* GIA BẢO- MINH HUYỀN
Bài 3: Thiếu cơ chế, chính sách để phát huy nguồn tài nguyên
Tiềm năng, lợi thế của vùng ĐBSCL sẽ khó phát huy hiệu quả, nếu hạ tầng cơ sở thiếu đồng bộ. Vấn đề này, các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã nhận ra, nhưng do mời gọi đầu tư vào ngành thủy sản, phát triển kinh tế biển của các địa phương thời gian qua rất khó khăn. Việc bảo tồn nguồn lợi và khai thác tài nguyên cũng chưa song hành. Những hạn chế này nếu không được giải quyết thỏa đáng sẽ thành rào cản cho phát huy tiềm năng của vùng.
Chưa gắn lợi ích rừng- biển
Với đặc thù hệ sinh thái đa dạng, ngoài lợi thế về nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, ĐBSCL còn có hệ thực vật đa dạng, phong phú. Hai khu dự trữ sinh quyển thế giới nằm ở tỉnh Cà Mau và Kiên Giang đa dạng với các loài sinh vật làm phong phú thêm nguồn tài nguyên của vùng mà không nơi nào hội tụ đủ. Đây cũng là "mảng" quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển của vùng. Tuy nhiên, việc giữ gìn và phát triển nguồn tài nguyên này vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn.
 |
Một đoạn đê biển ở huyện Gò Công Đông bị nước biển xâm thực rất nặng. Ảnh: NGUYỄN SỰ |
Thống kê của ngành nông nghiệp các địa phương có rừng ở ĐBSCL, diện tích đất lâm nghiệp chỉ còn khoảng 356.200ha; tính đa dạng sinh học ở các hệ sinh thái rừng ngập mặn và rừng tràm thể hiện qua 239 loài cây, 36 loài thú, 182 loài chim đầm lầy, 34 loài bò sát và 6 loài lưỡng cư. Tại vùng biển và ven biển có đến 260 loài cá được ghi nhận và rất nhiều loại nhuyễn thể, giáp xác sinh sống. Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà khoa học thì tính đa dạng sinh học tại ĐBSCL đang suy giảm nghiêm trọng. Ngoài ra, các khu đất thuộc vùng bảo tồn đất ngập nước của quốc gia như: Hà Tiên, Vườn quốc gia Tràm Chim, khu dự trữ thiên nhiên U Minh Thượng, Vườn quốc gia Đất Mũi, rừng đặc dụng Vồ Dơi, Bãi bồi Cà Mau, Trà Sư, thảm cỏ biển ở đảo Phú Quốc... cũng đứng trước nguy cơ cao.
Tình trạng chặt phá rừng ở các địa phương ven biển đã đẩy nguy cơ sạt lở tăng nhanh. Theo khảo sát của Bộ NN&PTNT trong tổng số 1.259km đê biển của vùng ĐBSCL mới có 780km đê có đai rừng phòng hộ, còn lại 38% chưa trồng rừng bảo vệ. Hiện nay nhiều đoạn đê biển và cửa sông đổ ra biển bị xói lở nghiêm trọng với tổng chiều dài khoảng 310,6km, gồm: Tiền Giang 42,7km, Bến Tre hơn 29km, Trà Vinh 14,2km, Cà Mau 111,6km, Kiên Giang 87,9km. Ở một số khu rừng phòng hộ còn nhiều hộ dân sinh sống xen kẽ làm công tác bảo vệ rừng khó khăn. Thêm vào đó, nhận thức về vai trò, chức năng và giá trị của rừng đối với tính bền vững môi trường ở một số địa phương còn hạn chế. Giữa tháng 12-2012, tại Phú Quốc tỉnh Kiên Giang diễn ra hội thảo bảo tồn và phát huy giá trị của Khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) thế giới- Kiên Giang (được UNESCO công nhận năm 2006) với sự tham gia của 100 nhà khoa học chuyên môn trên thế giới và Việt Nam. Các đại biểu cho rằng, cần tính toán chi li để đảm bảo KDTSQ không mất đi giá trị vốn có của nó. Bên cạnh đó, KDTSQ Cà Mau cũng vừa được công nhận là Khu Ramsar thế giới và là khu thứ 5 của Việt Nam. Việc đảm bảo giá trị rừng- biển, hài hòa lợi ích đang đòi hỏi sự nhập cuộc quyết liệt của các địa phương. KDTSQ Kiên Giang tổng diện tích hơn 1,1 triệu héc-ta có nhiều hệ sinh thái đặc trưng và có tiềm năng về giá trị bảo tồn. KDTSQ mũi Cà Mau qui mô 371.506ha, với 4 đặc trưng sinh thái chính: hệ thống diễn thế nguyên sinh trên đất bãi bồi; hệ thống chuyển tiếp các hệ sinh thái đặc trưng từ rừng ngập mặn sang rừng tràm ngập nước ngọt theo mùa; là vùng bãi đẻ và nuôi dưỡng con non các loài thủy hải sản cho cả vùng biển rộng lớn (kể cả vịnh Thái Lan) và nơi lưu dấu tích cư dân đầu tiên di cư từ các vùng miền trong cả nước.
Theo ông Trần Chí Viễn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, năm 2012, tổng vốn đầu tư của Chính phủ cho Chương trình bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Kiên Giang là 15 tỉ đồng. Tỉnh đã thực hiện khoán bảo vệ rừng 7.400 ha, chăm sóc rừng trồng 598,5 ha; trồng cây phân tán 750.798 cây, vượt 7,25% kế hoạch. Diện tích rừng của tỉnh Kiên Giang trải rộng, sức ép dân số tăng, nhu cầu sản xuất đất nông nghiệp cũng tăng theo. Trong khi hoạt động lâm nghiệp chủ yếu tập trung ở các huyện vùng sâu, xa, hải đảo, cơ sở hạ tầng thì yếu kém. Ban quản lý rừng, Vườn quốc gia còn mỏng, rất khó khăn trong công tác bảo vệ và quản lý rừng. Trong kế hoạch phát triển lâm nghiệp 2013, tỉnh tập trung khoanh nuôi rừng tái sinh thái, đẩy mạnh công tác khoán bảo vệ và chăm sóc rừng. Ngành nông nghiệp tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phát triển lâm nghiệp xã hội, trọng tâm là trồng cây phân tán trong nhân dân để tăng tỷ lệ che phủ rừng, tạo nguồn nguyên vật liệu cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Theo Quyết định 1479/QĐ-TTg "Phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn vùng nước nội địa đến năm 2020" của Thủ tướng Chính phủ, thì Cà Mau là 1 trong 5 khu bảo tồn vùng nước nội địa có mức độ ưu tiên rất cao. Phạm vi bảo tồn gồm toàn bộ vùng đất ngập nước và ranh giới hành chính thuộc 5 xã: Đất Mũi, Viên An, Đất Mới, Lâm Hải, Nguyễn Việt Khái. Tổng diện tích khu bảo tồn là 138.047ha, trong đó vùng bảo vệ nghiêm ngặt với diện tích 16.260ha (thuộc phần đất của 2 xã Đất Mũi, Viên An và một phần của cửa sông Cửa Lớn), vùng phục hồi sinh thái là vùng bao bọc 3 mặt của vùng lõi và vùng đệm bao gồm diện tích tự nhiên của cả 5 xã với tổng diện tích 92.762ha. Việc bảo tồn vùng đất ngập nước ven biển có ý nghĩa quốc gia, quốc tế, gắn với phát triển du lịch, phục vụ công tác nghiên cứu, giáo dục, phát huy giá trị và chức năng kinh tế của hệ sinh thái đất ngập nước ven biển tỉnh Cà Mau. Bộ NN&PTNT cũng đề xuất giai đoạn 2012-2013 cần xây dựng qui hoạch bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng ven biển mang tính chất liên ngành. Trên cơ sở qui hoạch bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng ven biển ĐBSCL giai đoạn 2013- 2020 để sản xuất, bảo tồn và đảm bảo phát triển bền vững.
Cần cơ chế và sự liên kết
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre Cao Văn Viết, cho biết: "Để phát triển kinh tế ổn định và bền vững cần có sự quan tâm hỗ trợ từ bộ, ngành Trung ương, sự liên kết giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL có điều kiện tương đồng. Một mặt để quản lý khai thác các nghề có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản, quản lý lịch thời vụ tôm biển; hoặc mở rộng vùng khai thác nghêu theo tiêu chuẩn MSC sang các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, TP Hồ Chí Minh... xây dựng thương hiệu". Ông Viết cho rằng, Bến Tre luôn tạo môi trường đầu tư thuận lợi, an toàn và tin cậy cho các nhà đầu tư, luôn đặt doanh nghiệp vào vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Hiện tỉnh Bến Tre có lợi thế nghêu sạch đạt tiêu chuẩn MSC, nhưng chậm phát huy do thiếu nguồn giống chất lượng, các nhà máy chế biến (4 nhà máy trong tỉnh) chưa tương xứng tiềm năng, sản phẩm chưa đa dạng và chưa chế biến được các mặt hàng có giá trị gia tăng, nhất là những sản phẩm từ tôm biển. Hiện nay, ngành thủy sản Bến Tre đang tập trung mời gọi các dự án trọng điểm như: Đầu tư và xây dựng làng cá An Thủy- Ba Tri, Cảng cá An Nhơn- Thạnh Phú, Khu sản xuất giống thủy sản- Bình Đại, Mở rộng cảng cá Bình Đại, xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá huyện Thạnh Phú, dự án xây dựng khu bảo vệ đa dạng sinh học và bảo tồn phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản vùng cửa sông Hàm Luông... Ngoài chính sách ưu đãi chung của Trung ương, tỉnh đã ban hành chính sách ưu đãi riêng để thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành thủy sản như: miễn, giảm... tiền thuê đất trong thời gian xây dựng dự án.
Ông Trần Văn Kiển, Chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) Đồng Tâm, xã Thừa Đức, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, cho biết: "HTX quản lý nghêu giống và nuôi nghêu thương phẩm. Năm 2008 thất thu, năm 2011 nghêu chết trắng, nhưng cũng đỡ hơn; năm 2012 lượng nghêu giống giảm 70%. Mỗi năm có 2 đợt nghêu giống xuất hiện vào giữa năm và cuối năm, nếu đem nghêu chan ra nuôi thương phẩm phải mất 24 tháng. Tài sản cố định của HTX chỉ 5 tỉ đồng, muốn vay vốn cũng khó khăn; dù HTX được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, năm 2011- 2012, HTX chỉ đóng 7% để có điều kiện tái đầu tư. Hiện nay, Trung ương có quỹ tín dụng hỗ trợ cho HTX, nhưng phân bổ về tỉnh có 18 tỉ đồng thì cũng chẳng giải quyết hết được nhu cầu của HTX, vì còn nhiều HTX ngành nghề khác cũng cần vốn". Theo ông Kiển, để phát triển bền vững, nhiều năm qua HTX đã hỗ trợ cho con em xã viên học phí, tiền sinh hoạt khi vào cao đẳng, đại học. HTX cũng tính đầu tư nhà máy sơ chế nghêu, nhưng đường vào HTX rất khó khăn, khi hạ tầng hoàn chỉnh mới mong mở rộng đầu tư.
Ông Phan Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang, cho biết: Kiên Giang là tỉnh có nghề đánh bắt và khai thác nguồn lợi hải sản phát triển trong số 28 tỉnh, thành phố có biển trong cả nước. Song, phương thức đánh bắt, khai thác, nuôi trồng thủy sản trong tỉnh còn manh mún nhỏ lẻ, nên khả năng chống chọi trước thiên tai và những rủi ro trên biển còn hạn chế. Việc phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực thủy sản sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế biển, giúp ngư dân bám biển và làm giàu từ biển, vừa góp phần bảo vệ nguồn lợi, tài nguyên, môi trường sinh thái biển vừa kết hợp đảm bảo an ninh quốc phòng vững chắc chủ quyền quốc gia biển đảo. Hiện nay, các HTX thủy sản và các tổ hợp tác đánh bắt thủy sản ở Kiên Giang hoạt động rất hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao cho người tham gia, đồng thời có tác động tích cực trong việc thu hút ngư dân tham gia.
Theo ông Trần Chí Viễn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, tỉnh đã xác định mục tiêu khai thác thủy sản theo hướng vươn mạnh ra biển khơi, hạn chế đánh bắt ven bờ. Tuy nhiên, cần phải tổ chức lại nghề khai thác biển, củng cố, khuyến khích các cơ sở cơ khí chuyển dần đóng tàu gỗ sang composite, đầu tư dịch vụ hậu cần nghề cá
Để đạt mục tiêu trên, tỉnh Kiên Giang đang rất cần mời gọi doanh nghiệp đến đầu tư nhà máy chế tạo ngư cụ, cơ khí đóng tàu, xây dựng cảng cá Tắc Cậu; xây dựng nhà máy chế biến thủy sản chất lượng cao, nuôi thủy sản trên biển góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ, ven đảo và phát triển kinh tế biển.
Hiện các địa phương ven biển đã đưa hàng loạt dự án mời gọi đầu tư vào nuôi trồng, chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá. Tuy nhiên, các địa phương đều cần cơ chế ưu đãi từ Trung ương. Song song đó, cần các khu kinh tế ven biển ĐBSCL phát huy sức mạnh tổng hợp để đưa kinh tế biển của vùng phát triển vững chắc hơn.
Bài 4: Tìm chìa khóa mở hướng ra biển