Truyện ngắn * TRƯƠNG HOÀNG MINH
ược nghỉ học buổi chiều, cháu tôi bày dụng cụ ra hàng ba ngồi làm nạng giàn thun. Nhìn thằng cháu ngoại cặm cụi cắt, buộc tôi chợt mỉm cười. Hình ảnh của nó là bản sao của tôi hơn năm mươi năm trước. Hình ảnh của nó đã đưa tôi về với những cảm xúc và kỷ niệm vui buồn thời thiếu niên
* * *
Năm một ngàn chín trăm năm mươi tám. Tôi mười hai tuổi, học lớp Nhứt (lớp 5 bây giờ). Nói đến bắn chim bằng nạng giàn thun, tôi là tay thiện xạ. Bạn bè trang lứa và kể cả người lớn trong xóm ấp cũng không có ai "nghề" bằng tôi. Hồi mới tập bắn tôi cũng xài cái nạng nhánh cây nhưng cặp giàn bằng giây thun khoanh kết lại chớ hồi đó ruột xe đạp cũ rất hiếm. Sau khi bắn rành, tôi thay cái nạng nhánh cây bằng hai ngón tay trỏ và giữa của bàn tay mặt. Bắn kiểu này chính xác hơn kiểu trước nhưng đôi khi đường bắn cũng bị lệch, trật mục tiêu do hai ngón tay bị so le dưới sức kéo mạnh của cặp giàn. Anh Năm tôi bèn cắt một khúc cây tròn, mày mò đụt đẽo, bào gọt cho tôi một cái nạng rất đẹp, cặp giàn bằng giây thun bản...
Đạn cũng ảnh hưởng đến đường bắn. Đạn càng tròn càng cứng đường bắn càng ngay càng hiệu quả. Đạn méo mó như sỏi đá, trái ổi non
bắn mười cục trật hết bảy tám. Đạn vò bằng đất thường rất bở, bắn trúng mục tiêu dễ bể cho nên tôi chỉ vò đạn bằng đất sét vàng, vò rất kỹ, tròn vo, láng lứt như cục đạn keo. Thấy tôi phơi đạn ngoài sân, ai đi ngang cũng trầm trồ khen tôi khéo tay, chịu khó. Vài người còn hỏi xin ít cục về cho con họ bắn cu li. Chỉ có lão trưởng ấp Ba Ngói hất hàm hách dịch :
-Ê! Đạn nhiều quá cho một mớ coi ta?
Người gì không lịch sự chút nào! Người ta có tên có thứ đàng hàng chớ bộ xe lôi xe kéo gì sao mà ăn nói ê a trống rổng. Tôi hơi khó chịu nhưng vẫn nhỏ nhẹ trả lời :
-Đạn chưa khô cậu ba ơi!
Ba Ngói ngồi xuống cầm một cục lên coi rồi nói:
-Kệ, ráo ráo cũng được.
Tôi chỉ cây súng ông ta mang trên vai, hỏi:
-Cậu có súng còn xin đạn đất làm gì? Súng bắn hổng ngon hơn nạng giàn thun sao?
Ông ta chau mày, nói:
-Hừm! Súng để bắn cộng sản chớ để bắn chim sao mậy? Đạn của tao quí lắm, một viên một tên chớ đâu như đạn của mày.
Tôi hỏi thiệt tình nhưng ba Ngói lại trả lời méo mó. Tôi liếc nhìn ông ta, thân hình như con cò ma mà lại nói toàn lời sắt máu! Má tôi từ trong nhà bước ra nghiêm mặt nói với ông ta:
-Nó còn con nít cậu nói chi chuyện đó cậu Ba?
Ba Ngói đứng lên nhe răng cười hì hì :
-Em xin lỗi chị Tư. Tại quen miệng chớ em không cố ý.
Má biểu tôi :
-Cho cậu Ba một mớ đi con.
Biết ý má đuổi khéo Ba Ngói, tôi hốt cho ông ta chừng chục cục. Đối với hạng người này, cho sỏi đá, bùn sình còn tiếc nữa là. Ba Ngói bỏ đạn vào túi quần, vò đầu tôi nói cám ơn rồi quay qua cúi đầu chào má tôi :
-Thưa chị Tư em dìa.
Hồi đó chim chóc nhiều vô số, nhỏ có chim sâu chim sắc, lớn có cò vạc, quạ diều
Trong vườn, ngoài ruộng, ven sông rạch, kinh mương
nơi nào cũng có. Hồi đó bắn chim cũng thoải mái lắm. Không ai ngăn cấm, không ai bảo vệ, không ai cho là phá hoại môi trường, không ai cảnh báo loài này loài kia đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, được đưa vào sách đỏ cần phải bảo tồn. Tôi xách nạng giàn thun đi chừng vài tiếng đồng hồ là có chim rô ti cho cả nhà ăn.
***
Theo kinh nghiệm dân gian thì chim bìm bịp biết kiếm bài thuốc trị gãy xương rất hay. Để lấy được bài thuốc đó, người ta tìm ổ của nó, bẻ gãy xương ống, xương đùi, xương cánh chim con. Chim cha mẹ sẽ tha thuốc về xức đắp cho con, trong ba ngày những chỗ xương gãy sẽ liền lại như cũ. Người ta tiếp tục bẻ lần hai, lần ba cho được nhiều thuốc mới bắt chim con về ngâm rượu.
Học được cách làm bài thuốc hay, tôi ráo riết săn lùng ổ chim bìm bịp, bắt chim con về ngâm rượu cho ba má tôi uống. Bìm bịp thường sống ven sông rạch. Tôi tìm được một ổ trong đám bần và ô rô cóc kèn rậm rạp. Trong ổ có ba chim con chưa mở mắt, đỏ hỏn, mềm èo. Nghe tiếng động, chúng tưởng cha mẹ tha mồi về bèn nghểnh cổ lên, hả hoác miệng đòi ăn chứ chúng đâu ngờ đó là tên hung thần ác sát sắp giáng họa lên đầu chúng.
Tôi bắt một con cầm gọn trong lòng bàn tay. Có lẽ biết tai họa sắp đến, nó vùng vẫy, chòi đạp thoát thân một cách yếu ớt. Tôi kéo chân nó ra định bẻ thì nó kêu chíp chíp như van lơn, như cầu khẩn, tuyệt vọng. Tôi dừng tay ngẫm nghĩ. Mình sơ ý bị trặc khớp, bong gân còn đau nhức thấu trời huống gì nó bị bẻ một lượt đến sáu khúc xương! Nếu có ai đó bẻ chân bẻ tay mình như vậy liệu mình chịu nổi không? Nếu bài thuốc không hiệu quả thì có phải mình đã giết oan ba sinh linh bé nhỏ không đủ sức kháng cự hoặc chạy trốn! Tôi đặt con chim trở lại ổ. Cả ba con nằm im thin thít trông thật tội nghiệp, đáng thương.
Tôi rời ổ chim bìm bịp chừng mươi bước bỗng nghe tiếng chim tu hú kêu vang trong vườn ông Kiểm Luận. Trong các loài chim tôi ghét nhứt chim tu hú. Nghe nó kêu ở đâu cũng tìm đến bắn cho bằng được. Nó không động phạm gì đến tôi nhưng tôi vẫn ghét nó do nó lười biếng, độc ác và vô trách nhiệm. Tu hú không bao giờ làm ổ. Đến mùa sinh sản nó bay lang thang tìm ổ quạ, ăn sạch trứng quạ rồi đẻ vào đấy nhờ quạ ấp và nuôi con. Bởi vậy trong dân gian mới có câu : "Quạ nuôi tu hú".
Con tu hú bự bằng bắp tay đang nhảy qua nhảy lại trên cành bằng lăng tìm ăn trái chín. Tôi lắp đạn vào bọc, ngồi núp trong một bụi rậm cạnh gốc bằng lăng, chờ cho nó ăn no, đứng yên rỉa lông mới bắn.
Chợt! Chị Lành từ đâu xuất hiện trước mắt tôi. Đầu chị đội nón lá, tay xách cái giỏ gì nằng nặng đi về hướng chòm mả, khi ẩn khi hiện như một bóng ma. Sau lưng chị chừng mươi thước, trưởng ấp Ba Ngói xách súng nom theo đầy vẻ gian trá. Chị Lành có ý cẩn thận, đi một đoạn chị dừng lại ngó trước ngó sau. Ba Ngói bèn ngồi thụp xuống. Chị Lành đi tiếp, ông ta đứng dậy bám theo.
Ba Ngói ngoài sự nham hiểm còn nổi tiếng sàm sỡ với đàn bà con gái. Chắc chắn ông ta theo dõi chị Lành với ý đồ xấu xa. Giữa khu vườn rộng lớn vắng vẻ, lại có súng trong tay ông ta muốn gì chẳng được? Làm sao ngăn chặn việc làm đồi bại của ông ta giải cứu chị Lành? Nhưng không! Tôi quyết trừng trị tên dê xồm, cho nó một bài học nhớ đời nên cầm nạng giàn thun len lỏi theo sau lưng nó. Tuy nhiên, với tư thế đi lum khum không được thoải mái, dù là thiện xạ tôi cũng khó có thể bắn trúng đích của mục tiêu di động. May thay! Chị Lành lại dừng lại quan sát chung quanh. Ba Ngói ngồi thụp xuống. Tôi cũng vội ngồi thụp xuống. Giương nạng giàn thun thẳng tay. Nhắm vào đầu con dê xồm. Nín thở. Nhả đạn.
Bốp! Ba Ngói buông súng ôm đầu la bài hãi :
-Trời đất ơi! Chết tui rồi!
Nghe tiếng la, chị Lành quay lại nhìn. Thấy Ba Ngói chị có vẻ hốt hoảng, bước hấp tấp trở lại phía chân vườn lát sau mất dạng. Tôi cũng lặng lẽ bò lui, xa xa còn nghe tiếng Ba Ngói hằn học:
-Đ.má thằng nào bắn tao đó. Tao mà biết được tao bắn chết mẹ.
Trong ấp tôi Ba Ngói chỉ kiêng nể gia đình tôi. Sợ ông ta phát hiện làm khó dễ, trả thù, tôi bèn nói hết chuyện cho má tôi nghe để bà che chở binh vực. Bà lo lắng căn dặn:
-Mơi mốt đừng vô đó bắn chim nữa nghen con?
-Sao vậy má? Tôi hỏi
-Ờ
thì chỗ đó mả mồ rắn rít độc địa lắm chớ sao?
Tôi không sợ mồ mả rắn rít mà sợ Ba Ngói. Ông ta còn độc địa hơn mồ mả rắn rít nhiều.
* * *
Tựu trường, tôi lên tỉnh học trung học rồi lên Sài Gòn học đại học. Từ đó những kỷ niệm vui buồn của thời niên thiếu tôi đều gởi lại hết nơi quê nhà và bắt đầu cuộc sống mới trong phong trào học sinh-sinh viên và trong đội công tác thành. Sau năm Mậu Thân tôi ra chiến khu miền Đông. Trở thành chiến sĩ giải phóng, tôi cũng là tay thiện xạ như hồi còn bắn nạng giàn thun, được đồng đội gọi bằng biệt danh "chuyên gia bắn sẻ". Tuy nhiên, cầm cây súng trong tay thì cây súng tức là chính mình. Nếu mình tôn trọng cây súng tức là tôn trọng mình, còn lạm dụng cây súng tức là lạm dụng mình. Cho nên suốt thời gian tôi cầm cây súng-cũng như cầm nạng giàn thun trước kia-tôi luôn luôn tôn trọng chúng chứ không bao giờ lạm dụng chúng như lão Ba Ngói lạm dụng cây súng trong tay ông ta. Rất tiếc là tôi không hoạt động ở quê nhà để dạy Ba Ngói bài học đó cho lão biết thế nào là lễ độ.
Năm bảy mươi ba tôi bị địch bắt đày ra nhà tù Phú Quốc đến ngày giải phóng miền Nam.
***
Hay tin tôi về quê, chị ba Lành làm việc trên huyện tranh thủ về thăm và chúc mừng. Chị Ba bây giờ phát tướng mập mạp, trắng trẻo tôi suýt nhìn không ra. Còn chị, chị nói chị không bao giờ quên tôi và đã chờ đợi cái ngày này suốt mười bảy năm dài để nói lời cám ơn chân thành với một thằng em, một đồng chí và là
một ân nhân đối với gia đình chị!...
Hồi kháng chiến chống Pháp, ba chị Lành là đảng viên. Sau năm một ngàn chín trăm năm mươi bốn, bác Hai được phân công ở lại miền Nam hoạt động. Để tránh chiến dịch "tố Cộng, diệt Cộng" của địch, bác Hai phải sống dưới hầm bí mật cạnh chòm mả trong vườn ông Kiểm Luận. Hôm đó chị Lành đem cơm nước, quần áo, thuốc men cho bác Hai vô tình bị trưởng ấp Ba Ngói theo dõi. Nếu tôi không ngăn chặn kịp thời, một là chị Lành sẽ bị ông ta làm nhục, hai là bác Hai sẽ bị ông ta phát hiện. Vài hôm sau, địch lục soát đến từng gốc cây bụi cỏ trong vùng chòm mả nhưng bác Hai đã dời sang chỗ ở mới và tiếp tục hoạt động đến ngày đất nước hòa bình, thống nhất. Hiện bác là cán bộ cấp cao của tỉnh nhà. Chị Lành cho biết bác Hai bận rất nhiều việc nên chưa thể về thăm tôi nhưng bác hứa sẽ về một ngày gần đây.
Tôi không dám nhận cái vinh dự to lớn mà gia đình chị Lành đã dành cho tôi. Suy cho cùng, việc làm của tôi hồi đó chỉ mang tính hiếu thắng của một thằng con nít và là một sự trùng hợp ngẫu nhiên chứ tôi hoàn toàn không biết bác Hai ở trong hầm bí mật. Chị Lành ôn tồn nói :
-Trong cuộc sống, tất nhiên không tồn tại dưới dạng thuần túy mà chỉ biểu hiện thông qua ngẫu nhiên, còn ngẫu nhiên lúc nào cũng là hình thức biểu hiện của tất nhiên cho nên em nhận hay không thì đó vẫn là sự thật Nho à. Còn nữa, giả sử em biết bác Hai sống trong hầm bí mật chị cũng tin chắc em sẽ bảo vệ bác Hai như bảo vệ chị vậy, đúng không?.
Tôi không trả lời chị Lành mà hỏi lại chị :
-Ba Ngói còn sống không chị Ba?
-Chết rồi! Mình tổ chức ám sát hắn sau năm Đồng khởi.
-Hôm ấy em không ra mặt sao chị biết em bắn lão ta?
Chị Lành cười nói:
-Thím Tư nói cho chị nghe
Thì ra là vậy.