13/09/2014 - 16:32

Đại gia công nghệ Nhật chuyển hướng sang lĩnh vực không gian

Sau khi rút lui khỏi lĩnh vực điện thoại thông minh và sản phẩm bán dẫn, tập đoàn NEC đang nuôi tham vọng trở thành "tay chơi chính" trong ngành công nghiệp không gian toàn cầu và đang nỗ lực thu hút các khách hàng nước ngoài. Một số hãng công nghệ lớn khác của Nhật cũng có bước đi tương tự.

Ba gương mặt điển hình trong cuộc đua này là NEC, hãng điện tử Mitsubishi Electric (chuyên chế tạo dòng vệ tinh cỡ lớn dùng trong lĩnh vực thông tin liên lạc, định vị toàn cầu và các dịch vụ thương mại khác) cùng tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi Heavy (chuyên chế tạo tên lửa và cung cấp dịch vụ phóng tên lửa). Trong khi Mitsubishi Electric đang có 2 khách hàng lớn là công ty truyền thông Úc Optus và hãng điều hành vệ tinh Thổ Nhĩ Kỳ Turksat, thì Mitsubishi Heavy cũng nhận được đơn đặt hàng từ công ty vệ tinh viễn thông Telesat (Canada). Riêng NEC hồi tháng 7 thông báo sẽ chuyển giao công nghệ vệ tinh hàng hải và quan sát Trái đất cho Chính phủ Mexico.

Quang cảnh một vụ phóng tên lửa của Mitsubishi Heavy. Ảnh: AP

Theo hãng nghiên cứu thị trường Euroconsult (Pháp), trong giai đoạn 2004-2013, các công ty Nhật đã đạt được tổng doanh thu 5,4 tỉ USD từ hoạt động sản xuất vệ tinh. Con số này tuy lớn nhưng còn khá khiêm tốn so với mức thu nhập 75 tỉ USD của các tập đoàn Mỹ và 26 tỉ USD của các công ty đặt tại Nga và Tây Âu. Do vậy, Chính phủ Nhật – khách hàng lớn nhất của các hãng công nghệ nội địa – đang hối thúc các nhà thầu vệ tinh bán thêm sản phẩm ra nước ngoài. Được biết, đơn hàng từ chính phủ hiện chiếm hơn 90% trong doanh thu hàng năm 3 tỉ USD của ngành công nghiệp không gian Nhật.

Tại Mitsubishi Electric, giá trị xuất khẩu chiếm chưa tới 30% trong tổng doanh thu 85 tỉ yen của bộ phận không gian hồi năm ngoái, dù hãng này đã xuất khẩu vệ tinh từ hơn 10 năm nay. Tương tự, dù đã sản xuất vệ tinh cho các cơ quan chính phủ từ năm 1970, nhưng NEC vẫn đang chật vật tìm kiếm khách hàng nước ngoài. Tập đoàn này chỉ xuất khẩu được một lượng phụ tùng trị giá 5-7 tỉ yen cho các nhà sản xuất vệ tinh nước ngoài, không đáng kể so với tổng doanh thu 50 tỉ yen của bộ phận không gian. Ông Masaki Adachi - tổng giám đốc bộ phận hệ thống không gian của NEC - cho biết tập đoàn đang hướng tới mục tiêu tăng gấp đôi doanh thu ở mảng này vào năm 2020.

Theo các chuyên gia, chi phí cao là rào cản lớn nhất cho ngành công nghiệp không gian Nhật Bản. Đơn cử như Mitsubishi Heavy phóng tên lửa H-IIA tại Tanegashima tiêu tốn hơn 100 triệu USD, trong khi hãng công nghệ thám hiểm không gian SpaceX chỉ cần 60 triệu USD cho một vụ phóng tương tự tại Mỹ.

Nhằm đối phó với tình trạng cạnh tranh gay gắt từ các hãng "có thâm niên" khác trên thế giới, lãnh đạo Mitsubishi Heavy cho biết đang tìm cách hạ giá thành. Tập đoàn này hiện đang phát triển dòng tên lửa mới, cho phép cắt giảm ít nhất 1/3 chi phí phóng so với hiện tại. Chính phủ Nhật cũng ra sức hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực không gian. Tokyo mới đây đã cấp 20 triệu USD để hỗ trợ NEC mở rộng nhà máy sản xuất tại Fuchu. Sự kiện này diễn ra cùng thời điểm Thủ tướng Shinzo Abe quyết định nới lỏng quy định hạn chế xuất khẩu đối với các nhà thầu quân sự vốn ít nhiều có liên quan tới lĩnh vực không gian.

NGUYỆT CÁT (Theo Wall Street Journal)

Chia sẻ bài viết