Bài 2: Nhiều rủi ro trong phát triển
Mặc dù có những đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu thủy sản quốc gia, nhưng các địa phương ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến nay chỉ mới phát triển kinh tế biển chủ yếu dựa vào tài nguyên sẵn có. Nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản được phát huy, nhưng phương tiện đánh bắt xa bờ còn hạn chế. Dịch vụ hậu cần nghề cá chưa phát triển và thiếu chính sách hỗ trợ cho ngư dân đánh bắt xa bờ. Các địa phương ven biển vẫn loay hoay với bài toán chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thoát nghèo.
Hạ tầng vùng nuôi kém
 |
Tàu câu mực của ngư dân cặp bến TX Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: MỸ THANH |
Theo tính toán của các nhà khoa học, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam có thể tăng thêm 300C và mực nước biển có thể dâng 1m vào năm 2100 thì 90% diện tích ven biển thuộc ĐBSCL ngập hoàn toàn và khoảng 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất khoảng 10% GDP. Trong 3 năm gần đây, các tỉnh ven biển như: Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau xảy ra hiện tượng tôm chết hàng loạt vì hoại tử gan tụy. Tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Bạc Liêu còn đối mặt tình trạng nghêu chết hàng loạt, lượng nghêu giống giảm
khiến các địa phương loay hoay tìm phương án xử lý. Chất lượng sống của người dân bị ảnh hưởng do thu nhập giảm. Các chính sách cho làng nghề dù có nhưng vẫn chưa thể vực dậy được làng nghề do những yếu kém tồn tại lâu đời.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản (Tổng cục thủy sản) cho rằng, tốc độ tăng trưởng của ngành thủy sản hằng năm cao, nhưng chưa bền vững. Cơ cấu ngành nghề chưa phù hợp, tàu thuyền khai thác thủy hải sản tăng nhanh ngoài tầm kiểm soát, trong khi quản lý theo qui mô gia đình. Dịch vụ hậu cần nghề cá được đầu tư nhưng chưa tương xứng với nhu cầu, ô nhiễm môi trường từ nuôi trồng, đánh bắt, chế biến ngày một tăng... sự phân hóa giàu nghèo ở các địa phương ven biển tăng. Thủy sản là ngành chịu nhiều rủi ro nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, để phục vụ cho diện tích nuôi tôm 265.000 ha, nhu cầu tôm giống cần khoảng 23,5 tỉ post/năm đến năm 2015 và 33 tỉ post năm 2020, nhưng sản xuất tại địa phương chỉ đáp ứng 50% nhu cầu/năm. Mặt khác, tỉnh chưa có nhà máy chế biến thức ăn phục vụ nuôi trồng thủy sản, mà nhu cầu lên đến 200.000 tấn/năm; nhu cầu vật tư thủy sản (thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học
) rất lớn mà chưa có doanh nghiệp đầu tư. Hệ thống thủy lợi phục vụ cho nuôi trồng cũng yếu kém, nhiều khu nuôi chưa có hệ thống thoát nước hoàn chỉnh, hầu hết vùng nuôi sử dụng hệ thống cấp thoát nước chung. Tỉnh chưa hình thành được vùng nuôi tập trung qui mô lớn để quản lý theo hình thức cộng đồng, việc triển khai ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhiều nơi còn hạn chế. Thêm vào đó, mạng lưới khuyến ngư được tăng cường, nhưng nông dân vùng sâu, vùng xa vẫn thiếu thông tin; giá tôm nguyên liệu giảm trong khi thức ăn liên tục tăng, ảnh hưởng đến chuyển đổi sản xuất theo hướng ứng dụng khoa học kỹ thuật.
Anh Nguyễn Văn Đẳng, nông dân nuôi tôm ở khóm Hàng Vịnh, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau than vãn: "Người dân thiếu kỹ thuật, chủ yếu nuôi theo kinh nghiệm. Cán bộ khuyến ngư có xuống tập hợp dân để phổ biến kỹ thuật, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của người dân, vì chuyển tải thông tin không đầy đủ". Theo anh Đẳng, giá thành nuôi tôm ngày một tăng, trong khi giá tôm thương phẩm thời gian gần đây chựng lại và sụt giảm nhiều hơn là tăng giá. Người dân muốn vay vốn sản xuất phải có sổ đỏ thế chấp ngân hàng, khi chưa đến hạn trả nợ mà muốn đầu tư thêm thì ngân hàng không cho vay. Chỉ tiêu vay 3ha nuôi tôm của anh Đẳng chỉ được khoảng 200 - 300 triệu đồng, nếu đầu tư bài bản thì chỉ lời 100- 150 triệu đồng/năm, nhưng cũng rất khó, do dịch bệnh mấy năm qua liên tục hoành hành. Vốn và kỹ thuật nuôi là cái thiếu lớn nhất của người dân vùng nuôi tôm. Theo nhiều hộ nuôi tôm sú, hiện nay nhà máy chế biến tôm chỉ giải quyết công đoạn tiêu thụ, còn đầu tư con giống, kỹ thuật, vốn cho dân hầu như không có. Giá thị trường bấp bênh, nông dân thiệt đủ đường.
Trên thực tế, hầu hết hạ tầng cơ sở cho vùng nuôi thủy sản của các địa phương ven biển đều thiếu đồng bộ, các đề tài nghiên cứu khoa học, dự án phát triển công nghệ về lĩnh vực chế biến thủy sản chưa được phổ biến nhiều vào thực tiễn. Công tác quản lý chất lượng nguyên liệu đầu vào cũng như đầu tư phát triển khoa học công nghệ của các nhà máy chế biến còn hạn chế, dẫn đến nhiều lô hàng sản xuất không đạt tiêu chuẩn qui định. Điều này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến uy tín chung của doanh nghiệp, thị trường tiêu thụ có thể bị thu hẹp.
Dịch vụ hậu cần nghề cá: yếu và thiếu
Mục tiêu quy hoạch chung đến năm 2020, ngành thủy sản cả nước phát triển toàn diện theo hướng bền vững, có nghề cá thủ công ven bờ hợp lý, nghề cá xa bờ và các lĩnh vực nuôi trồng thủy sản (NTTS), chế biến thủy sản (CBTS) cơ bản được công nghiệp hóa vào năm 2020 và hiện đại hóa vào năm 2030; thủy sản trở thành ngành hàng xuất khẩu hàng hóa lớn, chất lượng, có thương hiệu uy tín. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần đầu tư cụ thể cho từng mảng kinh tế biển (nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, dịch vụ hậu cần, cảng, khai thác tài nguyên biển
) để phát huy tổng lực sức mạnh của kinh tế biển. Song, các địa phương vẫn chật vật với bài toán đầu tư, tìm cơ chế.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre Cao Văn Viết, cho biết: "Thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, diện tích nuôi thủy sản khoảng 170.000ha, sản lượng trên 42.000 tấn/năm, khai thác thủy hải sản khoảng 132.000 tấn, đứng thứ 5 cả nước về khai thác. Tuy nguồn nguyên liệu nhiều, nhưng tỉnh chỉ có 1 nhà máy làm mặt hàng khai thác đặt tại cảng Ba Tri và chỉ giải quyết được lượng hàng của 10 tàu/tháng. 3 cảng dịch vụ hậu cần nghề cá tại Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú đều đang quá tải và chỉ tiếp nhận khoảng 70.000 tấn thủy sản/năm, các tàu cá phải bán sản phẩm cho các cảng ở Sóc Trăng, Tiền Giang, Cà Mau". Theo ông Viết, chủ tàu cá là tư nhân nên khó mà hiện đại hóa đầu tư hệ thống bảo quản trên tàu để hạn chế thất thoát, bảo quản tốt sản phẩm, do chi phí lớn, chủ tàu còn ngại; trong khi khả năng đầu tư của Nhà nước có giới hạn. Bến Tre hiện có 3.969 chiếc tàu, trong đó 44% tàu khai thác xa bờ, giải quyết việc làm cho khoảng 40.000 lao động trực tiếp và gián tiếp; tỉnh có 51 tổ khai thác trên biển (350 tàu tham gia) vừa cung cấp nguyên liệu, vừa vận chuyển sản phẩm về đất liền. Tỉnh đã lập dự án mở rộng cảng cá Bình Đại, di dời cảng cá Ba Tri, nhưng hiện chưa có kinh phí và đang chờ mời gọi đầu tư.
Đây cũng là vấn đề khó đối với tỉnh Kiên Giang, ông Trần Chí Viễn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, bức xúc: "Hiện thất thoát trong bảo quản sản phẩm trên tàu đánh bắt thủy hải sản của tỉnh khoảng 20% giá trị. Các tàu khai thác hoạt động dài ngày trên biển, công nghệ bảo quản lắp đặt trên tàu chưa cao, việc cải tiến nghề cá theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường chưa được người dân đồng tình ủng hộ, do điều kiện kinh tế, tập tục truyền thống. Công nghệ chế biến chưa hiện đại đồng bộ, sản phẩm làm ra tính cạnh tranh chưa cao. Công tác khuyến ngư trong lĩnh vực khai thác thủy sản và đào tạo nâng cao tay nghề chưa đáp ứng yêu cầu". Thêm vào đó, nhu cầu vật liệu để gia công chế tạo ngư cụ của tỉnh rất lớn, nhưng Kiên Giang chưa có nhà máy nào sản xuất và phải mua từ TP Hồ Chí Minh, nên giá thành sản xuất cao. Công tác khuyến ngư trong lĩnh vực khai thác thủy sản và đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động nghề cá chưa đáp ứng yêu cầu, trình độ lao động nghề cá hạn chế cũng khó ứng dụng khoa học công nghệ vào khai thác.
Anh Nguyễn Văn Hùng, Chủ tàu đánh cá ở huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, cho biết: "Hiện chi phí 1 cặp cào đôi cho một chuyến biển 30 ngày tốn khoảng 750- 800 triệu đồng. Năm nay sản lượng đánh bắt nhiều hơn những năm trước, nhưng giá giảm nhiều, ngư dân vẫn khó khăn do chi phí đội lên quá cao". Theo anh Hùng, với khó khăn này, nhiều chủ tàu ở Kiên Giang phải hợp đồng khai thác ở các nước láng giềng, rủi ro rất cao. Trong khi ngư dân muốn đầu tư đi biển thì vay vốn rất khó khăn, lãi suất thấp mà các ngân hàng công bố hỗ trợ ngư dân khó tiếp cận, mà phải vay lãi suất cũ. Chi phí đầu tư trang thiết bị phần lớn là vốn tự có, vay mượn bên ngoài, thậm chí thế chấp bất động sản để vay vốn ngân hàng chứ thế chấp tàu khó mà vay được vốn nhiều.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, nguồn lợi thủy sản ngày càng giảm, chi phí nhiên liệu tăng, nhằm giúp ngư dân khai thác thủy sản hiệu quả thì trang bị máy dò ngang Sonar cho các tàu đánh bắt rất cần thiết. Tuy nhiên, trình độ các thuyền trưởng thấp, việc sử dụng máy dò ngang Sonar cho tàu lưới vay khá lúng túng. Mặt khác để lắp đặt thiết bị này trên tàu cần tới trên dưới 300 triệu đồng/máy, nên ngư dân ngại đầu tư. Rồi giá thành để đóng các hầm bảo quản sản phẩm bằng vật liệu polyurethane (PU) cao hơn 50% so với vật liệu truyền thống, các cơ sở kinh doanh PU trong tỉnh ít nên ngư dân muốn đầu tư phải đặt hàng từ nơi khác, thợ thổi PU trong tỉnh cũng phải thuê từ nơi khác về.
Ngoài những bất cập về hạ tầng cơ sở phục vụ vùng nuôi, chế biến và hậu cầu nghề cá chậm phát triển thì nguy cơ sạt lở đê biển ngày một tăng đã tác động không nhỏ đến đời sống, sinh kế của người dân. Phần lớn các dự án đầu tư tuyến đê biển đều gắn với giao thông ven biển. Tuy nhiên, nguồn kinh phí đảm bảo phát triển hạ tầng ven biển đang là trở ngại lớn của các địa phương. Các dự án đều có nguồn vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng, trong khi vốn vay, vốn địa phương, vốn Trung ương phân bổ chưa đáp ứng yêu cầu đầu tư. Biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, những tác động của nó đang đe dọa đời sống của ngư dân ven biển. n
Bài 3: Thiếu cơ chế, chính sách để phát huy nguồn tài nguyên