21/06/2011 - 10:14

Tuyển sinh vào lớp 10

Cơ sở để đánh giá chất lượng "đầu vào"

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Cần Thơ, kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2011-2012 sẽ được thực hiện bằng hai hình thức thi tuyển và xét tuyển. Với số lượng học sinh lớp 9 hiện có, ngành giáo dục đã xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh theo hướng có từ 75-80% học sinh lớp 9 vào học các trường THPT. Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 cũng là dịp để ngành giáo dục nói chung, một số trường THPT tổ chức tuyển sinh nói riêng, đánh giá chính xác chất lượng “đầu vào” của học sinh, từ đó có kế hoạch tập trung giảng dạy phù hợp ngay từ năm đầu cấp...

Năm học 2010-2011, các quận, huyện trong thành phố có 12.260 học sinh lớp 9; trong đó, nhiều nhất là quận Ninh Kiều với 2.476 học sinh, ít nhất là quận Cái Răng, có 849 học sinh. Theo kế hoạch tuyển sinh của Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, việc tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2011-2012 sẽ thực hiện bằng 2 hình thức: xét tuyển và thi tuyển. Các trường THPT trên địa bàn các quận Ô Môn, Thốt Nốt, Bình Thủy và Ninh Kiều tổ chức thi tuyển; còn các trường THPT ở các quận, huyện còn lại tổ chức xét tuyển. Theo đó, 21 trường THPT công lập ở TP Cần Thơ sẽ tuyển 9.575 học sinh vào lớp 10. Ngoài ra, 3 trường dân lập, tư thục là Nguyễn Bỉnh Khiêm tuyển 500 học sinh, Trường Phổ thông Thái Bình Dương tuyển 100 học sinh và Trường Phổ thông Việt - Mỹ tuyển 60 học sinh. Như vậy, tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2011-2012 của các trường trong thành phố là 10. 235 học sinh, đạt từ 75-80% học sinh lớp 9 trên địa bàn.

Giám thị Hội đồng thi Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng phổ biến quy chế thi môn Ngoại ngữ cho thí sinh. Ảnh: L.THU 

Ông Nguyễn Quí Đôn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, cho biết: “Ngoài các học sinh có học lực khá, giỏi có thêm cơ hội đăng ký thi tuyển vào Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng, thì mỗi học sinh chỉ được đăng ký dự thi vào một trường THPT công lập. Nếu không trúng tuyển vào trường đó, học sinh không được xin chuyển hồ sơ đăng ký dự tuyển vào một trường công lập khác trong cùng một địa bàn”. Những học sinh không trúng tuyển vào trường mình đã đăng ký sẽ học tại các Trung tâm giáo dục Thường xuyên, học nghề hoặc vào các trường dân lập, tư thục. Cách làm này nhằm hạn chế tình trạng học sinh tập trung quá đông vào một số trường “danh tiếng” mà “bỏ rơi” các trường khác trên cùng một địa bàn. Việc quy định học sinh chỉ có một chọn lựa khi đăng ký dự tuyển vào một trường THPT trong cùng một địa bàn không chỉ là cách bảo đảm số lượng học sinh đăng ký dự tuyển vào các trường đạt yêu cầu, mà còn là dịp để học sinh tự đánh giá đúng năng lực của bản thân, chọn đúng trường để học. Nguyễn Hoàng T., học viên của một trung tâm giáo dục thường xuyên, kể: “Năm vừa qua, em đăng ký thi tuyển vào lớp 10 Trường THPT Châu Văn Liêm, nhưng còn thiếu 2 điểm mới trúng tuyển. Em làm đơn xin chuyển sang Trường THPT Phan Ngọc Hiển, thì không được chấp thuận, cho dù điểm thi tuyển của em cao hơn điểm trúng tuyển của Trường THPT Phan Ngọc Hiển rất nhiều”. Năm vừa qua, rất nhiều học sinh rơi vào trường hợp như T., dù điểm thi cao hơn điểm trúng tuyển vào các trường công lập khác trong cùng địa bàn, nhưng không được các trường này tuyển. T. chia sẻ: “Nếu không nghe lời bạn bè, thi vào lớp 10 Trường THPT Châu Văn Liêm, em đăng ký thi thẳng vào Trường THPT Phan Ngọc Hiển thì chắc chắn sẽ đậu, giờ đã được học trường công lập”.

Theo kế hoạch tuyển sinh của Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, ngoài Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng, THPT kỹ thuật Trần Ngọc Hoằng và lớp chính sách Trường THPT Trần Đại Nghĩa có địa bàn tuyển sinh toàn thành phố, các trường THPT còn lại chỉ giới hạn trong phạm vi quận, huyện. Nếu cùng một quận, huyện có nhiều trường THPT, thì giới hạn trong phạm vi xã, phường do hội đồng tuyển sinh thành phố qui định. Ông Nguyễn Quí Đôn cho biết thêm: “Mặc dù có quy định địa bàn, nhưng đối với một số trường hợp cụ thể như học sinh thuộc quận, huyện này nhưng khoảng cách từ nhà đến trường THPT ở quận, huyện khác lại gần nhà hơn, các trường cũng phải “linh động” nhằm tạo điều kiện cho học sinh đến trường thuận lợi nhất. Vì vậy, học sinh nên cân nhắc cẩn thận trước khi đăng ký dự thi”.

Một trong những vấn đề khiến không ít cán bộ quản lý, giáo viên trăn trở là chất lượng “đầu vào” của học sinh lớp 10 qua mỗi kỳ thi tuyển. Còn nhớ, trong kỳ tuyển sinh năm học 2010-2011, ở quận Ô Môn có hơn 50% học sinh bị điểm từ 0-2 môn Toán khi thi tuyển vào lớp 10. Còn nếu tính chung toàn thành phố, số học sinh có điểm thi môn Toán từ 0-2 điểm trong kỳ thi tuyển vào lớp 10 chiếm hơn 65%. Ông Tống Chí Vĩnh, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT quận Ô Môn, cho biết: “Ngành đã phối hợp với các trường THCS tìm nguyên nhân điểm thi môn Toán trong kỳ thi tuyển vào lớp 10 năm vừa qua quá thấp. Trong đó, có nguyên nhân học sinh lơ là, giáo viên dạy không đúng phương pháp và phụ huynh thiếu quan tâm.... Rút kinh nghiệm năm trước, ngay khi kết thúc năm học 2010-2011, ngành đã chỉ đạo các trường tổ chức ôn tập cho học sinh để các em thi tuyển vào lớp 10”.

Đối với các đơn vị có tổ chức thi tuyển còn có cơ sở để đánh giá chất lượng “đầu vào” của học sinh, nhưng với các quận, huyện không tổ chức thi tuyển sinh lớp 10 thì khó mà đánh giá chính xác chất lượng học sinh. Toàn thành phố có 11 trường THPT công lập tổ chức xét tuyển. Thầy Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Thới Lai, huyện Thới Lai, một trong những trường tổ chức xét tuyển, nói: “Thực tế, trường mong muốn được ngành cho phép tổ chức thi tuyển bởi như thế mới đánh giá được trình độ của học sinh, chất lượng giảng dạy của các trường THCS. Đồng thời, tạo được tính công bằng trong tuyển sinh vào lớp 10 giữa học sinh các trường THCS trong cùng một địa bàn...”. Không riêng thầy Hùng, nhiều cán bộ quản lý ở các trường phổ thông và các phòng giáo dục ở các địa bàn tổ chức xét tuyển đều cho rằng, việc không tổ chức thi tuyển sẽ làm cho giáo viên, học sinh chưa tập trung “cao độ” trong quá trình dạy và học, từ đó ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng học tập ở những năm sau.

TP Cần Thơ đang trong quá trình phổ cập giáo dục trung học nên việc tạo điều kiện cho học sinh học tập các trường THPT là cần thiết. Tuy nhiên, đối với những trường không tổ chức thi tuyển đầu vào, ngành giáo dục cần có kế hoạch tổ chức kiểm tra chất lượng đầu năm thật chặt chẽ, nhằm đánh giá chính xác trình độ của học sinh để có kế hoạch tập trung giảng dạy phù hợp, nhằm bảo đảm, nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục ở bậc THPT.

HÀ THANH

Chia sẻ bài viết