26/11/2016 - 15:37

Con đò đưa một người qua sông

*  Truyện ngắn  KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

Con sông chảy qua làng lộng lẫy vào mùa thu, khi hàng cây ven con đường nhỏ dọc hai bờ trút lá vàng. Đó là cây ngô đồng được trồng từ thuở làng chỉ có vài chục hộ tha phương, khai phá đất đai trồng trọt mưu sinh, dựng nhà thành xóm. Sự kiên trì của những con người chịu khó đã cho đời hơn trăm năm sau ngôi làng trù phú và xinh đẹp.

Miễn là cháu đời thứ sáu của dòng họ đầu tiên đến lập nghiệp ở làng, nghe nói khi đó hơn chục hộ làm nghề đi biển, do giông bão nên trôi dạt đến đây, rồi quyết định ở lại. Làng bây giờ dẫu đã đông người, không còn thưa thớt như ngày xưa, nhưng vẫn có một sự liên kết lạ lùng. Một trong những sự liên kết ấy là chọn lựa những cuộc hôn nhân cho đời sau mà không cần biết những lứa đôi ấy có yêu thương hay không. Tiền lệ người trong làng phải lấy người trong làng bắt đầu từ việc phải bảo vệ làng những ngày sơ khai, phải giữ cho làng ngày càng đông người hơn. Bởi nếu người trong làng không lấy nhau, tứ tán mọi nơi, thì làng dần rơi vào cảnh vắng người. Nhờ tục trai gái trong làng phải lấy nhau ấy mà dân làng ngày càng đông đúc, nhà ngói mọc lên, đường nhựa mở ra, chợ búa sầm uất. Sau trăm năm gây dựng, làng Ngô Đồng trở thành huyền thoại về chuyện gái làng không thể bước qua khỏi con sông ngập tràn màu vàng lộng lẫy của hàng cây ngô đồng vào mùa thu kia.

 

Từ bên này con sông có cái tên rất lạ- Sông Cười (vì sông có những tảng đá nổi, nước chảy len qua ra thanh âm như tiếng cười của thiếu nữ), qua bên kia sông có một chiếc cầu xi măng do người trong làng đóng góp mà thành. Ở đầu cầu, có một cổng gác để kiểm tra người lạ đến làng. Thanh niên ở nơi khác đến đều bị truy hỏi cặn kẽ khi qua cầu bởi những thanh niên làng gác cổng, như thể họ sợ những cô gái xinh đẹp của làng Ngô Đồng sẽ ngã lòng với trai làng khác.

Dẫu có chiếc cầu bắc qua sông Cười, thói quen của người làng vẫn là đi trên những chuyến đò ngang để vận chuyển nông sản ra chợ huyện. Làng trồng rau, chuối, ớt và các loại cây trái. Nông sản của làng luôn được giá, mùa nào thức nấy, giúp cho cuộc sống của dân làng ngày càng khấm khá. Miễn là một trong số những cô gái đảm đang của làng.

Nhà Miễn ăn nên làm ra. Ngoài có một mảnh vườn trồng đủ loại cây trái, gia đình còn có thêm nghề đan giỏ bằng bẹ chuối cung cấp cho thị trường mỹ nghệ. Miễn luôn bận rộn với việc làm ăn của gia đình, thường xuyên đem hàng ra huyện. Miễn chèo thuyền theo dòng sông Cười, chở hàng hóa đến tận bến sông của huyện.

Người làng không hay trong những lần ngược xuôi dòng nước, lòng cô gái mới qua tuổi đôi tám đã vướng một sợi tơ hồng. Sợi tơ đỏng đảnh trôi lơ lững trên dòng sông bên những cây ngô đồng ấy được giữ kín như một uẩn khúc trong lòng, bởi Miễn biết lộ ra thì sẽ không yên với thanh niên trong làng. Nhuận, chàng trai Miễn yêu thương chỉ dám gặp người yêu trong các phiên chợ. Anh chẳng bao giờ bước chân qua cầu vào làng vì sợ sẽ gây cho Miễn bao điều phiền não. Cuộc tình ấy buồn tênh như những lá ngô đồng rụng mùa thu.

Miễn vẫn canh cánh chuyện cũ xảy ra dễ chừng 10 năm trước, khi Miễn còn rất nhỏ. Chị Hạnh ở xóm trên phải lòng một thanh niên trên huyện. Nghe nói chàng trai ấy rất dễ thương, ghé làng vào một ngày ngô đồng vàng lá để chụp ảnh. Còn Hạnh tình cờ ra sông giặt áo. Hai người gặp nhau như duyên tiền định. Nhưng tục làng khó vượt qua, Hạnh giấu chuyện yêu đương của mình kín đáo. Còn Nhân thì thỉnh thoảng giả vờ ghé vào một hàng nước của làng Ngô Đồng, hay dạo quanh khu chợ Hạnh hay mang nông sản ra bán. Cho đến một ngày mưa, khi Nhân tìm đến làng Ngô Đồng thì bị trai làng phát hiện. Cả một đoàn trai tráng chạy theo vây bắt Nhân như tội phạm. Nhân nhảy xuống dòng sông Cười bơi trốn chạy. Nước lũ bất ngờ ập tới cuốn anh đi. Chị Hạnh bỏ làng ra đi.

Sau sự ra đi của chị Hạnh thì cuộc sống của những cô gái làng dường như dễ thở hơn. Thỉnh thoảng con gái làng Ngô Đồng được cưới gả với trai thành phố. Nhưng hầu hết những người con gái ấy học đại học, quen rồi tổ chức cưới trên tỉnh, không quay về làng, hoặc chỉ trở về nhân dịp hội hè hay đã có con cái đuề huề. Những cô gái còn ở trong làng vẫn đeo nhiệm vụ lấy chồng, sinh con để tăng dân số cho làng.

Miễn chỉ kịp học xong cấp hai là bắt đầu phụ giúp gia đình mưu sinh. Năm Miễn 14 tuổi, trước ngõ nhà có một đoàn xe đến với những chiếc mâm phủ vải đỏ. Miễn vén cửa nhìn ra thì bị mẹ gọi vào phòng, mặc quần áo mới ra chào đàng trai. Thì ra đó là phong tục "đặt cọc" của làng. Nhà ông Vương giữa làng có cậu con trai tên Đỗ cũng mới vừa 14 tuổi, được gia đình chọn vợ là Miễn. Khi đó Miễn chưa ý thức được rằng chuyện vợ chồng không phải là xếp một vật trang trí trong phòng, mà là sống đời với nhau. Cho đến dịp Tết năm 17 tuổi, ba mẹ kêu Miễn qua nhà Đỗ phụ giúp nấu nướng, nhìn thấy mặt chồng tương lai, Miễn thật sự hốt hoảng. Từ đó, Miễn thấy mình như đang đi trên một chiếc cầu treo không có tay nắm, mà nếu chỉ cần trợt chân là có thể rơi xuống con kênh nhỏ đen ngòm nước kia.

***

Cứ đến thu là hàng cây Ngô Đồng ven sông Cười lại lộng lẫy sắc vàng. Cả làng Ngô Đồng khi ấy đẹp như tranh vẽ. Còn sông Cười vào mùa thu hiền hòa thả trôi dòng nước xanh len qua những mỏm đá, tạo ra những âm thanh lao xao.

Trong một ngày thu đẹp trời ấy, người ta không còn thấy thuyền của cô gái tên Miễn chở hàng hóa theo con nước về huyện buôn bán. Nghe đồn Miễn đã ra đi theo tiếng gọi của ái tình. Người con gái tuổi thanh xuân đầy mơ mộng quyết định bứt lìa khỏi làng quê đã nuôi nấng mình khôn lớn, vì ở đó tình yêu của cô không là gì.

Những người con gái lấy chồng sớm của làng, bồng con ngồi bên gốc đa trăm tuổi tỏa bóng mát cả một vùng, kháo chuyện nhau cho rằng Miễn đã yêu một chàng trai thành phố. Họ mô tả chàng trai đó rất đẹp, đàn ghi-ta rất hay và rất yêu Miễn. Dường như đó cũng là mộng ước, bởi họ chưa hề biết Nhuận bao giờ. Làng tò mò về người mà Miễn đã giấu rất kỹ cho đến khi quyết định lên con đò, một lần sang sông, không kịp đợi thêm một mùa ngô đồng rụng lá.

Chia sẻ bài viết