07/06/2019 - 07:32

Công nghệ chống thuốc giả 

Ðược trang bị cả công nghệ chuỗi khối Blockchain lẫn trí tuệ nhân tạo (AI), các công ty công nghệ và nhà vận động y tế đang chiến đấu chống lại ngành kinh doanh thuốc giả vốn cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người mỗi năm.

Người tiêu dùng kiểm tra thông tin thuốc trên điện thoại. Ảnh: Guardian

Một số công ty khởi nghiệp đang tập trung vào việc truy tìm các loại thuốc giả bằng Blockchain, qua đó cung cấp cho người tiêu dùng thông tin tức thì về những gì họ mua. Chẳng hạn, công ty khởi nghiệp RxAll có trụ sở tại Nigeria đã tạo ra một máy quét cầm tay cùng tên mà theo đó có thể đánh giá hợp chất của một loại thuốc trong thời gian thực. Thiết bị này kết nối với cơ sở dữ liệu dựa trên đám mây chứa thông tin thành phần của thuốc, sau đó cung cấp lại thông tin đó cho người tiêu dùng.

Được tung ra vào tháng 10 năm ngoái, RxAll đến nay được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia như Ghana, Campuchia, Kenya và Myanmar. Gần đây, thiết bị này đã được bán cho một bệnh viện ở Nigeria cũng như Cơ quan Quản lý và Kiểm soát Thực phẩm - Dược phẩm quốc gia Nigeria.

Công ty dữ liệu có trụ sở tại Anh FarmaTrust cũng có nỗ lực tương tự. Theo đó, FarmaTrust cung cấp cách theo dõi dữ liệu y học thông qua chuỗi cung ứng trên Blockchain. Raja Sharif, giám đốc điều hành của FarmaTrust, giải thích: "Một vấn đề là thuốc giả thường xâm nhập vào giữa chuỗi cung ứng, không phải ở vị trí hàng đầu tại điểm sản xuất. Điều hữu ích về Blockchain đó là nó tạo ra một hồ sơ không thể sửa được. Một khi bạn tạo ra hồ sơ, bạn không thể tạo lại hoặc thay đổi nó". Theo ông Sharif, một lợi ích khác của công nghệ này đó là thông tin có thể chia sẻ giữa các công ty dược phẩm về những gì đang diễn ra trong chuỗi cung ứng của họ.

Một giải pháp công nghệ đơn giản hơn được nhiều công ty chuộng dùng trong việc chống lại thuốc giả, đó là đặt số sê-ri dưới bề mặt nhãn thuốc tại thời điểm sản xuất. Người tiêu dùng sau đó có thể kiểm tra xem nó có khớp với cơ sở dữ liệu của họ hay không trước khi uống.

Song, Cynthia Genolet, chuyên gia chính sách về châu Phi tại Liên đoàn các nhà sản xuất dược phẩm quốc tế, cho rằng như vậy là chưa đủ. Theo đó, các cơ quan thực thi pháp luật phải vào cuộc, đưa ra các qui định về dược phẩm một cách cứng rắn hơn cũng như các chuyên gia chăm sóc sức khỏe phải được đào tạo một cách bài bản hơn. Được biết, Genolet là thành viên của Fight the Fakes, một tổ chức được thành lập vào năm 2010 nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề thuốc giả giữa các dược sĩ và ngành công nghiệp dược phẩm.

Nạn thuốc giả hoành hành khắp nơi, đặc biệt là tại các nước đang phát triển. Khoảng 42% các trường hợp dùng thuốc giả được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) báo cáo trong giai đoạn 2013-2017 được phát hiện ở tiểu vùng Sahara châu Phi. Năm 2011, Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) đã thu giữ 2,4 triệu viên thuốc giả, và con số này đạt mức 20,7 triệu viên vào năm 2015. Một lượng lớn thuốc giả được sản xuất tại Trung Quốc nhưng Ấn Độ, Pakistan, Paraguay và Anh cũng là một trong những nơi cung cấp thuốc giả hàng đầu.

Ước tính có khoảng 116.000 người chết vì sốt rét do uống thuốc chống sốt rét giả ở tiểu vùng Sahara châu Phi. WHO ước tính từ 72.000 đến 169.000 trẻ em có thể tử vong mỗi năm bởi viêm phổi do "kháng sinh giả và không đạt tiêu chuẩn". Thuốc giả hoặc kém chất lượng chiếm đến 10% tại các nước thu nhập thấp và trung bình, gây thiệt hại kinh tế từ 10 tỉ đến 200 tỉ USD/năm.

Hãng dược phẩm Mỹ chi hàng trăm triệu USD dàn xếp bê bối thuốc giảm đau

Ngày 5-6, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo hãng dược phẩm Insys đã chấp nhận chi 225 triệu USD để dàn xếp vụ bê bối của hãng này liên quan tới cuộc khủng hoảng lạm dụng thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid khiến hàng chục nghìn người tử vong tại Mỹ mỗi năm.

Theo Bộ Tư pháp Mỹ,  khoản tiền trên sẽ được chi trả trong vòng 5 năm và nhằm dàn xếp các cuộc điều tra của chính phủ liên quan đến cách thức mà Insys tìm cách bán Subsys, một loại thuốc giảm đau liều mạnh và gây nghiện dạng xịt thuộc nhóm opioid dùng cho bệnh nhân bị ung thư giai đoạn cuối. Cụ thể, 31 triệu USD là khoản tiền bồi thường và tiền phạt, số tiền 195 triệu USD còn lại để dàn xếp 5 vụ kiện khác liên quan đến việc quảng cáo và tiếp thị không trung thực.

TRÍ VĂN (Theo Guardian)

Chia sẻ bài viết