13/10/2016 - 21:15

Cơn sốt giá cá tra liệu có kéo dài?

Những ngày qua, giá cá tra nguyên liệu bất ngờ tăng mạnh trên 20.500 đồng/kg, cá thịt trắng đúng size chế biến doanh nghiệp (DN) đang cần, giá cao nhất 22.500 đồng/kg đã chạm tới mức giá đỉnh của những tháng đầu năm 2016. Dù hiện tượng giá cá tra tăng, giảm đã tái diễn nhiều lần, nhưng liệu lần này cơn sốt giá cá tra kéo dài được bao lâu?

Lệch cân cung-cầu

Theo các DN xuất khẩu thủy sản ở ĐBSCL, hiện các nhà máy hụt nguồn cung nguyên liệu trong khi đơn đặt hàng trên thị trường có dấu hiệu gia tăng. Do đó một số DN báo cho thương lái thu mua cá tra chạy tìm đến các vùng còn ao nuôi cá để mua hoặc đặt tiền cọc trước hẹn ngày kéo cá. Giải thích cá tra tăng giá mạnh, có thật hay ảo? Ông N.V.A, Giám đốc một DN chế biến xuất khẩu thủy sản ở Cần Thơ có vùng nuôi cá tra trên sông Hậu, nhận định: "Trước mắt có thể thấy do cán cân cung-cầu đang lệch. Sau thời gian nhiều tháng cá tra rớt giá mạnh còn 18.000-19.000 đồng/kg khiến người dân nuôi cá than trời, giá cá chạm đáy và dưới mức giá thành, thua lỗ. Một số hộ nuôi cá tra riêng lẻ chán nản, không tham gia nuôi gia công được cho DN lại  treo ao hoặc chuyển sang nuôi cá khác. Do vậy, thời điểm này lượng cá thu hoạch không nhiều". Mặt khác, có thời gian thị trường xuất khẩu ảm đạm, một số ngân hàng thương mại siết chặt cho vay đối với người nuôi cá tra, nên diện tích nuôi giảm, kéo theo sản lượng cá nuôi cũng suy giảm dần.

 Nuôi cá tra xuất khẩu.

Tuy nhiên theo ông N.V.A, do nhận thấy tình hình xuất khẩu có tín hiệu lạc quan vào những tháng cuối năm 2016 và giá cá tra nguyên liệu đang tăng, nên hiện một số DN tạm ngưng thu hoạch cá trong vùng ao nuôi của DN để đẩy mạnh thu mua cá của các hộ dân nuôi cá bên ngoài. Thậm chí đặt cọc trước cho những ao cá chưa tới lứa thu hoạch, điều này càng làm khuấy động thêm lời đồn cá tra khan hàng, tăng giá mạnh. Đây là yếu điểm tai hại từng tạo hiện tượng giá ảo và tái diễn cảnh dân nuôi cá ào ạt tăng diện tích nuôi cá trở lại, hậu quả là dư thừa. Người nuôi cá từng lâm vào cảnh "hụt chân" vì cá nhiều dư thừa dội hàng không bán được. Ngay cả khi hộ nuôi dù có hợp đồng đã ký với DN và được DN đặt tiền cọc trước, nhưng khi thị trường thấp điểm, DN đã tìm cớ "chạy làng" và viện dẫn nhiều lý do về kỹ thuật, chất lượng không đạt để từ chối mua cá.

Liệu có sốt ảo?

Các DN chế biến xuất khẩu cá tra cho rằng, có một yếu tố tác động không nhỏ đến thị trường cá tra ở ĐBSCL. Đó là trong lúc thị trường xuất khẩu cá tra sang EU, Mỹ… vẫn chưa tăng, giá bán không cao, nhưng bù lại có thêm thị trường Trung Quốc "ăn hàng" mạnh theo đường tiểu ngạch. Thương nhân Trung Quốc sang thuê người phiên dịch, đến thương thảo mua hàng và đã có một số DN giao dịch, bán hàng. Ông N.V.A. cho biết, giá cá tra bán cho thương nhân Trung Quốc bình quân khoảng 2 USD/kg (chế biến 2 kg cá nguyên liệu đạt 1kg cá thành phẩm), do đó sau khi trừ chi phí chế biến không thể xem có lãi nhiều. Đơn cử trong năm nay, tại DN của tôi từng có thương nhân Trung Quốc đến mua, đặt hàng. Lúc đầu thanh toán sòng phẳng, chứng tỏ làm ăn đàng hoàng. Sau vài lần họ đề nghị chỗ buôn bán thân quen cho ghi nợ 50% sẽ trả sau. Điều này có DN ưng thuận nhưng với tôi không đồng ý, vì không muốn rơi vào tình huống rủi ro.

Theo một số DN, xét về giao dịch, phía thương nhân Trung Quốc đặt hàng khá dễ dãi, không mua cá tra phi-lê theo các tiêu chuẩn như các nước EU, Mỹ… Cách chế biến đơn giản là xẻ thịt cá từ đầu trở xuống giống như xẻ làm khô (lấy da và đầu cá) đông lạnh, xuất bán theo xe tải chuyển về cửa khẩu phía Bắc. Họ còn đặt mua đủ loại cá lớn, nhỏ. Cá cỡ lớn 1-1,2 kg/con và tối đa 1,5-1,8 kg/con. Điều lạ hơn là loại cá cỡ nhỏ 300-400 gram/con, thậm chí 100 gram/con cũng đặt mua, đóng thùng (8 con/thùng). Loại cá tra cỡ này chỉ cần thả con giống nuôi chừng một hai tháng là đạt trọng lượng xuất bán. Vấn đề đặt ra là đây có phải là một trong những nguyên nhân khi thị trường cần hàng cá tra loại lớn (800 gram/con đến 1 kg/con) đã xảy ra tình trạng hụt hàng, thiếu nguyên liệu giống như hiện nay? Lại có ý kiến cho rằng, trong 3 năm qua thị trường cá tra ảm đạm nên có thêm thị trường Trung Quốc góp phần duy trì chuỗi sản xuất từ sản xuất con giống, nhà máy thức ăn thủy sản đến chế biến xuất khẩu. Song, có thể thấy đến nay điểm yếu của ngành hàng này chính là khả năng dự báo và thông tin thị trường, từ đó dẫn đến thực tế sản xuất và nhu cầu thị trường chưa thoát được tình trạng mất cân bằng.

Theo Tiến sĩ Võ Hùng Dũng,  Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), trong những tháng qua thị trường cá tra suy yếu, giá cá tra bình quân thấp hơn so với 2 năm trước 2014-2015. Ở vùng nuôi cá sản xuất không giảm so cùng kỳ, nhưng thị trường tiêu thụ không mạnh nên giá cá nguyên liệu giảm. Đến nay có thể do nhu cầu thị trường xuất khẩu tăng trong những tháng cuối năm để chuẩn bị đón năm mới 2017 nên cá tra tăng giá trở lại. Tuy nhiên khó dự đoán cá tra nguyên liệu duy trì mức giá tăng cao kéo dài được bao lâu.

Bài, ảnh: HỮU ĐỨC

+ Theo Tổng cục Thủy sản và Chi cục Thủy sản các tỉnh ĐBSCL, đến ngày 23-9-2016 diện tích nuôi cá tra các tỉnh trong vùng hơn 2.400 ha, giảm 9% so cùng kỳ 2015; diện tích thu hoạch hơn 2.500 ha, tăng 0,1 % so cùng kỳ. Sản lượng đạt trên 800.000 tấn, tăng 11% so năm 2015, với năng suất trung bình đạt 311 tấn/ha (so với năm 2015 đạt 285 tấn/ha). Đến cuối tháng 8-2016, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt trên 1 tỉ USD, tăng 6% so cùng kỳ 2015. Trong đó xuất khẩu chiếm sản lượng nhiều nhất: Mỹ, EU, Trung Quốc và HongKong, ASEAN…

+ Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX nuôi cá tra Thới An (quận Ô Môn, TP Cần Thơ): Thời gian qua do vùng nuôi giảm diện tích nuôi làm cho một số cơ sở sản xuất cá tra giống thu hẹp sản xuất. Đến nay do một số vùng nuôi cá tra của các DN sau khi thu hoạch tái thả con giống nuôi trở lại, cá tra giống đang tăng giá, hút hàng. Loại cá tra giống sau khi ương nuôi từ cá tra bột đến đạt cỡ 30 gram/con (cá 2 phân) các cơ sở SX bán 1.000 đồng/con, tăng 400-500 đồng/con. Hiện nay phần lớn các hộ đủ điều kiện nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP ở vùng nuôi cá tra ven sông Hậu như phường Thới An, Thới Long, quận Ô Môn (Cần Thơ) vẫn duy trì thả nuôi cá tra theo hình thức gia công cho DN và được Chi cục Thủy sản Cần Thơ cấp mã số vùng nuôi. Riêng những hộ nuôi cá riêng lẻ nằm sâu trong kênh, rạch nhỏ không đủ điều kiện nuôi theo VietGAP đã chuyển sang nuôi những loài thủy sản khác.

Chia sẻ bài viết