24/01/2023 - 14:09

Cuộc chiến Nga - Ukraine
vẽ lại bản đồ châu Âu 

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Cục diện an ninh - chính trị châu Âu đã thay đổi sâu sắc bởi xung đột Nga - Ukraine. Điều làm người ta lo ngại là vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng một khi chiến sự tiếp tục dùng dằng bất phân thắng bại như hiện nay.

Chiến sự ác liệt tại Donetsk, Ukraine. Ảnh: Reuters

Chiến sự ác liệt tại Donetsk, Ukraine. Ảnh: Reuters

Sau nhiều tuần điều lực lượng vũ trang đến gần biên giới, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 24-2-2022 đã phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở miền Đông Ukraine. 

Trong khi Mỹ và đồng minh phương Tây cáo buộc đây là hành vi “xâm lược”, Điện Kremlin khẳng định chiến dịch của họ không nhắm mục tiêu xâm phạm lãnh thổ Ukraine, thay vào đó là bảo vệ người dân trước các “mối đe dọa”, cụ thể là những đợt pháo kích mà chính quyền Kiev chỉ đạo nhắm vào lực lượng ly khai thân Nga ở miền Đông. Một mục đích khác nữa, theo giới quan sát, là để đáp trả việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không đáp ứng các đảm bảo an ninh do Mát-xcơ-va đề xuất.

Mâu thuẫn dai dẳng

Xung đột Nga - Ukraine được đánh giá tác động không nhỏ tới cấu trúc an ninh châu Âu và cục diện chính trị thế giới. Theo các chuyên gia, mâu thuẫn giữa 2 láng giềng vốn có từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, thời điểm Nga bắt đầu phục hồi và trỗi dậy trong khi phương Tây tìm cách mở rộng ảnh hưởng, kết nạp thêm thành viên NATO mới từ các quốc gia thuộc không gian hậu Xô viết. Nhưng phải đến năm 2014, quan hệ Mát-xcơ-va và Kiev mới trở nên “căng như dây đàn” khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Đến tháng 2-2022, cao trào bị đẩy lên sau quyết định của Tổng thống Putin công nhận độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk ở khu vực Donbass phía Đông Ukraine; đồng thời điều quân đến đây thực hiện “nhiệm vụ gìn giữ hòa bình”.

Đi sâu phân tích, các nhà chuyên môn nhận định bất đồng chính trong quan hệ Nga - Ukraine cũng như giữa Mát-xcơ-va và phương Tây chủ yếu liên quan việc Kiev muốn gia nhập NATO. Trước khi khởi động chiến dịch quân sự, Nga đã gửi tới Mỹ và đồng minh bản an ninh 8 điểm, bao gồm yêu cầu sự đảm bảo chắc chắn từ phương Tây rằng Ukraine không gia nhập NATO. Điện Kremlin cũng đề nghị liên minh do Mỹ dẫn đầu rút quân khỏi các nước châu Âu gia nhập NATO sau năm 1997 và không tiếp tục mở rộng về hướng Đông với lý do điều này đe dọa trực tiếp an ninh Nga. Ngoài ra, khối phải cam kết không tiếp tục tập trận tại Ukraine, Đông Âu, các nước Caucasus hoặc Trung Á nếu chưa được Nga đồng ý.

Đáp lại, NATO tuyên bố yêu cầu của Nga tạo ra các thành viên hạng nhất và hạng nhì, đó là điều liên minh không thể chấp nhận. Khối cũng khẳng định không từ bỏ năng lực phòng vệ lẫn nhau. Đi xa hơn, NATO trải thảm đỏ mời Phần Lan và Thụy Điển gia nhập, sau khi hai quốc gia Bắc Âu nhìn vào cuộc chiến ở Ukraine và thay đổi truyền thống trung lập. Helsinki cùng Stockholm cũng tỏ quyết tâm gia nhập NATO thông qua việc không đặt điều kiện tiên quyết, bỏ ngỏ khả năng cho phép bố trí vũ khí hạt nhân và thành lập căn cứ NATO trên lãnh thổ nếu trở thành thành viên.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (giữa) nhận đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển. Ảnh: nato.int

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (giữa) nhận đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển. Ảnh: nato.int

Tính toán của Nga

Sự gia nhập của 2 quốc gia Bắc Âu đồng nghĩa đường bờ biển của Biển Baltic, gồm các dải xung quanh thành phố Kaliningrad và St.Petersburg của Nga, sẽ bị bao vây bởi các thành viên NATO. Riêng việc kết nạp Phần Lan làm tăng gấp đôi đường biên giới trên bộ của NATO với Nga từ 1.207km lên 2.575km, đồng thời mở rộng ranh giới giữa khối với bán đảo Kola vốn đóng vai trò quan trọng trong kiến trúc an ninh của Nga. Diễn biến này cũng phức tạp hóa việc lập kế hoạch quân sự của Nga ở Bắc Cực.

Theo giới phân tích, nhiều khả năng Nga sẽ tăng cường hành động quân sự đáp trả, chẳng hạn triển khai vũ khí hạt nhân và tên lửa ở Kaliningrad. Trong cuộc chiến hiện nay, Nga vẫn liên tục cảnh báo khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân, bên cạnh việc tận dụng sức mạnh “đòn bẩy” trong ngành năng lượng, lương thực đến không gian để chứng minh phương Tây tính toán sai lầm, từ đó buộc Kiev đàm phán và chấp nhận các điều kiện an ninh của Nga.

Nhưng về lâu dài, các nhà quan sát cho rằng áp lực từ Nga có thể dần mất sức nặng khi họ phải đối diện các lệnh trừng phạt nặng nề chưa từng có mà Mỹ và đồng minh áp dụng. Đặc biệt là nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) đẩy nhanh mục tiêu không phụ thuộc nguồn năng lượng từ Nga. 

Mục tiêu của phương Tây

Tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Putin đã ký hiệp ước sáp nhập 4 tỉnh Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia của Ukraine. Ngay lập tức, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO. Sau động thái của Kiev, lãnh đạo khoảng một chục quốc gia thành viên NATO ra tuyên bố chung ủng hộ tiến trình Ukraine trở thành thành viên của khối.

Trái lại, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg có quan điểm thận trọng hơn khi nói rằng cánh cửa NATO luôn mở nhưng việc gia nhập cần sự đồng ý của toàn bộ 30 quốc gia thành viên. Ông cũng nói thêm rằng, ưu tiên hàng đầu của khối hiện nay là hỗ trợ Ukraine về quân sự và tài chính. Những phát biểu “rất ngoại giao” này lặp lại quan điểm của các cường quốc NATO như Mỹ hay Đức, rằng tư cách thành viên của Ukraine nên được thảo luận vào “thời điểm khác” và điều quan trọng nhất bây giờ là tăng cường trợ giúp Kiev.

Giới quan sát nhận định các cường quốc NATO rõ ràng chưa thực sự mặn mà kết nạp Ukraine. Nguyên nhân là vì chiến lược mà khối theo đuổi nhằm thiết lập Ukraine như “vùng xám” đối phó Nga dường như đang phát huy hiệu quả. Do vậy, sự thay đổi mang tính leo thang nghiêm trọng như kết nạp Ukraine là không cần thiết với liên minh trong bối cảnh có nhiều quan ngại về nguy cơ Mát-xcơ-va sử dụng vũ khí hạt nhân đáp trả Kiev và phương Tây.

 
Xung đột Nga - Ukraine hiện chưa có dấu hiệu giảm nhiệt và ngày càng gia tăng sự phức tạp, rối ren và khó đoán định đối với chính trị châu Âu nói riêng và toàn cầu nói chung. Trong bối cảnh này, yếu tố cần thiết nhất hiện giờ là thúc đẩy đối thoại nhằm giảm căng thẳng, tiến tới chấm dứt thảm kịch ước tính đã khiến hàng trăm ngàn người thiệt mạng và hàng chục triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Điều này đòi hỏi quyết tâm chung của các bên liên quan cũng như cộng đồng quốc tế, vì mục tiêu xây dựng lòng tin cũng như thiết lập cấu trúc an ninh mới phù hợp, mang lại lợi ích chung một cách cân bằng, hữu hiệu và bền vững.
Chia sẻ bài viết