06/04/2016 - 14:32

Cựu Thủ tướng New Zealand tranh cử Tổng thư ký LHQ

Được sự ủng hộ của chính phủ New Zealand, cựu Thủ tướng Helen Clark (ảnh) vừa tuyên bố sẽ tham gia cuộc đua vào vị trí Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ), kế nhiệm ông Ban Ki-moon vốn sẽ rời nhiệm sở vào cuối năm 2016 sau hai nhiệm kỳ.

Vào tuần tới, các ứng cử viên sẽ tham gia buổi điều trần công khai lần đầu tiên được tổ chức tại Đại hội đồng LHQ trong lịch sử 70 năm qua. Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ vào tháng 7 sẽ quyết định ứng viên chiến thắng. Sau khi được Đại hội đồng bỏ phiếu thông qua, người kế nhiệm sẽ bắt đầu công việc từ ngày 1-1-2017.

Ảnh: AFP

Nếu được chọn, bà Clark sẽ trở thành người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo LHQ sau 8 người tiền nhiệm đều là nam giới. Tuy nhiên, nữ chính trị gia 66 tuổi khẳng định bản thân tranh cử không chỉ vì bà đại diện cho nữ giới mà còn bởi "tôi nghĩ rằng tôi là người phù hợp nhất cho công việc này". Phát biểu trong buổi phỏng vấn với hãng tin Pháp AFP, bà Clark cho biết bà tham gia tranh cử dựa vào kinh nghiệm lãnh đạo trong gần 30 năm qua trên chính trường trong nước lẫn quốc tế. Được biết, bà từng giữ chức nữ thủ tướng đầu tiên của New Zealand trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp (1999-2008) và là người đứng đầu Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP) từ năm 2009 đến nay.

Việc tìm kiếm người thay thế ông Ban Ki-moon diễn ra tại thời điểm LHQ đang đối mặt chỉ trích nặng nề vì thất bại trong chính sách cải cách đối phó các cuộc khủng hoảng toàn cầu. Bà Clark cho biết bản thân rất quan tâm việc xây dựng LHQ theo cách tiếp cận hiệu quả hơn trước các vấn đề hòa bình và an ninh hiện đại. Trong cuộc phỏng vấn với BBC, bà còn bày tỏ mong muốn cải tổ HĐBA LHQ bằng cách đưa Đức, Nhật Bản, Ấn Độ và Brazil vào cơ chế thành viên thường trực thay vì chỉ 5 thành viên như hiện nay. Đặc biệt, bà cũng muốn vận động thêm 2 đại diện châu Phi trở thành thành viên thường trực để cùng hợp lực đối phó với các thách thức của thế kỷ 21.

Ngoài bà Clark, có 3 phụ nữ khác (cùng 4 ứng viên nam giới) xác nhận ứng cử vị trí lãnh đạo LHQ, trong đó có Tổng Giám đốc đầu tiên của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) Irina Bokova đến từ Bulgaria, cựu Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Croatia Vesna Pusic và cựu Ngoại trưởng Moldova Natalia Gherman. Một số ứng viên nữ tiềm năng khác có thể đến từ Macedonia và Montenegro. Phó chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) Kristalina Georgieva, người Bulgaria và thậm chí Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng được đề cập tới thời gian qua. Các ứng viên nam có Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) Antonio Guterres, người Bồ Đào Nha.

Theo Thời báo New York, từ trước tới nay ứng viên Tổng thư ký LHQ sáng giá nhất thường là kết quả của cuộc "mặc cả" âm thầm giữa Nga và Mỹ, đồng thời được lựa chọn dựa trên đại diện luân phiên khu vực. Lần này, dù buổi điều trần sẽ diễn ra công khai, nhưng Nga tuyên bố các ứng viên Đông Âu cần được ưu tiên bởi đây là khu vực duy nhất chưa từng dẫn dắt tổ chức lớn nhất thế giới với 193 quốc gia thành viên. Nước Anh tuyên bố ủng hộ ứng viên nữ lên làm lãnh đạo cơ quan này.

MAI QUYÊN (Theo AFP, ABC, BBC, Nytimes)

Chia sẻ bài viết