13/07/2011 - 21:28

ĐỌC “BÃO RỪNG”:

Cuộc chiến đấu không khoan nhượng và luật nhân quả

“Bão rừng” là tiểu thuyết của Phạm Đức Thái Nguyên, Nhà xuất bản Văn học phát hành quí II/2011. Tác phẩm mang tính thời sự trước nạn phá rừng, lâm tặc chống người thi hành công vụ, quan chức nhận hối lộ... đang hoành hành. Tuy là thể loại tiểu thuyết nhưng tác phẩm có nhiều tình tiết, mang tính thời sự và tính chiến đấu cao.

Cuộc chiến giữa lực lượng kiểm lâm của một tỉnh miền Tây Bắc với bọn lâm tặc rất quyết liệt. Đứng đầu bọn “lâm tặc” là Lê Văn Quất- một thanh tra giao thông biến chất. Để làm ăn, Quất mua chuộc các trạm kiểm lâm. Người nào không mua được bằng tiền thì hắn dùng “mỹ nhân kế” hoặc bằng bạo lực. Hắn còn hối lộ, lấy lòng lực lượng công an và các quan chức trong tỉnh để làm chỗ dựa. Quất làm giàu từ việc phá rừng, buôn gỗ lậu suốt nhiều năm.

Từ khi Nguyễn Xuân Bình được bổ nhiệm về làm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, việc làm ăn của Quất gặp khó khăn, bởi Xuân Bình là một người cương trực, thanh liêm, hết lòng với công tác bảo vệ rừng. Xuân Bình quyết tâm đưa Quất cùng đồng bọn ra trước vành móng ngựa...

Nội dung tiểu thuyết dựa trên thực trạng phá rừng của lâm tặc từ vụ án “Lâm tặc chống người thi hành công vụ” tại một tỉnh miền núi từng làm xôn xao dư luận xã hội một thời. Do đó, câu chuyện mang đậm chất hiện thực. Tính chiến đấu cũng được thể hiện cao qua việc lực lượng kiểm lâm không những đấu tranh với bọn lâm tặc mà còn phải đương đầu với những thế lực được gọi là “Bố lâm tặc”- một bộ phận quan chức cấp cao nhận hối lộ, bao che và tiếp tay cho những kẻ như Quất lộng hành. Ngay cả khi Quất và đồng bọn bị tuyên án tù vì tội chống người thi hành công vụ, nhưng vẫn có những bàn tay chạy án để Quất được hưởng án treo. Truyện kết thúc có hậu: những kẻ ác vẫn phải đền tội, công lý được thực thi. Cuộc chiến đấu của các chiến sĩ kiểm lâm không đơn độc, họ được sự ủng hộ của nhân dân, của những người lãnh đạo chân chính, của các cơ quan truyền thông báo chí...

“Bão rừng” còn phản ánh một thực trạng đau lòng: những khu rừng bị tàn phá đã khiến con người gánh chịu hậu quả nặng nề trước thiên tai, bão lụt. Trận bão cuối cùng trong tác phẩm mang tính ẩn dụ: một trận bão của “luật nhân quả”. Chính trận bão ấy đã kết thúc cuộc đời của Quất và nhân tình khi hắn vượt ngục trốn trong một cái lán giữa rừng.

“Bão rừng” giúp độc giả có niềm tin vào công lý vì đây là một cuộc chiến để rừng mãi xanh.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết