26/03/2020 - 07:10

Công nghệ mã nguồn mở trên mặt trận chống COVID-19 

Phần mềm nguồn mở đang đóng một vai trò tích cực trong nỗ lực chống lại sự lây lan của COVID-19. Một số dự án nguồn mở đang hỗ trợ các nhà cung cấp y tế và giúp mọi người giảm thiểu khó khăn liên quan đến đại dịch. Dưới đây là một số sáng kiến ​​nguồn mở nổi bật nhất đang chiến đấu chống sự tấn công của virus Corona.

CHIME: Hỗ trợ lập kế hoạch năng lực 

COVID-19 Hospital Impact Model for Epidemics (CHIME) là một ứng dụng mã nguồn mở được phát triển bởi nhóm chăm sóc y tế dự phòng tại Penn Medicine (hệ thống y tế thuộc Đại học Pennsylvania, Mỹ). Công cụ này tận dụng mô hình SIR để hỗ trợ các bệnh viện lập kế hoạch năng lực bao vây dịch COVID-19.

Mô hình SIR là một mô hình dịch tễ học tính toán số lượng những người bị nhiễm bệnh trong nhóm dân số khép kín theo thời gian. Tên của nó xuất phát từ các phương trình kết hợp liên quan đến số người dễ mắc bệnh S, số người nhiễm I và số người phục hồi R.

Safe Paths: Bộ công cụ theo dõi cá nhân 

Safe Paths là một ứng dụng cho thiết bị di động chạy iOS và Android. Nó chia sẻ thông tin về việc di chuyển của bạn theo cách bảo vệ quyền riêng tư, giúp cơ quan y tế giải quyết các điểm nóng về virus corona, theo thông tin từ các nhà phát triển.

Ứng dụng cho bạn biết nếu bạn đã đi qua những con đường có người bị nhiễm bệnh, sau đó chia sẻ dữ liệu này với những người dùng khác giúp mọi người biết đâu là vùng dịch bệnh và ai là người cần tránh tiếp xúc.

Được phát triển bởi MIT Media Lab và Đại học Harvard, nó có thể giúp hạn chế sự lây lan của COVID-19. Các kỹ sư phần mềm làm việc tại Facebook và Uber đã giúp phát triển ứng dụng miễn phí.

Nextstrain: Theo dõi quá trình phát triển mầm bệnh

Đây là dự án khai thác tiềm năng khoa học và sức khỏe cộng đồng dựa trên dữ liệu gien của mầm bệnh. Là một công cụ phần mềm để theo dõi sự phát triển của mầm bệnh trong thời gian thực.

Nextstrain cung cấp một cái nhìn được cập nhật liên tục về dữ liệu có sẵn công khai với các công cụ phân tích và trực quan để sử dụng cho cộng đồng. Mục tiêu của dự án là hỗ trợ sự hiểu biết về dịch tễ học và cải thiện phản ứng khi dịch bùng phát.

OpenAir: Dự án nhắm mục tiêu chế tạo mặt nạ và máy thở 

Các nhà nghiên cứu Dự án OpenAir đang tìm kiếm giải pháp cho tình trạng thiếu mặt nạ phòng độc y tế trên phạm vi toàn cầu. Hiện đã có khoảng 4.000 người tham gia dự án.

Rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng đang hình thành xung quanh vấn đề mặt nạ phòng độc và máy thở. Có hai loại nhu cầu chính đang thiếu hiện nay là mặt nạ phòng độc cung cấp cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe và máy thở cho bệnh nhân.

“Dự án OpenAir đang nhận được rất nhiều sự quan tâm từ cộng đồng. Hiện có nhiều nhóm lớn đang hình thành xung quanh những nhu cầu này. Vì thế chúng tôi có động lực rất lớn”, Sherry Lassiter, chuyên gia cao cấp tại Viện Công nghệ Massachusetts, cho biết.

Các tình nguyện viên của dự án đang nghiên cứu chế tạo các thiết bị y tế có thể được sao chép và lắp ráp tại địa phương ở bất cứ đâu trên thế giới.    

HOÀNG THY (Theo Tech News World)

Chia sẻ bài viết