọng yếu.

Từ thực tế CĐS tại đơn vị, ông Bùi Lê Hải Nguyên, Giám đốc điều hành Công nghệ thông tin, Tập đoàn Đồng Tâm, chia sẻ: "CĐS không đơn thuần chỉ việc triển khai đầu tư hạ tầng, phần mềm ứng dụng vào quá trình sản xuất, kinh doanh mà cao hơn là kiến tạo năng lực của doanh nghiệp để thích nghi những thay đổi từ thị trường. Ngoài yếu tố về công nghệ, phần mềm, CĐS liên quan đến phân cấp, phân quyền; hình thành kỹ năng, văn hóa CĐS… Vì vậy, doanh nghiệp cần lên kế hoạch để quản trị những thay đổi đó. Trong đó, lãnh đạo doanh nghiệp phải là người tiên phong và quyết liệt trong CĐS. Mặt khác, việc truyền thông đến tất cả các nhân viên cần được triển khai mạnh mẽ để mọi người đều nắm rõ thông điệp về CĐS của doanh nghiệp, từ đó tạo sự đồng thuận, chuẩn bị tâm lý ứng phó với những thay đổi".

Theo ông Nguyễn Đức Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Công nghệ thông tin, Tập đoàn Thiên Long, CĐS là hành trình dài và nhiều rủi ro tiềm ẩn. Do đó, để quản trị sự thay đổi hiệu quả, doanh nghiệp cần đề ra có mục tiêu ngắn, trung và dài hạn. Mỗi doanh nghiệp có cơ cấu tổ chức, hoạt động sản xuất kinh doanh và chiến lược khác nhau. Do đó, doanh nghiệp cân nhắc kỹ lưỡng trong việc chọn giải pháp, ứng dụng, phần mềm và đối tác tin cậy để cùng đồng hành. "Công nghệ hiện nay thay đổi nhanh chóng và liên tục được cập nhật. Do đó, doanh nghiệp cũng cần tính đến việc nên thuê hay mua máy móc thiết bị để tránh lãng phí và khó đồng bộ, cập nhật xu hướng công nghệ mới về sau. Khi nguồn lực hạn chế, doanh nghiệp có thể ưu tiên CĐS bắt đầu từ cái nhỏ nhưng hiệu quả cao sẽ tác động lớn và hiệu ứng dây chuyền đến tất cả nhân viên, công nhân." - ông Nguyễn Đức Hạnh phân tích.

Có thể thấy, thay đổi là động lực cho sự phát triển nhưng cũng mang đến không ít thách thức cho doanh nghiệp. Nhưng nếu doanh nghiệp không thay đổi sẽ dần bị đào thải, khó cạnh tranh và tồn tại trên thị trường. "Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên số, sắp tới thế giới sẽ chứng kiến những thay đổi lớn với các hoạt động kinh tế - xã hội dần được chuyển đổi toàn bộ lên môi trường số. Và trong bối cảnh đó, doanh nghiệp phải chịu nhiều tác động bên trong lẫn bên ngoài trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu phát triển. Vì vậy quản trị sự thay đổi hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp thích ứng tốt nhất với mọi hoàn cảnh, chủ động và vững vàng trước mọi thách thức, tiến tới CĐS thành công. Sự thay đổi ở đây không chỉ ngắn hạn để đối phó với trở ngại, hệ lụy do dịch COVID-19 mà là sự thay đổi lâu dài, theo lộ trình để thích ứng và phát triển bền vững. Cùng với đó, doanh nghiệp cần kết nối chặt chẽ với đối tác, doanh nghiệp khác nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước" - ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết