Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2016, cả nước có 2.556 dự án mới đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký 15,18 tỉ USD, tăng 27% về số dự án và bằng 97,5% về vốn đăng ký so với năm 2015. Có 1.225 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tổng vốn đăng ký tăng thêm 5,76 tỉ USD, tăng 50,5% về số dự án và bằng 80,3% về vốn tăng thêm so với năm 2015. Cũng trong năm 2016, có 2.547 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần với tỷ lệ vốn lớn hơn 50% vốn điều lệ hoặc thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện với tổng vốn đầu tư 3,425 tỉ USD. Như vậy, tính chung đến cuối năm 2016, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần đạt 24,4 tỉ USD.
Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam (thứ hai, từ trái sang) thăm, làm việc với Công ty cổ phần Vườn Trái Cửu Long (doanh nghiệp vốn đầu tư Pháp) tại Khu Công nghiệp Trà Nóc, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Ảnh: VĂN CỘNG
Trong đó, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), năm 2016 trừ tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau không có dự án FDI mới, còn lại 11 địa phương có dự án FDI mới và dự án FDI tăng vốn. Toàn vùng thu hút 171 dự án FDI mới, vốn đăng ký trên 1,36 tỉ USD và 115 dự án tăng vốn 555,08 triệu USD. Đồng thời, năm 2016, số lượt góp vốn, mua cổ phần là 43 lượt, vốn góp 102,64 triệu USD. Tính chung cả vốn đăng ký mới, vốn tăng thêm và vốn góp, mua cổ phần, toàn vùng ĐBSCL đã thu hút trên 2,019 tỉ USD. Đây là con số ấn tượng trong năm qua, số vốn FDI vào vùng bằng 20,6% tổng vốn FDI đăng ký vào ĐBSCL cả giai đoạn 1998-2010. Nhưng nếu so với Hải Phòng, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai thì tổng vốn FDI vào vùng ĐBSCL năm qua vẫn thua xa. Hải Phòng có tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 2,98 tỉ USD, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai lần lượt là 2,79 tỉ USD, 2,36 tỉ USD, 2,23 tỉ USD. Mặc dù nhiều năm qua, tăng trưởng của ĐBSCL khá ấn tượng, nhưng thu hút vốn FDI vào vùng vẫn còn ở mức khiêm tốn. Nhiều đoàn doanh nghiệp (DN), hiệp hội DN nước ngoài đến vùng đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau, nhưng cũng chung nhận xét là ĐBSCL rất nhiều tiềm năng, song thông tin về vùng rất ít, các dự án mời gọi còn sơ sài chưa đủ sức thuyết phục nhà đầu tư. ĐBSCL đang cần một chiến lược dài hơi và cần sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương với các bộ, ngành Trung ương trong mời gọi đầu tư vào vùng thời gian tới.
Hiện nay, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực ưu tiên chọn lựa đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tại vùng. ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của cả nước, vùng cần ngành công nghiệp đủ mạnh để giải quyết đầu ra cho nông sản. Tuy nhiên, thu hút vốn FDI vào nông nghiệp thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn. Thêm vào đó, nhiều dự án FDI sử dụng công nghệ thấp, thâm dụng lao động, giá trị gia tăng không nhiều. Một số dự án FDI vốn đăng ký lớn, nhưng triển khai ì ạch, có dự án kéo dài quá lâu, buộc phải thu hồi. Đơn cử như TP Cần Thơ, năm 2016, thành phố quyết định thu hồi dự án Nhà máy lọc dầu, vốn đăng ký 538 triệu USD. Đến cuối năm 2016, TP Cần Thơ có 75 dự án FDI còn hiệu lực, vốn đăng ký 597 triệu USD. Rõ ràng so với tiềm lực của thành phố trực thuộc Trung ương, thì thu hút vốn FDI vào Cần Thơ chưa tương xứng, trong khi thành phố có kết cấu hạ tầng tương đối hoàn thiện so với các địa phương trong vùng ĐBSCL
Nhiều ý kiến cho rằng, trong 3 năm gần đây, ĐBSCL được các nhà đầu tư nước ngoài biết đến nhiều hơn. Nông nghiệp cũng được DN FDI quan tâm đặc biệt, nhưng vẫn chưa có dự án đầu tư quy mô lớn. Nguyên nhân ngoài kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, còn do thị trường tiêu thụ và mở rộng xuất khẩu của những sản phẩm chủ lực của vùng còn bấp bênh; chính sách thu hút chưa hấp dẫn, nguồn nhân lực tay nghề cao chưa đáp ứng nhu cầu của DN FDI. Để ĐBSCL là điểm đến vững tin cần sự năng động trong điều hành của lãnh đạo địa phương và sự hợp tác cùng nhau phát triển của cả vùng.
SONG NGUYÊN