21/09/2021 - 20:24

Đàm phán thỏa thuận thương mại EU - Úc lâm nguy 

Trong động thái được cho là tìm cách trừng phạt Úc vì hủy bỏ hợp đồng đóng tàu ngầm, Pháp đang vận động các đồng minh châu Âu trì hoãn các cuộc đàm phán thỏa thuận thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Canberra.

Ngoại trưởng các nước EU nhóm họp tại New York, Mỹ hôm 20-9. Ảnh: EC

Ngoại trưởng các nước EU nhóm họp tại New York, Mỹ hôm 20-9. Ảnh: EC

Trước những căng thẳng ngoại giao liên quan vụ Úc “bắt tay” với Mỹ, Anh để phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và hủy hợp đồng mua tàu ngầm thông thường trị giá 40 tỉ USD đã ký với Pháp năm 2016, ngoại trưởng các nước thành viên EU hôm 20-9 đã tiến hành cuộc họp đột xuất bên lề kỳ họp thường niên của Ðại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (ÐHÐ LHQ) tại New York, Mỹ. Trọng tâm cuộc họp là bàn thảo về quan hệ thương mại EU - Úc sau sự kiện tàu ngầm, cũng như các tác động của vụ này đến lịch trình đàm phán thỏa thuận thương mại tự do giữa hai bên. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin ngoại giao tiết lộ các cuộc thảo luận thực sự sẽ liên quan đến đề nghị của Pháp về việc tạm ngưng đàm phán với Úc.

Bước đi trên được xem là đòn trả đũa của Pháp đối với Úc sau khi Canberra hồi tuần rồi tuyên bố “xé bỏ” hợp đồng mua 12 tàu ngầm tấn công chạy bằng điện - diesel từ Tập đoàn Hải quân của Pháp.

Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune tuyên bố Paris có thể ngăn chặn thúc đẩy một thỏa thuận thương mại tự do EU - Úc. Các thỏa thuận thương mại đòi hỏi sự ủng hộ của tất cả 27 quốc gia thành viên EU mới được thông qua. Vòng đàm phán thứ 12 về thỏa thuận nới lỏng các rào cản thương mại EU - Úc dự kiến diễn ra vào tháng tới và lúc đầu Úc hy vọng thỏa thuận được chốt lại trước cuối năm nay. Dù vậy, với những hục hặc ngoại giao hiện nay, khả năng đình các cuộc thương lượng sắp tới là tương đối cao. EU là đối tác thương mại lớn thứ ba của Úc năm 2020 với thương mại hàng hóa song phương đạt 42 tỉ USD và thương mại dịch vụ đạt 30 tỉ USD.

Brussels bênh vực Paris

Sau nhiều ngày im lặng, các quan chức cấp cao của EU đã bắt đầu lên tiếng ủng hộ Pháp. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho rằng Pháp bị đối xử theo cách “không thể chấp nhận được” khi Úc, Mỹ và Anh ký thỏa thuận chuyển giao công nghệ tàu ngầm hạt nhân. “Có nhiều câu hỏi mở cần được trả lời. Một quốc gia thành viên của chúng tôi bị đối xử theo cách không thể chấp nhận được. Vì vậy quý vị phải làm rõ việc đó, trước khi duy trì mọi việc như bình thường”, bà der Leyen nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn với Kênh CNN hôm 20-9. Cùng ngày, Cao ủy EU phụ trách đối ngoại và chính sách an ninh Josep Borrell cho biết ngoại trưởng các nước EU đã lên tiếng thể hiện đoàn kết với Pháp trong căng thẳng với Úc và Mỹ.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel phê phán Mỹ thiếu thành thật với các đồng minh, đồng thời yêu cầu chính quyền Washington làm rõ những ý định thực sự của việc thiết lập liên minh Úc - Anh - Mỹ (AUKUS). Theo ông Michel, nếu Mỹ coi Trung Quốc là trọng tâm chính thì việc Washington hợp tác với Úc và Anh là “điều rất lạ”. Dự kiến vào cuối tháng này, các quan chức hàng đầu của Mỹ và EU sẽ gặp nhau tại cuộc họp của Hội đồng thương mại và công nghệ Mỹ - EU mới được thành lập. Tuy nhiên, Charles Michel cho biết một số thành viên EU đang đề xuất hoãn cuộc họp này.

Mặc dù Úc muốn cải thiện quan hệ với Pháp sau vụ tàu ngầm, song Thủ tướng Úc Scott Morrison hôm qua cho rằng vẫn chưa phải là lúc thích hợp để gặp gỡ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bên lề kỳ họp ĐHĐ LHQ. Về ảnh hưởng của việc hủy mua tàu ngầm của Pháp tới việc đàm phán hiệp định thương mại tự do đang diễn ra giữa Úc và EU, ông Morrison khẳng định hai vấn đề này nên được tách biệt.

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết