23/03/2016 - 10:57

XÂY DỰNG HỆ THỐNG TRẠM BƠM ĐIỆN TẠI TP CẦN THƠ

ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ PHỤC VỤ DÂN SINH

Những năm qua, mặc dù nông nghiệp không phải là lĩnh vực được ưu tiên đầu tư, song nhận thức được tầm quan trọng của khu vực kinh tế này, TP Cần Thơ vẫn có sự đầu tư đúng mức. Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ đã "đặt hàng" Viện Khoa học thủy lợi miền Nam thực hiện dự án "Quy hoạch chi tiết trạm bơm điện quy mô vừa và nhỏ TP Cần Thơ đến năm 2020". Với dự án này, TP Cần Thơ kỳ vọng tạo cú hích cho nền nông nghiệp đô thị, chất lượng cao; phát triển kinh tế nông nghiệp dựa trên tiềm năng của lũ (thủy sản, thủy cầm, thủy sinh…); du lịch sinh thái mùa nước nổi…

Theo đơn vị tư vấn (Viện Khoa học thủy lợi miền Nam), TP Cần Thơ nằm trên nền địa hình khá phẳng và bị chia cắt thành từng ô bởi hệ thống kênh rạch khá dày đặc. Đây là đặc điểm thuận lợi cho việc dẫn và tiêu thoát nước do đường dẫn ngắn. Tuy nhiên, hệ thống kênh này cũng làm cho việc dẫn nước lũ vào sâu trong khu vực nội đồng. Trong khi đó, vào mùa khô, mực nước trong hệ thống kênh cấp II, cấp III xuống thấp gây nên tình trạng thiếu nước cho khu vực vùng sâu, vùng xa. Xuất phát từ thực tế này, việc đầu tư hệ thống trạm bơm điện để chủ động tưới tiêu, phòng chống hạn, tiêu nước lũ kịp thời xuống giống đúng lịch thời vụ là nhu cầu cấp thiết. Theo đó, số lượng và quy mô trạm bơm điện đề xuất xây dựng là 322 trạm, diện tích trên 51.540 ha với tổng công suất khoảng 29.950KW. Các trạm bơm này được phân bố tại huyện Vĩnh Thạnh, Thới Lai, Cờ Đỏ, Phong Điền và quận Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt. Tổng mức đầu dự kiến khoảng 688,54 tỉ đồng, phân kỳ thực hiện gồm 2 giai đoạn: 2016-2017 (hơn 450,6 tỉ đồng) và 2018-2020 (hơn 237,9 tỉ đồng); suất đầu tư bình quân là 13,4 triệu đồng/ha.

Khi hệ thống trạm bơm điện được đầu tư hoàn thiện sẽ khắc phục tình trạng bơm tát nhỏ lẻ tốn nhiều chi phí. (Trong ảnh: Mô hình trạm bơm điện ở huyện Châu Thành, tỉnh An Giang).

Ông Võ Văn Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hạ tầng kỹ thuật nông thôn - Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, nhấn mạnh: "Quy hoạch trạm bơm điện quy mô vừa và nhỏ là một bộ phận chi tiết hóa của Quy hoạch phát triển thủy lợi nội đồng của thành phố. Đây là một trong những bước đi quan trọng trong việc cụ thể hóa những giải pháp về tưới tiêu tại những nơi cần có sự hỗ trợ bằng trạm bơm điện. Mục tiêu của quy hoạch nhằm gia tăng hiệu quả sản xuất, thu nhập; nâng cao mức sống của người dân bằng việc cải thiện phương tiện bơm tát tại các khu vực khó khăn về nguồn nước; góp phần thực hiện thành công định hướng phát triển kinh tế - xã hội; đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới tại TP Cần Thơ. Mặt khác, dự án này hứa hẹn tạo "cú hích" cho nền nông nghiệp đô thị, chất lượng cao; phát triển kinh tế nông nghiệp dựa trên tiềm năng của lũ (thủy sản, thủy cầm, thủy sinh…); du lịch sinh thái mùa nước nổi…". Theo ông Võ Văn Thanh, trước mắt, số lượng và quy mô trạm bơm điện đề xuất như trên là phù hợp với thực tiễn đời sống, sản xuất và hết sức cấp thiết.

Tại Hội thảo góp ý Quy hoạch chi tiết trạm bơm điện quy mô vừa và nhỏ TP Cần Thơ đến năm 2020, nhiều ý kiến cho rằng, nguồn vốn xây dựng trạm bơm điện cần được xã hội hóa, huy động thông qua nhiều nguồn. Điển hình như, vốn từ ngân sách Nhà nước, vốn vay ODA, tín dụng ưu đãi… dùng trong việc xây dựng trạm bơm điện, cải tạo hệ thống kênh rạch nội đồng. Nguồn vốn huy động từ doanh nghiệp (ngành điện) phục vụ xây dựng hệ thống lưới điện, trạm biến áp. Sự tham gia, đóng góp của cộng đồng dân cư thể hiện qua việc tạo thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng; phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, vận hành các trạm bơm… Mặt khác, theo ông Bùi Quang Minh, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi TP Cần Thơ, quy hoạch trạm bơm điện có sự thống nhất với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; lồng ghép với quy hoạch lưới điện nông thôn đang triển khai và phù hợp với định hướng tái cơ cấu nông nghiệp của thành phố. Các trạm bơm điện nên ưu tiên bố trí tại các "Cánh đồng lớn", vùng trồng cây ăn trái chuyên canh, vùng nuôi thủy sản…

Ông Võ Văn Tuấn, Phó trưởng Bộ môn Kinh tế Xã hội Chính sách - Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ, đề xuất: Đơn vị tư vấn nên tiến hành rà soát hiện trạng các trạm bơm điện hiện hữu để quy hoạch được thực hiện đồng bộ; tiết kiệm chi phí. Đồng thời, đánh giá tác động môi trường và xã hội (đối tượng bị ảnh hưởng, đối tượng thụ hưởng…) từ đó đề ra giải pháp huy động vốn thiết thực, hiệu quả. Theo ông Nguyễn Anh Thùy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, đối với các phương án đề xuất, ngành nông nghiệp thành phố chọn phương án III (bố trí trạm bơm vừa và nhỏ với hình thức kiên cố, bán kiên cố và trạm bơm di động trong vùng dự án). Với phương án này, đơn vị tư vấn cần tính toán, xây dựng các kịch bản trong điều kiện biến đổi khí hậu, hạn mặn đang diễn biến phức tạp để bố trí, xây dựng trạm bơm điện cho phù hợp, tránh lãng phí. Đặc biệt, các trạm bơm điện được xây dựng mới phải đáp ứng được yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng chất lượng cao phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu…

Bài, ảnh: CHI MAI

Chia sẻ bài viết