22/06/2021 - 19:05

Dân túy thoái trào ở Đông Âu? 

Mặc dù từng chiến thắng trong các cuộc bầu cử trước giới tinh hoa, phe dân túy ở Ðông Âu hóa ra lại không được lòng công chúng cho lắm.

Năm 2016, chủ nghĩa dân túy trỗi dậy mạnh mẽ ở châu Âu, đặc biệt ở miền Ðông sau hai “cơn địa chấn” liên tiếp: cử tri Anh quyết định rời Liên minh châu Âu (EU) và Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Mặc dù nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump không phải yếu tố chính kích hoạt làn sóng dân túy ở Ðông Âu, nhưng sự hiện diện của tỉ phú này trong Nhà Trắng được ví như sự bảo trợ cho các chính trị gia cùng chí hướng ở bên kia bờ Ðại Tây Dương.

Từ trái sang: Thủ tướng Ba Lan Morawiecki, Thủ tướng Hungary Orban và cựu Bộ trưởng Nội vụ Ý Salvini tại mật nghị Budapest.

Tuy nhiên, giấc mơ liên minh cánh hữu hùng mạnh giữa ông Trump và những nhà lãnh đạo muốn chống lại giới tinh hoa truyền thống đã không thành sau khi ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Sự ra đi của ông Trump được nhiều người coi là lực đẩy đưa chủ nghĩa dân túy ở châu Âu đến bờ sụp đổ.

Trên thực tế, phong trào cánh hữu ở lục địa này đã bắt đầu suy yếu kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát hồi cuối năm 2019. Một cuộc thăm dò trên YouGov vào mùa hè năm ngoái cho thấy xu hướng cực hữu giảm rõ rệt ở nhiều quốc gia có phong trào dân túy bài EU mạnh mẽ như Ðức, Ý, Anh, Ðan Mạch và Pháp khi chính phủ những nước này có nhiều biện pháp kiểm soát đại dịch, làm lu mờ phê phán chỉ trích của các nhà dân túy về di cư, chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và sự hoài nghi đối với nhà nước.

Còn với một số chính phủ do phe dân túy nắm quyền ở Ðông Âu, cách tiếp cận vận động tầng lớp bình dân chống lại giới tinh hoa giờ đây tỏ ra kém hiệu quả khi ngày càng nhiều người phản đối cách nhà cầm quyền xử lý COVID-19 và thắt chặt các luật lệ vốn đã nghiêm ngặt. Ðiển hình như Hungary, quốc gia tự xưng mang tiêu chuẩn “dân chủ phi tự do” dưới thời Thủ tướng Viktor Orban đang đối mặt làn sóng chỉ trích khi nước này có số người tử vong do COVID-19 theo tỷ lệ dân số cao thứ hai thế giới, chỉ sau Peru.

Cùng chịu áp lực còn có đảng Công lý và Luật pháp (PiS) của Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki. Sự tức giận của người dân gần đây đã buộc giới lãnh đạo bảo thủ chuyển sang xu hướng thiên tả trong chính sách kinh tế để giành lại sự ủng hộ.

Nhưng nói đến việc bị cử tri xa lánh, các nhà quan sát đặc biệt chú ý tình hình ở Slovenia khi chỉ số ủng hộ dành cho lãnh đạo đảng Dân chủ (SDS) Janez Jansa đang tụt dốc thảm hại. Chủ trương ngăn cấm người tị nạn từ Trung Ðông và đảm bảo sự tồn tại của quốc gia Slovenia đã giúp SDS giành được nhiều phiếu nhất trong cuộc bầu cử năm 2018. Năm ngoái, chính phủ liên minh mới do SDS lãnh đạo có tỷ lệ tán thành 65% nhưng hiện giảm còn 26%. Các cuộc biểu tình trên đường phố chống lại Thủ tướng Jansa thu hút hàng chục ngàn người trong khi nhiều đồng minh cũng dần từ bỏ SDS. Ông Jansa từng vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong Quốc hội và nỗ lực luận tội gần đây của các nhà lập pháp đối lập, nhưng cựu quan chức Ziga Turk cho biết quyền lực của Thủ tướng đã bị suy yếu đến mức “không thể làm gì ngoài đả kích đối thủ trên Twitter”.

Trong nỗ lực thể hiện sự mạnh mẽ của phong trào “dân chủ phi tự do” giữa thời điểm khủng hoảng, Thủ tướng Hungary Orban và người đồng cấp Ba Lan Morawiecki cùng cựu Bộ trưởng Nội vụ Ý Matteo Salvini hồi tháng 4 đã có cuộc gặp 3 bên ở thủ đô Budapest. Mục tiêu là tìm kiếm liên minh chính trị mới theo đường lối cánh hữu nhằm cạnh tranh với khối đảng Nhân dân châu Âu trung hữu, nhóm chính trị lớn nhất trong Nghị viện châu Âu. Nhưng Giám đốc Viện nghiên cứu Political Capital Peter Kreko cho rằng cuộc họp ở Budapest chỉ cho thấy “bước đi tuyệt vọng” nhằm che giấu rằng phong trào cánh hữu đang suy tàn. Trong khi đó, triết gia người Slovenia Slavoj Zizek cho biết vẫn còn quá sớm để nói rằng diễn tiến chính trị trong nước hay ở Hungary, Ba Lan hiện nay đại diện cho sự tan rã của chủ nghĩa dân túy cánh hữu ở châu Âu. Lấy ví dụ như tình hình bầu cử địa phương ở Pháp cuối tuần rồi, lãnh đạo đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN) Marine Le Pen tuy không đạt kết như mong muốn nhưng các cuộc thăm dò dư luận cho thấy bà vẫn là ứng viên nặng ký trong cuộc bầu cử tổng thống năm tới.

MAI QUYÊN (Theo New York Times)

Chia sẻ bài viết