17/10/2015 - 15:55

Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp 2015

Dấu ấn xã hội hóa

Tham gia Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp 2015, có đến 7 đơn vị xã hội hóa (XHH) mạnh dạn đầu tư vở diễn. Nhìn lại chặng đường vừa qua, có thể nhận thấy dấu ấn của các đơn vị XHH đối với cuộc thi ngày càng rõ ràng hơn.

 Nghệ sĩ Mỹ Hạnh - diễn viên trụ cột của CLB Dạ cổ hoài lang, từng đạt huy chương vàng tại cuộc thi 2012 và là gương mặt được kỳ vọng tại cuộc thi năm nay. Trong ảnh: Mỹ Hạnh thi diễn tại giải thưởng Trần Hữu Trang 2014. Ảnh: DUY KHÔI.

Những ngày này, các thành viên CLB sân khấu Dạ cổ hoài lang, trực thuộc Liên hiệp các hội văn học- nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu đang khẩn trương tập luyện vở diễn nổi tiếng của soạn giả Trọng Nguyễn- "Bóng biển", để tham gia cuộc thi. Câu chuyện về cha con ông Tư Câu Sấu hiền lành, sống nhơn ái với làng xóm nhưng kiên định, anh dũng trước kẻ thù xâm lược, mà người hâm mộ đầu những năm 1990 nằm lòng, được tái hiện qua nét ca diễn của dàn diễn viên trẻ. Theo NSƯT Khưu Minh Chiến- đạo diễn của vở, đây là cơ hội để diễn viên trẻ thử sức và trui rèn ở sân chơi lớn nhất của nghệ thuật cải lương. Thành lập gần 5 năm qua, CLB sân khấu Dạ cổ hoài lang được đánh giá cao ở các kỳ hội thi, hội diễn… Đặc biệt, lần đầu tham dự cuộc thi này vào năm 2012 với vở "Nỗi đau ngày ấy", CLB đã đoạt 1 HCV và 2 HCB.

Nói về phong trào XHH cải lương, mạnh nhất phải kể đến TP Hồ Chí Minh- địa phương có đến 6 trong 7 đơn vị XHH tham gia cuộc thi lần này. Đạo diễn trẻ Lê Nguyên Đạt- ông bầu của sân khấu Sen Việt chọn vở "Giai điệu Tổ quốc" (tác giả Vương Huyền Cơ, chuyển thể Đăng Minh) mang đến cuộc thi. Còn nhớ lần đầu tham gia cuộc thi này năm 2009, Lê Nguyên Đạt đoạt giải Bạc với vở "Bến nước Ngũ Bồ"; lần thứ 2- 2012 là vở "Cơn hồng thủy" đều đoạt huy chương cho vở diễn và cá nhân. Ngoài Lê Nguyên Đạt, còn phải kể đến nhóm cải lương XHH của nghệ sĩ Vũ Luân, Hoàng Nhứt, Linh Huyền, Trường Giang… đã và đang hoạt động khá hiệu quả. Năm nay, tác giả Linh Huyền chọn vở cổ trang "Bà Chúa thơ Nôm" để tham dự với kỳ vọng mang làn gió mới đến cuộc thi.

Từ sự tham gia năm 2009 có tính chất tiên phong của Lê Nguyên Đạt và Hoàng Anh Tú; đến cuộc thi năm 2012 và 2015, các đơn vị tư nhân đã có vị thế vững chắc trong cuộc đua giành huy chương. Các nghệ sĩ cải lương gạo cội đánh giá, ưu thế của các đơn vị XHH là được tự do chọn đề tài, cách thể hiện tươi mới, sáng tạo hơn. Họ cũng được chọn diễn viên, nghệ sĩ cộng tác nên có thể "đo ni đóng giày" cho từng nhân vật. Hơn nữa các đơn vị XHH này phải giải bài toán cân bằng giữa nghệ thuật và doanh thu, vì vậy, vở được đầu tư phải mới, hấp dẫn, đủ sức kéo khán giả đến rạp chứ không phải chỉ để có huy chương rồi… thôi!

Xu thế XHH cải lương đang mang đến làn gió mới và sức sống cho các cuộc thi Nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp gần đây. Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, cho biết tại buổi họp báo về cuộc thi: "Việc các đơn vị XHH tham gia chứng tỏ sự phong phú và đa dạng của nghệ thuật cải lương hiện tại. Chúng tôi tin đây sẽ là màu sắc mới cho cuộc thi lần này".

DUY LỮ

Chia sẻ bài viết