27/07/2019 - 12:27

Đại học Úc bị điều tra vì ‘’làm ăn’’ với Viện Khổng Tử 

Nhiều trường đại học Úc đang “bị soi” các hợp đồng với Viện Khổng Tử  do Chính phủ Trung Quốc tài trợ, sau khi có những tiết lộ mới về mức độ kiểm soát sự giảng dạy của Bắc Kinh đối với các trung tâm này.

Trang web giới thiệu Viện Khổng Tử của Đại học La Trobe. Ảnh: CAN

Ngày 25-7, Tổng chưởng lý Úc Christian Porter cho biết chính phủ nước này đang xem xét liệu thỏa thuận giữa 13 trường đại học xứ chuột túi với các Viện Khổng Tử có vi phạm luật chống can thiệp từ nước ngoài hay không. Trước đó cùng ngày, báo Sydney Morning Herald đã công bố 11/13 hợp đồng của các trường Úc với Viện Khổng Tử. Trong đó, 4 văn kiện có các điều khoản dành cho các viện tiếng nói cuối cùng về “chất lượng giảng dạy” tại trung tâm và trường phải chấp nhận những đánh giá này. Tài liệu cũng quy định các hoạt động phải tôn trọng “tập quán văn hóa”. Đổi lại, phía nhà trường nhận trước khoản tài trợ tối thiểu lên tới 70.000 USD-105.000 USD và 3.000 quyển sách tiếng Hoa cùng các tài liệu khác. 4 trường đó gồm Đại học Queensland, La Trobe, Griffith và Charles Darwin.

Tháng 1-2018, Thượng nghị sĩ Úc Sam Dastyari đã phải từ chức sau một loạt cáo buộc cho thấy ông có mối quan hệ gần gũi với giới nhà giàu Trung Quốc và ủng hộ yêu sách phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông - trái ngược hoàn toàn với quan điểm của Công đảng.

Phản ứng trước báo cáo trên, các trường liên quan đều lên tiếng bảo vệ thỏa thuận của mình. Đại học La Trobe khẳng định Viện Khổng Tử “không trực tiếp tham gia vào công tác quản lý bất cứ khóa học cấp bằng nào”, nên thỏa thuận giữa hai bên “không ảnh hưởng đến quyền tự quản và tính độc lập của trường”. Thế nhưng, phát ngôn viên giáo dục của đảng Xanh Mehreen Faruqi mô tả các hợp đồng này “kinh khủng” và cho rằng tiền đang có “tác dụng bào mòn” nhiều trường.

Trước tình hình trên, Tổng chưởng lý Porter đã yêu cầu Bộ Tư pháp Úc rà soát lại toàn bộ hợp đồng giữa Viện Khổng Tử và các trường để đảm bảo tuân thủ quy định của Chương trình minh bạch hóa ảnh hưởng nước ngoài (FITS), có hiệu lực hồi tháng 12-2018. Thật ra trước đó 6 tháng, Thượng viện Úc cũng đã thông qua luật chống sự can thiệp của nước ngoài vào công việc nội bộ của Úc, theo đó các vi phạm sẽ đối mặt với những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc. Luật này nhằm vào tất cả các quốc gia, nhưng luôn được hiểu là để ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc.

Tương tự như các Trung tâm Pháp ngữ, Học viện Cervantes của Tây Ban Nha và Hội đồng Anh, Viện Khổng Tử dạy cho sinh viên về ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc. Viện này trực thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc. Các thỏa thuận với Viện Khổng Tử đã giúp thúc đẩy mối quan hệ giáo dục giữa Bắc Kinh và Canberra trong những năm qua. Ước tính, hiện có khoảng 190.000 sinh viên Trung Quốc theo học tại các trường đại học Úc. Dù vậy, nghiên cứu năm 2018 của học giả người Đức Falk Hartig phát hiện 50 Viện Khổng Tử ở châu Á, châu Phi, châu Âu và châu Mỹ có “chương trình nghị sự rõ ràng để trình bày một phiên bản phi chính trị của Trung Quốc”.

Chính phủ Úc buộc các trường phải đăng ký các viện nói trên theo luật chống can thiệp từ nước ngoài để Canberra có thể theo dõi và “tóm” những hoạt động của các tổ chức thay mặt cho các chính phủ ngoại quốc tìm cách gây ảnh hưởng lên chính trị cũng như bộ máy điều hành ở Úc. Dù vậy cho đến nay, vẫn chưa có cơ sở nào trong số 13 trường nói trên đăng ký thỏa thuận hợp tác theo FITS.

THANH BÌNH (Theo AFP, Guardian)

Chia sẻ bài viết