08/11/2009 - 16:19

Đan Mạch sử dụng Internet trong thi cử

Chính phủ Đan Mạch vừa thực hiện một bước đi táo bạo cho phép học sinh truy cập Internet trong kỳ thi cuối năm. Tổng cộng 14 trường trung học ở Đan Mạch đang thử nghiệm hệ thống thi mới và tất cả trường học trong cả nước được mời tham gia dự án vào năm 2011.

Trường Trung học Greve, ở phía Nam Thủ đô Copenhagen, là một trong những trường thử nghiệm. Vào buổi sáng ngày thi, phòng thi đầy ắp dây cáp. Các nhân viên công nghệ thông tin (IT) bận rộn giúp đỡ học sinh thiết lập máy tính xách tay, bảo đảm tất cả chạy ổn định. Đĩa CD và giấy thi được phát ra cùng lúc. Một trong các giáo viên đứng giữa lớp giải thích qui định. Cô bảo học sinh có thể sử dụng Internet để trả lời bất kỳ câu hỏi nào trong đề thi. Họ có thể truy cập bất kỳ trang nào họ thích, ngay cả Facebook, nhưng họ không được nhắn tin cho nhau hay gởi email cho bất kỳ người nào bên ngoài.

Trong hơn một thập kỷ qua, học sinh Đan Mạch đã quen với việc gõ câu trả lời bài thi trên máy tính. Chính phủ Đan Mạch cho rằng nếu Internet là một phần lớn trong đời sống hằng ngày, nó nên được đưa vào lớp học và các kỳ thi. Sanne Yde Schmidt, người dẫn đầu dự án tại Trường Trung học Greve, cho biết nếu muốn trở thành trường học hiện đại và dạy học sinh những điều thích hợp cho họ trong cuộc sống, giáo viên ở trường phải dạy họ cách sử dụng Internet.

Mối lo lớn nhất là gian lận. Trao đổi bị cấm nhưng không thể ngăn học sinh gởi email câu hỏi cho bạn. Tuy nhiên, cô Schmidt cho biết họ dựa vào sự trung thực của học sinh và nếu bị bắt, học sinh có nguy cơ bị đuổi học. Các giáo viên tin tưởng học sinh và cho rằng tỷ lệ gian lận rất thấp bởi hậu quả của nó rất lớn.

Bộ trưởng Giáo dục Đan Mạch Bertel Haarder cho rằng các kỳ thi phải phản ánh cuộc sống hằng ngày trong lớp học và cuộc sống hằng ngày trong lớp học phải phản ánh cuộc sống trong xã hội. Internet là không thể thiếu, ngay cả trong thi cử. Ông tự hào rằng Đan Mạch đang dẫn đầu và tin rằng các quốc gia khác sẽ triển khai hệ thống này chỉ trong vài năm nữa thôi.

Khôi Minh (Theo BBC)

Chia sẻ bài viết