|
Ủy ban điều tra về sự can dự của Anh trong cuộc chiến Iraq. |
Iraq hiện không còn là “mặt trận trung tâm” trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu do Mỹ phát động, những người khởi xướng nó cũng không còn tại vị và binh sĩ Anh đã bắt đầu rút khỏi đất nước “Nghìn lẻ một đêm” từ quý 2 năm ngoái, nhưng cuộc chiến gây nhiều tranh cãi này vẫn là vấn đề thời sự tại xứ sở sương mù. Tuần này, cựu Thủ tướng Tony Blair, cựu Bộ trưởng Tư pháp Peter Goldsmith và hai cựu cố vấn pháp lý cao cấp nhất của Bộ Ngoại giao sẽ ra điều trần trước ủy ban điều tra về sự can dự của Anh trong cuộc chiến.
Theo báo The Independence, cựu Cố vấn trưởng pháp lý của Bộ Ngoại giao Michael Wood và cấp phó Elizabeth Wilmshurst sẽ tiết lộ những tranh cãi trong nội bộ chính quyền Luân Đôn về tính pháp lý của việc (cùng với Mỹ) lật đổ Tổng thống Iraq Saddam Hussein hồi tháng 3-2003 với cáo buộc chính quyền ông này sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD). Bà Wilmshurst, người đã từ chức để phản đối việc tấn công Iraq, khẳng định mình không hề đơn độc vì vào thời điểm đó, ông Wood từng can gián Chính phủ Anh rằng theo luật pháp quốc tế, hành động như vậy là bất hợp pháp. Theo tờ The Observer, ông Wood sẽ trình bày với ủy ban điều tra rằng việc xâm lược Iraq là không có cơ sở pháp lý vì thiếu vắng một nghị quyết thứ hai của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cho phép sử dụng vũ lực đối với chính quyền Baghdad. Phát biểu của ông Wood sẽ là bằng chứng vững chắc nhất từ trước tới nay chống lại ông Blair. Đầu tháng này, một cuộc điều tra do cựu chánh án Tòa án Tối cao Hà Lan đứng đầu cũng đi đến kết luận tương tự, đồng thời tố cáo ông Blair đưa ra những bằng chứng giả tạo để lôi kéo Hà Lan ủng hộ cuộc chiến Iraq.
Cũng theo The Observer, cựu Bộ trưởng Tư pháp Goldsmith ban đầu phản đối nhưng dưới áp lực của Thủ tướng Blair và Washington, cuối cùng đành phải ủng hộ việc tấn công Iraq, viện dẫn nghị quyết (thứ nhất) được HĐBA thông qua tháng 11-2002. Trong cuộc chiến Iraq, số lượng binh sĩ Anh tham dự chỉ ít hơn Mỹ, và có lúc lên tới 46.000 người.
Cho đến nay, cựu Thủ tướng Blair vẫn bảo vệ cho quyết định của mình dù các cuộc điều tra gần đây khẳng định chính quyền Baghdad không hề sở hữu WMD khi bị tấn công, và Luân Đôn thậm chí đã biết điều này từ trước khi khai hỏa cuộc chiến. Trong một phát biểu hồi cuối năm ngoái, ông Blair chống chế rằng việc lật đổ Tổng thống Saddam là đúng, vì dù không có WMD, ông này cũng là mối đe dọa đối với khu vực (?!).
Trở lại với cuộc điều trần sắp tới của cựu Thủ tướng Blair trước ủy ban điều tra, theo tờ The Sunday Times, người ta muốn biết liệu ông Blair có thừa nhận thông tin nói rằng ông ủng hộ việc thay đổi chế độ ở Baghdad từ lần gặp cựu Tổng thống Mỹ George Bush vào tháng 4-2002, tức gần một năm trước khi tấn công Iraq. Gia đình của 179 binh sĩ Anh thiệt mạng tại Iraq dọa sẽ phát động biểu tình trong thời gian ông giải trình. Một nguồn tin thân cận với Sở Cảnh sát Luân Đôn cho biết việc xuất hiện của ông Blair trước ủy ban điều tra là lý do chính khiến Chính phủ Anh hôm 22-1 nâng cảnh báo nguy cơ khủng bố lên mức “nghiêm trọng”, mức cao thứ hai trong thang cảnh báo gồm 5 bậc.
Sát cánh cùng Tổng thống Bush trong cuộc chiến Iraq nhưng nay ông Bush đã “hạ cánh an toàn”, riêng ông Blair dù không còn tại vị mà xem ra vẫn “nặng nợ” với cuộc chiến này. Hồi năm ngoái, nó từng cướp đi của ông cơ hội trở thành chủ tịch đầu tiên của Liên minh châu Âu.
LÊ DÂN