15/01/2012 - 13:46

Cú sốc mới với Eurozone

Người Pháp biểu tình trước văn phòng của S&P tại Thủ đô Paris để phản đối việc hãng này hạ mức tín nhiệm vàng AAA của Pháp.
Ảnh: Reuters

Ngày 13-1 vừa qua thực sự là một “ngày đen tối” đối với Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) khi 9 nước thuộc khối này đồng loạt bị tổ chức xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s (S&P) của Mỹ hạ mức tín nhiệm tín dụng ngày 13-1. S&P cho rằng chính sách “thắt lưng buộc bụng” đang đẩy châu Âu lún sâu hơn vào khủng hoảng tài chính.

Pháp và Áo bị S&P hạ mức tín nhiệm tín dụng cao nhất xuống còn AA+ đồng nghĩa với việc giờ đây, Đức là nền kinh tế lớn duy nhất trong Eurozone còn giữ được mức xếp hạng AAA. Trong đợt hạ mức tín dụng lần này, Áo, Pháp, Malta, Slovakia và Slovania bị hạ 1 bậc, trong khi các nước như Síp, Ý, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha bị hạ những 2 bậc. “Theo quan điểm của chúng tôi, các lựa chọn chính sách mà các nhà hoạch định chính sách châu Âu đưa ra trong mấy tuần gần đây có thể không đủ để giải quyết vấn đề căng thẳng có hệ thống trong Eurozone”, S&P tuyên bố.

Tin về việc hạ mức tín nhiệm tín dụng của S&P đối với các nước đã sớm lan đến các sàn giao dịch ở châu Âu và Mỹ ngày 13-1, khiến nhiều cổ phiếu mất giá, đẩy đồng euro xuống mức thấp nhất trong vòng 16 tháng qua so với USD và buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải mua thêm trái phiếu của Ý. Chỉ số công nghiệp Dow Jones của Mỹ giảm 0,5%, thị trường chứng khoán ở Đức giảm 0,6%, Anh giảm 0,5% và Pháp giảm 0,1%. Chi phí vay mượn của Pháp cũng tăng lên trước khi S&P thông báo quyết định của họ. Đơn cử, lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Pháp tăng từ 3% lên 3,1%. Việc Pháp bị hạ mức tín dụng cũng được cho là sẽ làm giảm sức mạnh của Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF) vì Pháp là nước đóng góp nhiều thứ hai, sau Đức, vào quỹ này. Mặc dù vậy, Bộ trưởng Tài chính Pháp Francois Baron cho rằng đây không phải là “một thảm họa” đối với xứ gà trống Gaulois, đồng thời nhấn mạnh Pháp vẫn có mức tín nhiệm vững vàng.

Trong nỗ lực nhằm kiểm soát cuộc khủng hoảng, các bộ trưởng tài chính châu Âu cam kết sẽ nhất trí thông qua hiệp ước mới nhằm thắt chặt các qui định tài chính tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào cuối tháng này. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Anh Nick Clegg cho rằng điều châu Âu cần là hành động thống nhất bởi 27 nước thành viên, chứ không phải “có thêm nhiều hiệp ước”. “Chúng ta không cần đạt được các thỏa thuận hoặc chính sách mới. Điều chúng ta cần là hợp nhất thị trường, tạo ra một động lực và sự tăng trưởng lớn hơn trong EU để giúp chúng ta thoát khỏi những vấn đề đang gặp phải”, ông Clegg nhận định.

Những tuần gần đây, ECB cũng đã có nhiều động thái nhằm trấn an giới đầu tư rằng các nhà hoạch định chính sách trong khu vực đang tìm cách vượt qua khủng hoảng. Chẳng hạn, ECB đã cho vay hơn 400 tỉ USD để tái cấp vốn cho các ngân hàng châu Âu và ngăn chặn cuộc khủng hoảng tín dụng năm 2008 tái diễn. Tuy nhiên, quyết định hạ mức tín dụng của S&P có thể hủy hoại những cố gắng này và khiến các ngân hàng nước ngoài thận trọng hơn trong việc cho các đối tác ở châu Âu vay tiền.

Nhìn chung, việc hạ mức tín nhiệm tín dụng có thể đẩy chi phí vay nợ của các nước châu Âu lên cao do các nhà đầu tư muốn được bù đắp nhiều hơn đối với số cổ phiếu đang có mà họ cho rằng có nhiều rủi ro hơn trước. Lãi suất tăng cao cũng sẽ gia tăng áp lực tài chính lên các nước đang chật vật đương đầu với gánh nặng nợ công.

THANH TRÚC
(Theo Guardian, AP)

Chia sẻ bài viết