21/08/2021 - 21:03

CPEC gặp thách thức an ninh nghiêm trọng 

Giới doanh nghiệp Trung quốc đã đầu tư hàng tỉ USD vào cơ sở hạ tầng để triển khai Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), nhưng giờ đây các thách thức an ninh đối với dự án chiến lược này ngày càng nghiêm trọng và phức tạp.

Tuần qua, theo báo The Guardian (Anh), nhiều cuộc biểu tình của ngư dân và công nhân địa phương đã nổ ra ở thành phố cảng Gwadar thuộc tỉnh Balochistan, Tây Nam Pakistan để phản đối tình trạng thiếu nước và điện trầm trọng cũng như các mối đe dọa sinh kế khác. Họ đốt lốp xe, hô vang các khẩu hiệu và khiến phần lớn thành phố tê liệt để yêu cầu cấp điện, nước và ngăn tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép ở vùng biển gần đó để mang về nước tiêu thụ. “Ðã hơn một tháng rồi, chúng tôi biểu tình, tập trung phản đối tàu cá Trung Quốc, tình trạng thiếu nước và thiếu điện. Chính quyền không bao giờ quan tâm đến các yêu cầu của chúng tôi và chúng tôi đã phải chứng kiến một cuộc đình công toàn diện”, Faiz Nigori, một nhà hoạt động chính trị tại Gwadar, cho biết.

Một khu vực cảng Gwadar đang xây dựng. Ảnh: Reuters

Lời hứa ở Gwadar

Các cuộc biểu tình này là một phần trong sự bất bình ngày càng tăng đối với sự hiện diện của Trung Quốc ở Gwadar, nơi có cảng Gwadar là một bộ phận không thể thiếu của dự án CPEC được xây dựng từ năm 2013. CPEC cũng là một phần của sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) được Bắc Kinh thúc đẩy ở khắp 70 quốc gia nhằm mang lại cho Trung Quốc một tuyến đường thương mại thuận lợi từ Ðông Á đến châu Âu. Theo CPEC, Pakistan nhượng lại cảng Gwadar cho một tập đoàn đa quốc gia do Trung Quốc hậu thuẫn với hợp đồng thuê 40 năm.

Chính phủ Pakistan đã chấp nhận các nguồn đầu tư trị giá 62 tỉ USD từ CPEC với hy vọng nó sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế ốm yếu của đất nước. Nhưng Balochistan là nơi diễn ra cuộc nổi dậy bạo lực kéo dài và sự hiện diện của Trung Quốc ở Gwadar là nguyên nhân gây ra nhiều bất ổn xã hội và dẫn đến tình cảm chống Trung Quốc lớn. Balochistan là khu vực kém phát triển và ít được quan tâm đầu tư nhất ở Pakistan. Ngay cả thành phố Gwadar cũng không được kết nối lưới điện quốc gia và phải phụ thuộc nguồn điện từ nước láng giềng Iran. Tuy nhiên, nhiều tuần qua nguồn cung cấp điện tại đây lại thiếu hụt nghiêm trọng. Nguồn nước cũng trở nên khan hiếm do một con đập khô cạn. Trung Quốc không bị cáo buộc gây ra tình trạng thiếu điện và thiếu nước, nhưng người dân địa phương nói rằng Trung Quốc đã hứa hẹn rằng sự đầu tư của họ vào Gwadar sẽ giúp nơi đây phát triển, trong đó có nhà máy điện than đáp ứng phần lớn nhu cầu điện của địa phương này. Ðến khi thuê được cảng Gwadar, người ta không thấy bất kỳ dự án nào như vậy.

Thậm chí, khi Trung Quốc bắt đầu phát triển cảng Gwadar, giới chức Pakistan tuyên bố rằng thành phố Gwadar có thể trở thành một Singapore của Pakistan. Thế nhưng, sự hiện diện của Trung Quốc tại đây bị cho đang phá hoại sinh kế của người dân Gwadar và tạo ra tình trạng thiếu lương thực ở địa phương khi các tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép trong vùng biển của Pakistan xung quanh cảng.

Bất ổn lan rộng

Sher Baz Khetran, nhà nghiên cứu của Viện nghiên cứu chiến lược Islamabad, cho rằng các cuộc biểu tình ở thành phố Gwadar có thể gây bất ổn cho sự hiện diện của Trung Quốc tại Pakistan.

Tại tỉnh Balochistan, nhóm phiến quân có tên Quân đội Giải phóng Balochistan (BLA) đã tổ chức nhiều vụ tấn công khủng bố phản đối CPEC. Chính BLA đã nhận trách nhiệm vụ đánh bom liều chết hôm 20-8 nhằm vào đoàn xe chở người Trung Quốc trên đường cao tốc chính đến cảng Gwadar. Vụ tấn công làm 2 trẻ em thiệt mạng và 1 kỹ sư Trung Quốc bị thương. BLA và các nhóm phiến quân khác ở Balochistan cũng đã nhiều lần tấn công nhằm vào công dân Trung Quốc, kể cả lãnh sự quán Trung Quốc tại Karachi năm 2018.

Mới hồi tháng 4-2021, một vụ nổ làm rung chuyển bãi đậu xe ở khách sạn Serena thuộc thành phố Quetta, thủ phủ tỉnh Balochistan, với mục tiêu được cho nhằm vào phái đoàn đại sứ Trung Quốc tại Pakistan. Những nhóm khủng bố ở Balochistan cáo buộc Bắc Kinh khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở khu vực này thông qua CPEC.

Trong khi đó, hồi tháng 7, một chiếc xe chở đầy chất nổ đâm vào đoàn xe chở công nhân xây dựng đập thủy điện Dasu ở tỉnh Tây Bắc Khyber Pakhtunkhwa - một dự án khác của CPEC - khiến 13 người thiệt mạng, trong đó có 9 kỹ sư Trung Quốc và 2 binh sĩ Pakistan.

Trước sự bất ổn an ninh ngày càng lớn liên quan đến các dự án thuộc CPEC, Thủ tướng Pakistan Imran Khan hồi đầu tháng 8 đã thay thế người đứng đầu CPEC là Trung tướng về hưu Asim Saleem Bajwa bằng doanh nhân Khalid Mansoor. Ông Bajwa mới lãnh đạo CPEC từ tháng 10-2019. Trong khi đó, ông Mansoor là người có kinh nghiệm làm việc với các công ty Trung Quốc và trực tiếp tham gia nhiều dự án lớn thuộc CPEC.

ÐỨC TRUNG (Theo The Guardian, Reuters, Nekkei Asia)

Chia sẻ bài viết