23/07/2022 - 08:47

Đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu 

Qua 6 tháng năm 2022, xuất khẩu hàng hóa của nước ta đã đạt được mức tăng trưởng rất cao so với cùng kỳ và cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu. Bên cạnh mở rộng, đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, nước ta cũng quan tâm phát triển ngày càng đa dạng nhiều loại hàng hóa và sản phẩm xuất khẩu giúp mang lại giá trị kim ngạch xuất khẩu cao.

Có 5 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 10 tỉ USD

Thu mua xoài phục vụ xuất khẩu tại một cơ sở thu mua trái cây ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.

Thu mua xoài phục vụ xuất khẩu tại một cơ sở thu mua trái cây ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.

Theo Bộ Công Thương, xuất nhập khẩu của nước ta trong 6 tháng năm 2022 tiếp tục tăng cao, với tổng kim ngạch ước đạt hơn 371,3 tỉ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 186 tỉ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước tăng 19,5%, cao hơn mức tăng 16,6% của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Cán cân thương mại duy trì xuất siêu 743 triệu USD, góp phần cải thiện cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Xuất khẩu tăng đều ở các nhóm hàng, trong đó nhóm nhiên liệu và khoáng sản tăng 52,5%, nhóm nông sản, thủy sản và công nghiệp chế biến chế tạo đều tăng ở mức khoảng 17%, trong đó, tập trung ở các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh và khai thác tốt các hiệp định thương mại tự do như: dệt may, da giày, thủy sản… Theo bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch thuộc Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, tăng 4 mặt hàng so với cùng kỳ, chiếm 91,2% tổng kim ngạch. Có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỉ USD, chiếm 58,3% tổng kim ngạch.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng qua, với kim ngạch đạt 56,6 tỉ USD, chiếm 30,4% kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước. Kế đến là thị trường Trung Quốc, với kim ngạch đạt 26,2 tỉ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Còn thị trường EU đạt kim ngạch xuất khẩu 23,8 tỉ USD, tăng 22,7%; thị trường ASEAN đạt 17,7 tỉ USD, tăng 26,9%; Hàn Quốc đạt 12,1 tỉ USD, tăng 17,1%; Nhật Bản đạt 11,4 tỉ USD, tăng 12,9% so cùng kỳ năm trước.

Tại TP Cần Thơ, hoạt động xuất khẩu hàng hóa trong những tháng qua cũng đạt được mức tăng cao so cùng kỳ năm trước. Ông Trần Lê Bình, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết: "Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và doanh thu dịch vụ thu ngoại tệ của thành phố trong 6 tháng năm 2022 ước thực hiện hơn 1,119 tỉ USD, đạt 55,41% so với kế hoạch, tăng 15,16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước thực hiện hơn 872,4 triệu USD, tăng 15,12%; dịch vụ thu ngoại tệ ước thực hiện hơn 246,9 triệu USD, tăng 15,29% so với cùng kỳ năm trước". Bên cạnh tập trung xuất khẩu các mặt hàng chủ lực là gạo và thủy sản để tạo điều kiện cho nông dân tiêu thụ sản phẩm, TP Cần Thơ cũng tăng cường xuất khẩu nhiều loại nông sản và nông sản thực phẩm chế biến, trái cây, hàng may mặc...

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn

Hiện nay, xuất khẩu nhiều loại hàng hóa của nước ta sang một số nước trên thế giới vẫn còn gặp khó do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhất là xuất khẩu sang Trung Quốc. Đồng thời, các nước cũng gia tăng các rào cản kỹ thuật để hạn chế hàng nhập khẩu và bảo vệ người tiêu dùng, cùng nền sản xuất trong nước. Những diễn biến phức tạp của tình hình chính trị - kinh tế trên thế giới tiếp tục gây nhiều tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta. Đặc biệt, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã góp phần đẩy giá xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi, cùng nhiều chi phí đầu vào phục vụ sản xuất và vận chuyển hàng hóa tăng, ảnh hưởng đến việc sản xuất và xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản.

Trước khó khăn trên, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương đang tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tháo gỡ kịp thời các vướng mắc để duy trì, phát triển các hoạt động sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu. Đặc biệt, chú ý tăng cường hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong kết nối cung - cầu sản phẩm, hỗ trợ thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu. Tạo điều kiện để doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu và tận dụng các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký và thông qua việc tăng cường kết nối với các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới. Khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để tạo ra các sản phẩm mới. Theo Bộ Công Thương, các địa phương cần tập trung xây dựng, phát triển thương hiệu đối với các mặt hàng có thế mạnh của mình. Quan tâm phối hợp với các bộ, ngành xử lý tốt vấn đề về truy xuất nguồn gốc và đảm bảo chất lượng hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu của các nước, tận dụng tốt các FTA mà Việt Nam đã ký để đẩy mạnh xuất khẩu.

Tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của ngành Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ và địa phương cần tăng cường hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng về thông tin thị trường, định hướng sản xuất và xúc tiến xuất khẩu. Thực hiện số hóa các hoạt động xuất khẩu và xúc tiến xuất khẩu. Đẩy nhanh thực hiện các giải pháp xuất khẩu chính ngạch. Nâng cao năng lực các doanh nghiệp trong nước để đủ sức tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Cần phối hợp tốt giữa các đơn vị, địa phương và bộ ngành có liên quan để đẩy nhanh tiến trình đàm phán, phát triển thị trường, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm...

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết