01/12/2019 - 08:03

Cơn lốc hỗn loạn ở Iraq 

Thủ tướng Iraq Adel Abdul-Mahdi cuối cùng  đã thông báo đệ đơn từ chức lên quốc hội, mở đường cho các nghị sĩ lựa chọn chính phủ mới, sau gần 2 tháng diễn ra các cuộc biểu tình bạo loạn nghiêm trọng nhất và đẫm máu nhất trong nhiều thập niên qua khiến hàng trăm người thiệt mạng. 

 Thủ tướng Abdul-Mahdi thông báo từ chức hôm 29-11. Ảnh: AP

Văn phòng Thủ tướng Iraq cho biết ông Abdul-Mahdi đưa ra quyết định trên chỉ vài giờ sau khi Đại giáo chủ của người Hồi giáo dòng Shiite Ali Al-Sistani kêu gọi thay đổi ban lãnh đất nước và xúc tiến kế hoạch tổ chức bầu cử “tự do và trung thực” nhằm ngăn chặn quốc gia thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) này lâm vào cuộc khủng hoảng chính trị. Vị thủ lĩnh tinh thần của người Hồi giáo dòng Shiite cảnh báo Iraq sẽ trả giá đắt cho bất kỳ sự trì hoãn nào của quốc hội nước này trong việc tổ chức cuộc bầu cử theo nguyện vọng của nhân dân.

Đại giáo chủ Al-Sistani đưa ra lời thuyết giáo trên sau khi Iraq trải qua 24 giờ cao trào bạo lực làm hơn 45 người biểu tình thiệt mạng, bao gồm 26 người tại thành phố Nassiriya ở miền Nam, 12 người ở thành phố thánh địa Najaf thuộc miền Trung Nam. Bạo lực bùng phát từ chiều 27-11 đến tối 28-11 sau khi tòa tổng lãnh sự của Iran tại Najaf bị người biểu tình tấn công. Tính từ ngày 1-10, cuộc biểu tình đã làm hơn 420 người thiệt mạng và khoảng 15.000 người bị thương. Đây được coi là cuộc tình kéo dài chưa từng có và đẫm máu nhất ở Iraq trong nhiều thập niên qua.  

Cuộc biểu tình với đa số người trẻ tham gia tại Thủ đô Baghdad và các tỉnh miền Nam đòi chính quyền tiến hành cải cách toàn diện, cải thiện các dịch vụ công, tạo thêm việc làm cho người dân và chấm dứt nạn tham nhũng. Các nguồn tin phương Tây cho biết thêm cuộc biểu tình này còn nhằm phản đối ảnh hưởng của Iran tại Iraq. Ngoài ra, người biểu tình cũng yêu cầu cải cách hệ thống chính trị hiện nay vốn bị Mỹ áp đặt năm 2003 sau khi chính quyền Saddam Hussein sụp đổ.  Theo báo Al-Jazeera, hệ thống chính trị ở Iraq được  phân bổ theo hạn ngạch dựa trên sắc tộc và tôn giáo, điều này giúp các cá nhân và nhóm chính trị thao túng quyền lực và duy trì lợi ích riêng. Vì thế, các cuộc biểu tình đặt ra thách thức lớn chưa từng thấy đối với chính phủ kể từ sau khi Iraq giành chiến thắng trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cách đây gần hai năm. 

Người biểu tình Iraq tại Baghdad hôm 28-11. Ảnh: AFP

Trên thực tế, Thủ tướng Abdul-Mahdi mới lên cầm quyền cách đây 13 tháng sau cuộc tuyển cử tháng 5-2018 không mang lại chiến thắng rõ rệt cho đảng phái nào và dẫn đến bế tắc chính trị kéo dài. Dù từng là bộ trưởng dầu mỏ, bộ trưởng tài chính và phó tổng thống, nhưng ông Abdul-Mahdi được cho là nhân vật trung lập được thỏa hiệp trong liên minh “tạm bợ” gồm hai khối chính trị lớn là Sairoon and Fatah. Ngay từ những ngày đầu làm thủ tướng tháng 10-2018, ông Abdul-Mahdi đã chuyển các khối văn phòng chính phủ ra khỏi Vùng Xanh vốn được bảo vệ an ninh hết sức nghiêm ngặt ở trung tâm Baghdad. Các hàng rào bê tông thời chiến tại thủ đô được tháo dỡ nhằm tạo bầu không khí gần gũi giữa nhân dân và chính phủ. Các quyết sách của chính phủ ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, người dân Iraq vẫn thiếu kiên nhẫn trước các nỗ lực cải cách chưa mạnh mẽ của chính phủ. Quả thật, Thủ tướng Abdul-Mahdi khó lòng thực thi các giải pháp cải cách quyết liệt trước áp lực chính trị của liên minh cầm quyền và sự tác động của cả Iran lẫn Mỹ. 

Theo kế hoạch, Quốc hội Iraq sẽ nhóm họp vào hôm nay 1-12 để xem xét lá đơn từ chức của ông Abdul-Mahdi. Dù quyết định từ chức, nhà lãnh đạo 77 tuổi này vẫn mong muốn quốc hội lắng nghe lời thuyết giáo yêu cầu cải cách nghiêm túc của Đại giáo chủ Al-Sistani. Ông hy vọng các nhà lập pháp sẽ đưa ra các giải pháp khả dĩ để bảo vệ lợi ích của Iraq và tránh đất nước cuốn theo “cơn lốc bạo lực, hỗn loạn và hủy diệt”. Cái khó của Quốc hội Iraq là hiến pháp năm 2005 không có quy định về vấn đề thủ tướng từ chức và nội các cần bao nhiêu ngày tạm quyền để các đảng phái chính trị đàm phán chọn người thay thế.

Biểu tình vẫn tiếp diễn

Sau khi Thủ tướng Abdul-Mahdi từ chức, người biểu tình reo hò mừng chiến thắng nhưng đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục xuống đường cho đến khi tất cả các yêu cầu của họ được đáp ứng. Họ cho rằng ông  Abdul-Mahdi  ra đi sẽ có người khác tương tự thay thế. Ngoài vấn đề chống tham nhũng, họ mong muốn có sự thay đổi thật sự về hệ thống chính trị vốn đang do các thế lực tinh hoa nắm giữ. 

ĐỨC TRUNG

Chia sẻ bài viết