23/03/2010 - 20:49

Thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội ở TP Cần Thơ

Còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo các lợi ích về sau sẽ giúp cho công nhân an tâm công tác. Ảnh: ANH DŨNG

Luật Bảo hiểm xã hội được Quốc hội thông qua vào năm 2006. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để công tác BHXH đi vào nề nếp, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHXH. Ở TP Cần Thơ, thời gian qua công tác quản lý quỹ BHXH đã đạt được những kết quả khả quan, nguồn thu BHXH năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, kết quả giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ tại Bảo hiểm xã hội thành phố mới đây cho thấy: công tác này vẫn còn những khó khăn, bất cập, trong đó tình trạng một số tổ chức, doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài làm ảnh hưởng đến nguồn thu BHXH và quyền lợi của người lao động.

Kết quả giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tại BHXH thành phố cho thấy, Luật BHXH cùng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật được ban hành đã tạo hành lang pháp lý, những điều kiện thuận lợi cho ngành BHXH trong thực hiện công tác này. Theo đó, ngành chủ động hơn trong phối hợp với các ngành liên quan tham mưu cho UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị sử dụng lao động và người lao động tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và bảo hiểm thất nghiệp; khắc phục dần tình trạng tránh né không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về BHXH. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH cũng được các ngành, các cấp thực hiện khá đồng bộ. Từ đó, ý thức của các tổ chức, cá nhân về BHXH từng bước nâng lên; việc kê khai, đăng ký và tham gia BHXH cho người lao động được thực hiện đúng luật, đúng số người lao động, góp phần tăng thu cho quỹ BHXH. Trong hai năm 2008 và 2009, tổng nguồn thu BHXH trên địa bàn thành phố đạt trên 606 tỉ đồng. Đoàn giám sát cũng ghi nhận BHXH thành phố đã thực hiện, giải quyết chế độ, chính sách có liên quan đến BHXH kịp thời, đúng đối tượng.

Bên cạnh những thuận lợi trên, theo báo cáo của lãnh đạo BHXH TP Cần Thơ, thì trong quá trình thực hiện, công tác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc. Hiện nay, toàn thành phố có trên 3.200 doanh nghiệp, tổ chức với 106.230 lao động tham gia BHXH bắt buộc; trong đó nhiều nhất là khối đơn vị hành chính sự nghiệp, Đảng, Đoàn thể với tổng số 29.518 người và khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh với 61.700 người... Tuy nhiên, vẫn còn 989 doanh nghiệp (với 17.481 lao động) chưa tham gia BHXH. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức còn nợ BHXH kéo dài. Tính đến cuối tháng 12-2009, toàn thành phố có 415 đơn vị nợ đọng BHXH, với tổng số tiền trên 14,2 tỉ đồng. Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH 1 năm trở lên, với số tiền nợ từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Cá biệt có những đơn vị nợ cao, như: Công ty Xuất Nhập khẩu thủy sản Thiên Mã (Thiên Mã), Công ty Vận tải sông biển Cần Thơ (VTSB Cần Thơ),... Tính đến thời điểm cuối tháng 12-2009, Công ty Thiên Mã nợ 5 tháng BHXH với số tiền trên 2,1 tỉ đồng; còn VTSB Cần Thơ nợ 17 tháng BHXH với tổng số tiền trên 860 triệu đồng... Việc các đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người tham gia BHXH. Bà Nguyễn Ngọc Sương, Ủy viên Thường trực HĐND thành phố, cho biết: “Việc các doanh nghiệp nợ BHXH, hoặc không đóng đầy đủ BHXH không phải là chuyện mới. Trong các đợt giám sát trước đây của Thường trực HĐND, chúng tôi đã kiến nghị các ngành, địa phương, các cơ quan chức năng có giải pháp để buộc các doanh nghiệp này chấp hành đúng luật nhưng đến nay chuyển biến rất chậm, làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động”. Ông Lê Xuân Trị, Chánh Văn phòng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố, cho biết thêm: “Một trong những nguyên nhân dẫn đến công nhân đình công, lãn công là do các doanh nghiệp này không thực hiện tốt BHXH cho người lao động. Hằng năm, trong tiêu chí xét công nhận công đoàn cơ sở vững mạnh, LĐLĐ đều đưa ra tiêu chí phải đóng BHXH đầy đủ, tuy nhiên như vậy cũng chưa đủ mà cần có những chế tài mạnh hơn”.

Theo BHXH thành phố, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên một phần do tình hình kinh tế khó khăn, một số đơn vị doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả, phải thu hẹp sản xuất, một số doanh nghiệp nhỏ lẻ theo hình thức hộ gia đình không đăng ký tham gia BHXH...; một phần do quy định mức phạt chậm đóng BHXH thấp so với lãi suất ngân hàng và được nộp chậm trong vòng 30 ngày nên dẫn đến tình trạng một số đơn vị chiếm dụng tiền BHXH. Thậm chí một số doanh nghiệp còn chấp nhận nộp phạt để hưởng chênh lệch so với lãi suất ngân hàng. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân chủ quan là do lực lượng cán bộ cơ quan BHXH thiếu, không đủ sức thu hết nguồn BHXH. Ngoài ra, theo ông Trần Văn Minh, Giám đốc BHXH thành phố: “Ngoài chế tài chưa đủ mạnh để xử lý các đơn vị cố tình vi phạm, cơ quan BHXH được giao quản lý việc đóng BHXH nhưng lại không có thẩm quyền xử phạt. Ngoài ra, do nhu cầu việc làm nên người lao động chưa mạnh dạn trong việc đấu tranh đòi quyền được tham gia BHXH”.

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố cũng đã ghi nhận những bất cập trong các văn bản pháp quy liên quan BHXH, trong đó có những quy định chưa chặt chẽ tạo gây khó khăn nhất định trong việc thực hiện BHXH. Đặc biệt là tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở trong quy định của Luật BHXH để không đóng BHXH cho người lao động. Chẳng hạn theo luật quy định, người lao động vào làm việc sau 3 tháng mới tham gia BHXH, để né tránh việc đóng BHXH, một số doanh nghiệp chỉ ký hợp đồng với người lao động dưới 3 tháng, hoặc lao động thời vụ. Việc thanh tra, kiểm tra các đơn vị, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn do cơ quan BHXH chỉ có chức năng kiểm tra nên không đủ thẩm quyền xử lý; hệ thống BHXH không có cán bộ chuyên trách ở xã phường, thị trấn nên việc tuyên truyền, triển khai luật BHXH, nhất là BHXH tự nguyện gặp nhiều khó khăn... Dù đã thực hiện gần hai năm, nhưng loại hình BHXH tự nguyện mới có 110 người tham gia. Trong số này phần lớn là các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa đủ 20 năm, nay tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để đủ thời gian nghỉ hưởng chế độ hưu trí. Theo BHXH thành phố, sở dĩ số người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp là do loại hình này còn mới mẻ, mặt khác thu nhập của người dân còn thấp, nhưng mức đóng tới 17% mức đăng ký tham gia, nên người dân còn e dè với loại hình này.

Bên cạnh nêu những bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Luật BHXH và một số văn bản dưới luật với đoàn giám sát, lãnh đạo BHXH thành phố kiến nghị: Để tăng nguồn thu cho BHXH, đảm bảo các quyền lợi cho người tham gia BHXH, người lao động, bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế chính sách, các bộ, ngành chức năng cần nghiên cứu quy định việc khai đăng ký BHXH phải song song với việc cấp phép sản xuất kinh doanh và đăng ký thuế để cơ quan BHXH thuận lợi trong việc thực hiện Luật BHXH. Về phía LĐLĐ thành phố cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, vận động đoàn viên và người lao động tham gia thực hiện Luật BHXH. Đồng ý với quan điểm này, ông Trần Văn Minh, đề nghị thêm: “Ngành chức năng cần cho phép cơ quan BHXH có chức năng thanh tra, kiểm tra việc thực hiện hợp đồng lao động, thực hiện Luật BHXH và xử lý các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm Luật BHXH. Bên cạnh đó, Chính phủ cần quy định, nâng cao hơn mức xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến việc thực hiện Luật BHXH, như: không tham gia BHXH, tham gia không đầy đủ, đóng không đúng, đóng chậm BHXH, nợ BHXH kéo dài..., bởi mức xử phạt cao nhất hiện nay mới chỉ có 20 triệu đồng là chưa đủ sức răn đe”.

Bên cạnh việc yêu cầu BHXH thành phố nỗ lực phắc phục khó khăn, vướng mắc để tăng nguồn thu, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHXB nói riêng và lao động nói chung, ông Huỳnh Văn Tiếp, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ cho biết Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ sẽ báo cáo, kiến nghị với Ủy Ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khó khăn, vướng mắc có liên quan để đẩy mạnh công tác thực hiện BHXH bắt buộc, tăng cường hơn nữa BHXH tự nguyện và bảo hiểm thất nghiệp nhằm đảm bảo các quyền lợi cho người lao động, người tham gia BHXH.

QUỐC TRƯỞNG

Chia sẻ bài viết