Hộ tịch là những sự kiện cơ bản xác định tình trạng nhân thân của một người từ khi sinh ra đến khi chết. Các thủ tục hành chính về đăng ký hộ tịch bao gồm: khai sinh, khai tử, kết hôn... Đây là những thủ tục liên quan mật thiết đến đời sống của người dân. Các thủ tục này được quy định cụ thể, giúp việc thực hiện dễ dàng hơn.

Người dân làm thủ tục đăng ký hộ tịch tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của UBND thị trấn Thới Lai.
Những ngày giáp Tết, chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Kim Ngân, ngụ xã Trường Xuân B, huyện Thới Lai, tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của UBND xã. Bà vừa thực hiện xong thủ tục đăng ký khai sinh cho con. Bà Ngân phấn khởi nói: “Trước khi thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh, tôi lo lắng, vì sợ phiền phức, phải đi lại nhiều lần. Thế nhưng thực tế không phải vậy. Tôi mừng lắm vì thủ tục đơn giản, nhất là cán bộ ở Bộ phận “Một cửa” tận tình hướng dẫn, giải quyết hồ sơ nhanh chóng”.
Người mà bà Ngân nhắc đến là bà Trần Thị Giêng, công chức Tư pháp - Hộ tịch của UBND xã Trường Xuân B. Nhiều năm gắn bó với lĩnh vực này, bà Giêng nắm khá chắc những quy định pháp luật có liên quan nên tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính một cách nhanh chóng, đúng quy định. Năm 2019, UBND xã Trường Xuân B đã tiếp nhận, giải quyết 393 trường hợp đăng ký khai sinh; 65 trường hợp kết hôn; 45 trường hợp khai tử; 126 trường hợp xác nhận tình trạng hôn nhân…
Ông Trần Văn Chính, ở thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, kể: “Năm 2002, vợ chồng tôi kết hôn, sinh sống ở ấp Thới Phước từ đó cho đến nay. Năm 2004, con chúng tôi chào đời, đặt tên là Trần Văn Hào, sinh tại Bệnh viện huyện Thới Lai nhưng do gia cảnh nghèo, sự am hiểu pháp luật còn hạn chế, nên tôi chưa làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con”. Nay con ông Chính đã lớn, có nhu cầu làm giấy khai sinh, nên ông liên hệ với UBND thị trấn để được hướng dẫn giải quyết. Qua tiếp nhận hồ sơ, công chức Tư pháp - Hộ tịch của UBND thị trấn Thới Lai, đã xác minh thực tế và xem xét, giải quyết thủ tục đăng ký khai sinh cho con ông Chính. “Con tôi đã có giấy đăng ký khai sinh. Tôi cảm ơn cán bộ chuyên môn đã nhiệt tình, hướng dẫn chu đáo, giúp tôi dễ dàng hoàn tất thủ tục hành chính” - ông Chính thở phào nhẹ nhõm.
Bà Lê Kim Xuyến, công chức Tư pháp - Hộ tịch của UBND thị trấn Thới Lai, cho biết: “Gần đây, người dân liên hệ chính quyền địa phương thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký hộ tịch ngày một nhiều. Việc tiếp nhận, giải quyết đối với các hồ sơ dần đi vào nề nếp, tạo nhiều thuận lợi cho người dân”. Ở huyện Thới Lai có 4 công chức của Phòng Tư pháp và 25 công chức Tư pháp - Hộ tịch của 13 xã, thị trấn. Đội ngũ công chức tư pháp huyện, xã, thị trấn luôn đoàn kết thống nhất, tham mưu tốt cho UBND cùng cấp, chủ động thực hiện công tác cải cách hành chính, thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, phối hợp với các ngành, đoàn thể trong thực hiện nhiệm vụ chung… Đồng thời, đội ngũ này luôn nêu cao tinh thần phục vụ; giải quyết công việc, nhận hồ sơ và trả kết quả cho công dân, cá nhân... đúng và trước hạn. Bà Võ Thị Ngọc Sương, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Thới Lai, cho biết: “Luật Hộ tịch ra đời, có hiệu lực thi hành đã tạo thuận lợi trong đăng ký, quản lý hộ tịch của cơ quan nhà nước, đảm bảo quyền và lợi ích của công dân trong đăng ký hộ tịch (trong nước kể cả có yếu tố nước ngoài). Thời gian tới, Phòng Tư pháp sẽ tổ chức thực hiện tốt kế hoạch cải cách hành chính năm 2020. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ và trả kết quả cho người dân; sử dụng phần mềm quản lý văn bản, hồ sơ đạt hiệu quả cao nhất”.
Sau nhiều năm có hiệu lực thi hành, Luật Hộ tịch năm 2014 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để người dân được công nhận các quyền con người, quyền, nghĩa vụ công dân. Từ đó, những quy định pháp luật về hộ tịch đã đi vào cuộc sống, được người dân đồng tình, ủng hộ.
Bài, ảnh: Chấn Hưng