14/06/2019 - 18:47

Đại học Mỹ “bị soi” các nguồn tài trợ nước ngoài 

Bộ Giáo dục Mỹ đang điều tra hai trường đại học Georgetown (ảnh) và Texas A&M trong bối cảnh Nhà Trắng tìm cách siết chặt dòng tiền từ nước ngoài chảy vào các trường đại học xứ cờ hoa.

Trong thư gửi đến Georgetown và Texas A&M ngày 13-6, Bộ Giáo dục cáo buộc hai trường này không báo cáo cho chính phủ liên bang về số quà cáp và hợp đồng mà các phân hiệu của họ ở Qatar nhận được. Các điều tra viên cũng yêu cầu cung cấp hồ sơ về các khoản đóng góp từ các nguồn ở Trung Quốc (bao gồm hai tập đoàn công nghệ Huawei và ZTE), Nga (công ty an ninh mạng Kaspersky Lab) và Saudi Arabia trong những năm qua. Các nhà điều tra còn cảnh báo Georgetown và Texas A&M có thể đối mặt với hành động pháp lý và bị phạt tiền nếu vi phạm các quy định của luật liên bang.

Ảnh: AP

Theo luật liên bang, các trường đại học phải kê khai những khoản đóng góp hoặc hợp đồng có được từ các nguồn tài chính nước ngoài trị giá tổng cộng ít nhất 250.000 USD/năm. Cuộc điều tra được mở sau khi một số nhà lập pháp lên tiếng phàn nàn Bộ Giáo dục Mỹ không nỗ lực thực thi các quy định trên. Theo một nguồn thạo tin, có thể sẽ có thêm nhiều trường khác “bị soi” khi giới chức liên bang bắt đầu tập trung vào vấn đề sống còn đối với sự minh bạch và an ninh quốc gia. Một số quan chức Mỹ đã gọi Huawei và ZTE là “mối đe dọa” đối với an ninh quốc gia.

Được biết, thông tin về các khoản tài trợ từ nước ngoài mà các trường trình lên Bộ Giáo dục thường cung cấp quá ít chi tiết về xuất xứ của số tiền đó hoặc nó được sử dụng như thế nào. Một số trường chỉ báo cáo số lượng tiền, ngày đạt thỏa thuận, nguồn gốc của khoản đóng góp và đôi khi mới có một nguồn cụ thể bên trong quốc gia đó. Theo dữ liệu Georgetown trình lên bộ này, trường đã nhận hơn 415 triệu USD từ nước ngoài kể từ năm 2012, bao gồm 36 triệu USD trong năm ngoái. Gần như toàn bộ tiền nước ngoài báo cáo trong năm 2018 của Georgetown đều bắt nguồn từ Qatar, trong đó có 33 triệu USD của Qatar Foundation- tổ chức phi lợi nhuận hợp tác với Georgetown để hỗ trợ chi nhánh của trường tại quốc gia Trung Đông. Riêng Texas A&M đã bỏ túi 285 triệu USD từ các nguồn tài trợ nước ngoài kể từ năm 2014, bao gồm 6,1 triệu USD hồi năm ngoái. Toàn bộ tiền trong năm rồi của Texas A&M cũng đều thông qua chương trình hợp tác nghiên cứu với Qatar Foundation. Quốc gia giàu dầu mỏ này là nơi đặt rất nhiều chi nhánh của các trường đại học Mỹ.

Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và ít nhất một trường đại học khác đã hợp tác nghiên cứu với công ty trí tuệ nhân tạo (AI) của Trung Quốc iFlytek. Đáng nói, iFlytek lại có mối quan hệ làm ăn với cảnh sát khu tự trị Tân Cương, nơi cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ được cho là bị giám sát chặt chẽ. Dù vậy, hãng tin Reuters không phát hiện bằng chứng cho thấy các trường đại học hàng đầu của Mỹ liên quan trực tiếp tới việc tạo ra công nghệ cho iFlytek, hoặc công trình nghiên cứu của họ được sử dụng tại Tân Cương.

THANH BÌNH (Theo AP)

Chia sẻ bài viết