17/07/2008 - 20:35

Công nghệ thông tin hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và hội nhập

Tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin trong kế toán cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại An Giang do Văn phòng Đại diện tin học doanh nghiệp (thuộc VCCI) tổ chức.

Công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông là một trong những công cụ hỗ trợ đắc lực giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và thương hiệu doanh nghiệp (DN). Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, những công cụ này đang tạo ra nhiều cơ hội giao thương giữa các DN trong và ngoài nước. Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng CNTT phục vụ hội nhập và phát triển giai đoạn 2005 - 2010” (Đề án 191) đã triển khai thời gian qua nhằm để hỗ trợ các DN khu vực ĐBSCL tiếp cận nhanh với hình thức kinh doanh hiện đại này.

GIẢI PHÁP GỠ KHÓ

Đề án 191 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì đã được phê duyệt theo Quyết định số 191/2005/QĐ-TT ngày 29/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu của đề án là hỗ trợ DN Việt Nam, chủ yếu là DN vừa và nhỏ nâng cao nhận thức về CNTT; đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin kinh tế; thúc đẩy DN ứng dụng CNTT để tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế.

Thời gian qua, bên cạnh khó khăn về vốn, thủ tục hành chính, việc DN chậm ứng dụng CNTT cũng là một trở ngại để nâng cao khả năng cạnh tranh. Qua điều tra của VCCI, cả nước có khoảng 91% DN sử dụng kết nối Internet (trong đó đường truyền Internet tốc độ cao ADSL chiếm gần 60%), 75% có mạng nội bộ nhưng con số này chỉ đủ để chứng minh các DN mới nhận thức được lợi ích của CNTT, bước đầu triển khai ứng dụng chứ chưa đầu tư chuyên sâu các quy trình máy móc, thiết bị. Hiện nay, tỷ lệ DN vừa và nhỏ chiếm 96% nhưng số giám đốc DN được đào tạo cơ bản hoặc chuyên môn về ứng dụng CNTT rất khiêm tốn. Trong bối cảnh hội nhập, một trong những việc quan trọng DN phải làm là nâng cao nhận thức CNTT và nhanh chóng ứng dụng để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Đến hết năm 2010, VCCI có kế hoạch sẽ triển khai phổ cập CNTT cho khoảng 500.000 DN.

Tại khu vực ĐBSCL, VCCI đã hợp tác triển khai Đề án 191 với 6 tỉnh, thành phố là An Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, TP Cần Thơ, Vĩnh Long và Sóc Trăng. Nội dung của đề án là hỗ trợ các DN trong khu vực nâng cao nhận thức về sự cần thiết, quy trình triển khai ứng dụng CNTT hiệu quả, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại. Sau gần 3 năm thực hiện, Đề án 191 đã phát huy hiệu quả của DN như: tiết kiệm chi phí sản xuất, quản lý nhân lực, nâng cao giá trị thương hiệu, rút ngắn khoảng cách địa lý, mở rộng cơ hội giao thương...

Trong năm qua, chương trình triển khai Đề án 191 tại khu vực ĐBSCL đã xây dựng được 21 mô hình DN mẫu về ứng dụng CNTT; tổ chức được 34 lớp đào tạo chuyên đề tổng quan ứng dụng CNTT cho CEO, CIO, USER các DN (giám đốc điều hành, giám đốc CNTT, nhân viên quản trị mạng). Đồng thời, hỗ trợ DN ứng dụng CNTT trong thời kỳ hội nhập và phát triển như: xây dựng trung tâm thông tin kinh tế, trung tâm giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) và trung tâm hỗ trợ từ xa.

Theo bà Nguyễn Thị Diệu Hiền, Trưởng Văn phòng Đại diện Viện Tin học DN (thuộc VCCI) tại TP Cần Thơ, trung tâm thông tin kinh tế sẽ có nhiệm vụ xây dựng cổng thông tin trên Internet như: thông tin về môi trường kinh doanh đầu tư; thông tin thương mại và xuất nhập khẩu; hồ sơ các thị trường trọng điểm; hệ thống pháp luật quốc tế; phân tích, đánh giá, dự báo, bình luận. Trung tâm hỗ trợ DN từ xa nhằm cung cấp các kiến thức quản trị kinh doanh, về CNTT, tư vấn kinh doanh trên mạng với sự phối hợp tham gia của các chuyên gia kinh tế, cơ quan quản lý và nghiên cứu thị trường. Sau khi hội đủ 2 yếu tố trên, DN có thể tham gia vào trung tâm giao dịch TMĐT để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, dịch vụ; cung cấp công cụ hỗ trợ giao dịch trực tuyến; giúp tiết kiệm nguồn lực, tăng hiệu quả xúc tiến thương mại; mở sàn giao dịch thương mại điện tử theo thị trường, chuyên ngành và theo địa bàn. Tổng kinh phí hoạt động dành cho đề án này trong năm 2008 khoảng 1,86 tỉ đồng.

TĂNG TỐC TRIỂN KHAI

Bà Nguyễn Thị Diệu Hiền cho biết thêm: VCCI sẽ sử dụng tất cả nguồn lực hiện có một cách tối ưu nhất để hỗ trợ DN tại TP Cần Thơ ứng dụng CNTT; huy động sự tham gia của các DN và nhà sản xuất, cung cấp CNTT, gắn kết các hoạt động xúc tiến ứng dụng CNTT cho DN nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

Theo đó, VCCI sẽ tiến hành các hoạt động hỗ trợ DN nghiên cứu, điều tra nhu cầu, thực trạng, khả năng ứng dụng CNTT của DN thuộc một số ngành nghề trọng điểm của thành phố và khả năng cung cấp CNTT của các nhà sản xuất và nhà cung cấp. Từ đó, đưa ra các biện pháp hỗ trợ cụ thể, đồng thời kiến nghị, đề xuất cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển CNTT. Xây dựng và giới thiệu mô hình mẫu ứng dụng và trao giải thưởng cho DN ứng dụng CNTT hiệu quả. Tổ chức hội thảo, hội nghị, các hoạt động giao lưu, lễ hội, thi tìm hiểu về CNTT... để nâng cao nhận thức về vai trò, tác dụng của CNTT với sự phát triển và hội nhập của DN.

Ngoài ra, từ các hoạt động hỗ trợ chuyên sâu như: xây dựng TT tư vấn hỗ trợ DN từ xa (Trung tâm thông tin và Trung tâm TMĐT); tư vấn và cung cấp cho DN thông tin về môi trường kinh doanh, đầu tư, thị trường... DN có thể giao dịch với thị trường quốc tế qua cổng giao dịch DN; hướng dẫn, xúc tiến, giới thiệu các DN lựa chọn nhà sản xuất, các sản phẩm ứng dụng CNTT phù hợp với mô hình và quy mô từng DN.

Theo Văn phòng Đại diện Viện Tin học DN tại TP Cần Thơ, kết quả điều tra ngẫu nhiên 200 DN vừa và nhỏ ở Trà Vinh, cho thấy tỷ lệ DN trang bị máy vi tính đạt khoảng 59% nhưng số lượng nhân viên qua đào tạo các chứng chỉ tin học chỉ chiếm 13%. Tỷ lệ DN có máy vi tính kết nối Internet chiếm 45,76%, trong đó, DN sử dụng mạng nội bộ chiếm 7% và 17% DN có các phần mềm quản lý bán hàng, kế toán tài chính, quản lý nhân sự, tiền lương... Các DN tỉnh này cho biết chưa từng tham gia TMĐT để phục vụ kinh doanh do chưa quen với hình thức giao dịch qua mạng. Có lẽ vì vậy mà số lượng DN tỉnh này có Website rất khiêm tốn (khoảng 1%).

Ông Bùi Chí Hùng, Phó Giám đốc Sở Bưu chính Viễn thông tỉnh Trà Vinh, nói: “Dự kiến quý III-2008, Sở sẽ phối hợp với Viện Tin học DN tiếp tục triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Đề án 191 như: Quy trình tổ chức, triển khai ứng dụng CNTT hiệu quả trong DN; Xây dựng và ứng dụng hệ thống CNTT trong quản lý mối quan hệ khách hàng; Giải pháp quản trị tài chính toàn diện cho DN vừa và nhỏ... Mục tiêu đào tạo là đưa CNTT đến từng DN, giúp DN nhận thức sâu hơn về tầm quan trọng và lợi thế khi ứng dụng CNTT vào việc sản xuất, kinh doanh và hướng các DN có quy mô lớn lên sàn giao dịch TMĐT”.

Bài, ảnh: TRIỀU DÂNG

    Ông Nguyễn Minh Thông, Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông TP Cần Thơ, cho biết: “Thành phố hiện có khoảng 4.300 DN, trong đó, tỷ lệ DN vừa và nhỏ chiếm khoảng 82%. Số lượng DN có kết nối đường truyền Internet tốc độ cao (ADSL) chiếm khoảng 55%. Tuy nhiên, số DN có trang tin điện tử (Website) riêng mới chỉ đạt 18%, nội dung thông tin chủ yếu là giới thiệu DN, sản phẩm, dịch vụ. Việc quản lý, khai thác ứng dụng CNTT của nhiều DN chưa tương xứng với hoạt động sản xuất và kinh phí đầu tư”.

Chia sẻ bài viết