27/04/2008 - 22:22

Bác sĩ Hồ Văn Sanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long:

Có thể tầm soát ung thư bằng kỹ thuật chụp cắt lớp điện toán hoặc cộng hưởng từ

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Hoàn Mỹ Cửu Long tại thành phố Cần Thơ đã trang bị máy chụp cắt lớp điện toán (CT Scanner) 16 lát cắt và máy chụp cộng hưởng từ (MRI) 1.5 Tesla. Đây là những thiết bị y khoa hiện đại có thể giúp người bệnh chủ động tầm soát được nhiều bệnh hiểm nghèo, đặc biệt là bệnh ung thư. Để giúp người dân hiểu và sử dụng hợp lý kỹ thuật chụp CT Scanner và MRI, bác sĩ Hồ Văn Sanh, Phó Giám đốc BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long, cho biết:

- Đối với bệnh ung thư, việc tầm soát để phát hiện và điều trị sớm là một yêu cầu cực kỳ quan trọng để giúp người mắc bệnh duy trì được sự sống. Hiện nay, có thể sử dụng kỹ thuật chụp CT Scanner hoặc MRI để tầm soát phát hiện các bệnh lý ung thư tiềm ẩn hoặc bệnh nhân đã có triệu chứng bệnh lý nhưng khám lâm sàng bác sĩ chưa xác định rõ bệnh. Chụp CT Scanner và MRI là các kỹ thuật chẩn đoán y khoa tạo ra hình ảnh giải phẫu các cơ quan của cơ thể giúp bác sĩ phát hiện chính xác vị trí, tính chất của khối u hoặc những tổn thương rất nhỏ mà kỹ thuật chụp X quang thường quy không phát hiện được.

* Xin bác sĩ cho biết, trường hợp nào nên chụp CT Scanner và trường hợp nào nên chụp MRI?

- Nói chung, chụp MRI và chụp CT Scanner đều là những kỹ thuật cao về chẩn đoán hình ảnh. Tùy theo thế hệ máy MRI, CT Scanner mà có những tính năng khác nhau. Máy chụp CT Scanner 16 lát cắt và máy chụp MRI 1.5 tesla tại BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long là những máy chẩn đoán hình ảnh hiện đại, thế hệ mới có nhiều tính năng, hình ảnh được xử lý bằng máy vi tính nên có tính chính xác, đồng thời có thể chuyển qua mạng để hội chẩn từ xa, giúp bác sĩ lâm sàng chẩn đoán sớm và kịp thời để quyết định phương pháp điều trị thích hợp. Chụp MRI và chụp CT Scanner đều có thế mạnh trong việc phát hiện cấu trúc các mô, tổ chức, bộ phận cơ thể như não, thần kinh, tim máu, xương, khớp các cơ quan nội tạng, v.v... Ưu điểm của kỹ thuật MRI là không sử dụng tia X mà sử dụng từ trường và sóng radio để tạo ra hình ảnh, nên ít gây hại cho sức khỏe. Nhược điểm của kỹ thuật này là không chụp được cho những người có cấy ghép kim loại trong cơ thể, như đặt máy tạo nhịp tim, van tim nhân tạo, ghép đinh kẽm, đặt dụng cụ tránh thai hoặc có mảnh đạn trong người, v.v... Do đó, trước khi chụp MRI, nhân viên y tế phải kiểm tra chặt chẽ bệnh nhân để đảm bảo an toàn cho người bệnh.

* Thưa bác sĩ, chụp CT Scanner và MRI có giúp phát hiện bệnh lý động mạch vành?

- Bệnh lý động mạch vành là một bệnh nguy hiểm. Tỷ lệ tử vong cao. Một trong những nguyên nhân là do cholesterol dư thừa và chất vôi lắng đọng lên thành động mạch vành, tạo ra những mảng được gọi là mảng xơ vữa động mạch. Khi các mảng xơ vữa đã hình thành, nó lớn dần theo thời gian và gây hẹp lòng động mạch. Khi động mạch vành bị hẹp, lượng máu đến nuôi tim không đủ, quả tim sẽ bị thiếu máu, người bệnh có nguy cơ tử vong cao.

Kỹ thuật viên BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long chụp CT Scanner cho bệnh nhân. Ảnh: K.X 

Việc chụp CT Scanner hoặc MRI có thể phát hiện mảng xơ vữa động mạch vành hoặc những bất thường mặc dù rất nhỏ. Tuy nhiên, chỉ nên thực hiện tầm soát ở những người có nguy cơ cao, cụ thể như trên 40 tuổi, thường lao động trí óc, hút thuốc lá, có thể trạng béo phì, bị rối loạn mỡ trong máu, đang điều trị bệnh tiểu đường, tiền căn gia đình có người bị bệnh lý tim mạch hoặc bệnh lý cao huyết áp, v.v...

* Trường hợp bị ung thư đại, trực tràng thường tập trung nhóm đối tượng nào, thưa bác sĩ?

- Ung thư đại tràng và ung thư trực tràng là bệnh lý hay gặp sau ung thư phổi. Ở giai đoạn sớm, triệu chứng lâm sàng không rõ ràng, chỉ đau bụng nhẹ, rối loạn tiêu hóa, phân có máu nhưng rất ít và kín đáo. Đa số các ung thư đại, trực tràng phát sinh từ những khối thịt dư lành tính lồi lên khỏi thành ruột, được gọi là polype. Các polype này là những khối tiền ung thư. Chúng không gây ra bất kỳ triệu chứng gì cho đến khi biến thành ung thư. Do vậy, khi các polype này được phát hiện và cắt bỏ sớm, tỷ lệ tử vong do ung thư đại, trực tràng giảm xuống đáng kể. Do đó, việc tầm soát bằng cách khám sức khỏe định kỳ, nếu cần, thì việc chụp CT Scanner hoặc MRI hệ tiêu hóa ở những người trên 40 tuổi có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời là rất cần thiết, giúp người mắc ung thư duy trì tuổi thọ. Ngoài ra, dùng kỹ thuật này còn đánh giá được thành ruột, cũng như toàn bộ các cơ quan trong ổ bụng. Phương pháp này giống như nội soi đại tràng nhưng không dùng ống soi, nên còn được gọi là nội soi đại tràng ảo, là thủ thuật không xâm lấn, không gây cho bệnh nhân cảm giác đau đớn và khó chịu như dùng ống soi. Với các trường hợp bị rối loạn tiêu hóa kéo dài và tái phát, bị tiêu ra máu chưa xác định nguyên nhân và tái phát, bị viêm đại tràng mãn dễ có nguy cơ ung thư.

* Hiện nay, nhiều người có điều kiện kinh tế có xu hướng chọn dịch vụ chụp MRI toàn thân để kiểm tra sức khỏe tổng quát. Xin bác sĩ cho biết làm như vậy có đúng không?

- Kiểm tra sức khỏe bằng cách chụp MRI toàn thân thực sự không cần thiết. Như đã trình bày ở trên, để chụp MRI cần có sự chỉ định và tư vấn của bác sĩ. Tại BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long, khi khám sức khỏe, bệnh nhân sẽ được khám tổng quát và chuyên khoa, trong từng trường hợp cụ thể hoặc theo yêu cầu của bệnh nhân muốn kiểm tra cơ quan, bộ phận nào đó, bác sĩ sẽ tư vấn, giải thích để được chụp MRI từng bộ phận, cơ quan để tầm soát bệnh. Chẳng hạn như khi bệnh nhân có triệu chứng đau lưng, chụp MRI cột sống để chẩn đoán xác định có thoát vị đĩa đệm, có chèn ép tủy sống không hoặc chụp tầm soát cấu trúc gan để xem gan có hình ảnh bệnh lý không, v.v... Có như vậy, chụp MRI mới có hiệu quả và giảm chi phí không cần thiết cho bệnh nhân.

* Xin cảm ơn bác sĩ!

Đ. KHÔI (thực hiện)

Chia sẻ bài viết