06/09/2020 - 06:30

Đằng sau thỏa thuận lịch sử giữa Serbia và Kosovo 

Tiếp theo thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hồi tháng 8, chính quyền Mỹ vừa một lần nữa giúp Serbia và Kosovo đạt được thỏa thuận bình thường hóa quan hệ kinh tế, qua đó tạo khí thế ngoại giao mới cho đương kim Tổng thống Donald Trump trước ngày bầu cử 3-11.

Tổng thống Trump (giữa) thể hiện vai trò trung gian giữa Tổng thống Serbia Vucic (trái) và Thủ tướng Kosovo Hoti tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng hôm 4-9. Ảnh: AP

Tổng thống Trump (giữa) thể hiện vai trò trung gian giữa Tổng thống Serbia Vucic (trái) và Thủ tướng Kosovo Hoti tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng hôm 4-9. Ảnh: AP

Tổng thống Trump đã thông báo kết quả trên trong cuộc gặp với Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic và Thủ tướng Kosovo Avdullah Hoti tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng hôm 4-9. Ông Trump ca ngợi thành tựu này là “sự đột phá lớn”, “sự cam kết lịch sử thực thụ” trong hơn một thập kỷ qua sau khi Kosovo tuyên bố độc lập và tách khỏi Serbia.

Ông Trump “cao tay” hơn EU?

Chính quyền Trump tăng cường can dự vào các cuộc đàm phán bình thường hóa quan hệ giữa Serbia và Kosovo từ cuối năm ngoái với việc bổ nhiệm Đặc phái viên của Mỹ về đàm phán giữa Serbia và Kosovo, ông Richard Grenell. Điều này gần như đã đẩy vai trò của Liên minh châu Âu (EU) ra khỏi tiến trình đó sau 9 năm làm trung gian.

Dường như muốn “đá xéo” sự thất bại của EU và thể hiện sự “cao tay” của mình, Tổng thống Trump nói rằng mối quan hệ đầy những xung khắc giữa Serbia và Kosovo phải tiếp tục kéo dài hàng thập niên qua (sau chiến dịch ném bom 78 ngày của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ đứng đầu chống Belgrade năm 1999) là bởi “không có ai cố gắng” làm điều ông đã làm. “Sau giai đoạn lịch sử bạo lực và thảm kịch cùng những năm đàm phán thất bại, chính quyền của tôi đã đề xuất một con đường mới kết nối sự chia rẽ. Bằng cách tập trung vào tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế, 2 nước này mới có thể đi tới bước đột phá lớn” - ông Trump lý giải về cách thức Washington giúp Belgrade và Pristina đạt được thỏa thuận bình thường hóa quan hệ kinh tế.

Trước nay, Brussels có lẽ đặt quá nhiều tham vọng trong nỗ lực trung gian hòa giải giữa Belgrade và Pristina, đặc biệt là vấn đề chính trị. Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia năm 2008 và đến nay, cộng đồng quốc tế vẫn chia rẽ trong việc công nhận vùng lãnh thổ này. Khoảng 100 nước, trong đó có Mỹ và hầu hết các quốc gia thành viên EU, công nhận vùng lãnh thổ Kosovo là quốc gia độc lập, trong khi Nga và Trung Quốc phủ nhận chủ quyền của Kosovo. Chính phủ Serbia không công nhận Kosovo là quốc gia có chủ quyền, song Belgrade đã bắt đầu có những thỏa thuận kết nối đường sắt, hàng không và trung chuyển  với chính quyền Pristina nhằm hướng tới mục tiêu gia nhập EU.

Dù chỉ là bình thường hóa quan hệ kinh tế, Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Robert O’Brien tin rằng đây là bước tiến có thể dẫn đến “những đột phá lớn trên mặt trận chính trị trong tương lai”.

Cam kết và toan tính chính trị

Để có được thỏa thuận trên giữa Serbia và Kosovo, Mỹ chắc chắn đã có những cam kết đầu tư kinh tế đáng kể cho 2 bên. Tổng thống Trump tuyên bố sẽ sang thăm Belgrade và Pristina “trong tương lai không xa”.

Thể hiện sự miễn cưỡng phải đồng ý bình thường hóa quan hệ kinh tế với Kosovo, Tổng thống Serbia Vucic khi phát biểu với giới truyền thông nước nhà cho hay thỏa thuận này là thỏa thuận với Mỹ chứ không phải với Kosovo. Ông Vucic thừa nhận vẫn còn nhiều khác biệt giữa Belgrade và Pristina, nên việc ký thỏa thuận không đồng nghĩa Serbia công nhận Kosovo là quốc gia. Hãng tin Reuters cho biết Tổng thống Vucic và Thủ tướng Hoti dường như ký thỏa thuận bằng 2 văn kiện khác nhau và Tổng thống Trump ký văn kiện riêng đứng ra làm trung gian. Ông Vuci gọi thỏa thuận là một thắng lợi lớn của Serbia vì đã đàm phán xích lại gần trong quan hệ với Mỹ. Theo hãng tin AP, Serbia tuy vẫn tìm cách gia nhập EU nhưng muốn tạo dựng vị thế với Mỹ bên cạnh các mối quan hệ kinh tế, chính trị, quân sự gần gũi với Nga và Trung Quốc.

Nhưng để thúc đẩy quan hệ với Washington, Tổng thống Serbia đã cam kết sẽ mở văn phòng kinh tế tại Jerusalem ngay trong tháng 9 và chuyển đại sứ quán tại Israel từ Tel Aviv tới Jerusalem vào tháng 7-2021. Với cam kết này, Serbia là quốc gia châu Âu đầu tiên đặt đại sứ quán tại Jerusalem.

Về phần mình, Thủ tướng Hoti tin rằng thỏa thuận bình thường hóa quan hệ kinh tế với Serbia sẽ mở ra hy vọng được nước này công nhận Kosovo là quốc gia độc lập. Để “đền đáp” công lao của chính quyền Trump, Kosovo đồng ý thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel và cũng sẽ mở đại sứ quán tại Jerusalem. Là vùng lãnh thổ với đa số người Hồi giáo sinh sống, Kosovo chưa bao giờ công nhận Nhà nước Do Thái. Nhưng với bước đi mới, Kosovo được Israel coi là quốc gia có đa số người Hồi giáo đầu tiên đặt  đại sứ quán tại Jerusalem. Hiện Mỹ và Guatemala là 2 nước duy nhất mở cửa đại sứ quán tại vùng đất thiêng liêng mà người Palestine chọn một phần ở phía Đông làm thủ đô của nhà nước độc lập trong tương lai.

 

Các nhà phân tích chính trị cho rằng thỏa thuận bình thường hóa quan hệ kinh tế giữa Serbia và Kosovo không quá ấn tượng và mơ hồ. Jasmin Mujanovic, nhà khoa học chính trị- chuyên gia về khu vực Đông Âu, đánh giá thỏa thuận trên chỉ là bước nối lại đàm phán giữa 2 bên chứ không tạo bước đột phá gì lớn. Edward Joseph, thành viên cao cấp của Trường nghiên cứu quốc tế tiên tiến thuộc Đại học Johns Hopkins, nhấn mạnh đó là thỏa thuận mơ hồ và thậm chí không rõ ràng về mặt kinh tế.

 

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết