27/02/2021 - 20:59

Cuộc chiến phát trực tuyến phim truyền hình Hàn Quốc 

Sự ra đời và lên ngôi các dịch vụ phát trực tuyến khiến thị trường phim Hàn Quốc đang có những chuyển đổi, với nội dung, chất lượng sản phẩm liên tục đổi mới để nâng cao sức cạnh tranh.

Phim “SF8”.

Phim “SF8”.

Chưa bao giờ thị trường phim truyền hình Hàn Quốc phá vỡ trật tự cũ như hiện tại, khi đang diễn ra một cuộc đua tranh quyết liệt giữa các nền tảng phát trực tuyến và các đài truyền hình. Kỷ nguyên phát trực tuyến lên ngôi, không chỉ các đài truyền hình cáp, các kênh dịch vụ cũng lần lượt ra đời như OCN, JTBC, tvN… cạnh tranh trực tiếp với các kênh truyền thống KBS, SBS, MBC… Ðiều này tác động trực tiếp đến quá trình đầu tư, sản xuất và phân phối nội dung phim truyền hình xứ sở Kim Chi. Một cuộc đua tranh giành thị phần khán giả đang diễn ra quyết liệt.

“Descendants of the Sun” (2016) là một trong những tác phẩm đánh dấu khởi điểm cho cuộc cạnh tranh này. “Descendants of the Sun” là phim đầu tiên được sản xuất hoàn chỉnh trước khi phát sóng, khác hẳn quy trình sản xuất thường thấy ở phim truyền hình Hàn Quốc. Bộ phim vốn được phát sóng trên kênh truyền thống SBS, nhưng sau đó đã phải chuyển sang kênh phụ KBS2. Bất ngờ, tác phẩm tạo ra sức hút lớn với tỷ suất người xem cao nhất ở Hàn Quốc với khoảng 38,8% tại thời điểm đó. Bộ phim cũng tìm được kênh phát hành mới trên nền tảng trực tuyến iQiyi (Trung Quốc), chính thức bùng nổ toàn châu Á.

Thành công của “Descendants of the Sun” tạo nên một tiền lệ cho các phim khác tấn công thị trường cáp và trực tuyến. Mặt khác, thời điểm này, Netflix cũng đã góp chân vào thị trường, từng bước đạt được sự kết nối và thỏa thuận hợp tác với các nhà sáng tạo nội dung bản địa của Hàn Quốc. Ðây là tiền đề để Netflix đầu tư và sản xuất tác phẩm nguyên tác Hàn Quốc: “Kingdom” (2019). Khác hẳn với các phim truyền hình trong nước phải vất vả tìm đơn vị phân phối, “Kingdom” nhanh chóng được Netflix đưa ra thị trường quốc tế. Sự thành công của “Kingdom” đã khiến nhiều đơn vị sản xuất nội dung bản địa, như: Studio Dargon, JTBC mạnh dạn bắt tay hợp tác cùng Netflix. Trên cơ sở này, lượng lớn nội dung bản địa và các tác phẩm nhượng quyền Hàn Quốc đã thuộc về Netflix, tiếp cận thị trường quốc tế.

Bên cạnh Netflix, hàng loạt các kênh khác cũng đã nhảy vào thị trường trực tuyến hoặc bắt tay hợp tác. Watcha, Waave, OCN, JTBC, tvN, hay KBS, SBS, MBC đều không bỏ qua cơ hội này. Ngoài những kênh nền tảng bản địa, hiện Hàn Quốc còn phát triển thêm nhiều kênh dịch vụ quốc tế: Disney+, Coupang Play, Apple+, HBO Max, hay Kakao M, Vline của Naver, hay các nhà đầu tư cung cấp dịch vụ như KT cũng nhập cuộc.

Sự đa dạng của các kênh dịch vụ đã tạo ra cuộc cạnh tranh thị phần gay gắt. Những kênh này buộc phải có những nội dung mới, độc quyền để tăng sức hút đối với người dùng. Waave bắt đầu chuyển đổi nội dung mới mẻ với loạt phim hài cổ trang “The Tale of Nokdu”, hay hợp tuyển phim ngắn viễn tưởng “SF8”. Ðơn vị này cũng chủ động hợp tác với NBCUniversal để đưa nội dung lên nền tảng trực tuyến quốc tế Peacock. Trong khi đó, TVING cũng bước vào sân chơi với tác phẩm nguyên tác đầu tiên “Girls High School Investigation Class”; còn Apple+ cũng đang đầu tư sản xuất phiên bản đa ngôn ngữ “Pachinko” về cuộc sống của một người Hàn nhập cư, đồng thời chuyển thể “Mr. Robin” từ truyện tranh mạng “Dr.Brain”…

Cạnh tranh trực tuyến sẽ mang lại cho người dùng nhiều cơ hội lựa chọn hơn, nội dung phim vì thế cũng trở nên đa dạng, các tác phẩm cũng ngày càng được nâng chất với kinh phí đầu tư lớn. Truyền hình Hàn Quốc đang có nhu cầu hướng tới thị trường quốc tế, cần có sự hợp tác nhiều hơn từ các đối tác bên ngoài. Thế nhưng, điều này lại đang gây áp lực cho chính những nền tảng phát trực tuyến nội địa. Ðây là cuộc chiến dài hơi và thị trường vẫn luôn biến động. 

MINH NHIÊN (Tổng hợp từ Soompi, South China Morning Post)

Chia sẻ bài viết