20/11/2021 - 19:45

Trung Quốc chấn chỉnh các “ông lớn” công nghệ

Công ty khởi nghiệp Ấn Độ hưởng lợi 

Các nhà sáng lập và giới đầu tư cho biết, các công ty khởi nghiệp công nghệ Ấn Ðộ, vốn đang đạt kỷ lục về dòng vốn đầu tư mạo hiểm trong năm nay, sẽ được “tiếp sức” hơn nữa khi dòng vốn toàn cầu chuyển dần ra khỏi các công ty công nghệ Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh mạnh tay chấn chỉnh các “ông lớn” công nghệ nước này.

Cổng thanh toán Ant của Trung Quốc (trái) và Paytm của Ấn Độ đang cạnh tranh giành thị phần. Ảnh: Facebook

500 tỉ USD bị bốc hơi

Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MIIT) hồi tháng 7 đã bắt đầu chiến dịch kéo dài 6 tháng trên toàn quốc để giải quyết “những vấn đề khó khăn” của ngành công nghiệp Internet. Chiến dịch nhắm mục tiêu đến 22 tình huống cụ thể, gồm việc gây rối trật tự thị trường, vi phạm quyền lợi người dùng, đe dọa an ninh dữ liệu, kết nối Internet trái phép, không mã hóa thông tin nhạy cảm khi truyền dữ liệu và cung cấp dữ liệu cho bên thứ ba mà không có sự đồng ý của người dùng. MIIT cũng sẽ ngăn chặn và hạn chế quyền truy cập bình thường vào các trang web không có lý do chính đáng.

Ðộng thái trên của Bắc Kinh đã khiến hơn 500 tỉ USD bị bốc hơi khỏi các cổ phiếu công nghệ Trung Quốc chỉ trong vòng một tuần. Theo đó, giá cổ phiếu của Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba giảm 4,7%, trong khi giá cổ phiếu nền tảng phát trực tuyến Kuaishou và Hãng công nghệ Tencent lần lượt giảm 9,3% và 6,5%. Meituan, gã khổng lồ dịch vụ giao đồ ăn tận nhà, cũng đã chứng kiến giá cổ phiếu mất 7,7%.

Gần đây nhất, Chính phủ Trung Quốc còn ban hành luật bảo vệ dữ liệu cứng rắn hơn, trong đó quy định cách các công ty công nghệ xử lý dữ liệu người dùng, khiến các nhà đầu tư cảnh giác. Bắc Kinh trong một động thái bất ngờ cũng đã cấm các khoản đầu tư tư nhân vào lĩnh vực giáo dục trị giá 100 tỉ USD của nước này khi tuyên bố rằng các nền tảng dạy học trực tuyến không được nhận các khoản đầu tư từ nước ngoài.

Công ty khởi nghiệp Ấn Độ hưởng lợi

Giới phân tích cho rằng chính cuộc “đàn áp” công nghệ của Trung Quốc đã giúp các công ty khởi nghiệp Ấn Ðộ hưởng lợi. Thay vì mạnh tay đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Trung Quốc, Quỹ Tầm nhìn công ty viễn thông đa quốc gia và tập đoàn Internet SoftBank (Nhật Bản) trong năm nay đã mạnh tay đầu tư vào các công ty công nghệ Ấn Ðộ như Meesho, Swiggy, Mindtickle và OfBusiness.

Theo tờ Thời báo Ấn Ðộ, giá trị của nền tảng giáo dục số Eruditus (Ấn Ðộ) đã tăng 4 lần, lên mức 3,2 tỉ USD, sau khi nền tảng này hồi đầu tháng 8 huy động được 650 triệu USD từ SoftBank, công ty đầu tư mạo hiểm Accel của Mỹ cũng như nhiều công ty khác. “Trung Quốc từng nhận được nhiều vốn đầu tư mạo hiểm hơn Ấn Ðộ. Giờ đây, nếu kênh đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc bị nghẹt, số vốn đầu tư mạo hiểm đó sẽ tìm đường đi và các thị trường mới nổi như Ấn Ðộ sẽ được hưởng lợi” - Ashwin Damera, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Eruditus,
nhận định.

Ðược biết, các công ty khởi nghiệp Trung Quốc chiếm tổng cộng 23% danh mục đầu tư của Quỹ Tầm nhìn SoftBank. Song, kể từ tháng 4, chỉ 11% các khoản đầu tư mới của công ty viễn thông đa quốc gia này là “chảy” vào các công ty Trung Quốc.

Hiện Ấn Ðộ là thị trường khởi nghiệp lớn thứ ba, sau Mỹ và Trung Quốc, để các nhà đầu tư đổ vốn vào. Theo dữ liệu từ Venture Intelligence, chỉ trong năm nay, Ấn Ðộ đã ghi nhận thêm 25 kỳ lân mới, tức các công ty khởi nghiệp trị giá hơn 1 tỉ USD. Còn tính đến ngày 20-8, gần 20,76 tỉ USD đã được huy động từ 583 thương vụ. Trong khi đó, 11,1 tỉ USD đã được đầu tư vào các công ty khởi nghiệp của Ấn Ðộ hồi năm ngoái, 12 công ty trong số này sau đó đã trở thành kỳ lân.

Varun Dua, nhà sáng lập công ty bảo hiểm tổng hợp Acko, cho rằng trong bối cảnh nguồn vốn ồ ạt chuyển hướng sang Ấn Ðộ, việc Trung Quốc kìm hãm lĩnh vực công nghệ trong nước có thể có tác động lâu dài, đặc biệt là đối với các quy tắc về lao động, quyền riêng tư và sử dụng dữ liệu, cơ cấu tổ chức cũng như công nghệ tài chính.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết