14/12/2011 - 09:39

Có những điều "Không thể lãng quên"

Ông Vũ Ngọc Thành ngồi bên tấm bia khắc tên của chính mình. Ảnh chụp lại từ clip.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng những nỗi đau chiến tranh vẫn hiện hữu trong lòng nhiều người. Chương trình “Không thể lãng quên” do VTV thực hiện, phát lúc 22 giờ 12 phút thứ hai hằng tuần trên kênh VTV3, vinh danh những con người đã hy sinh tuổi thanh xuân và cả sự sống của mình vì hòa bình Tổ quốc.

“Em yêu thương! Anh biết em sẽ không đọc nổi lá thư này vì biết bao nỗi buồn đang đè nặng lên tấm thân người con gái trẻ tuổi như em. Nhưng em ơi, hãy bình tĩnh lại và làm theo lời anh căn dặn, còn ngày anh đi xa là ngày anh đề ngoài phong bì và nhờ các bạn anh gửi giúp. Em sẽ đọc thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi truy điệu anh...”. Nhiều người không cầm được nước mắt khi nghe đọc bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh gửi cho vợ là bà Đặng Thị Xơ – nhân vật trong tập “Sáu ngày làm vợ”. Lá thư được liệt sĩ Huỳnh viết sẵn để khi ông hy sinh thì đồng đội chuyển về cho vợ.

Sau đám cưới chỉ 6 ngày, chồng nhập ngũ, hành quân vào chiến trường Quảng Trị và 6 tháng sau thì hy sinh. Sáu ngày làm vợ rồi xa chồng mãi mãi, từ đó bà Xơ phải sống góa bụa, cô đơn nhưng vẫn ở vậy, giữ bên lòng một tình yêu thủy chung, son sắt. Hơn 30 năm lặn lội tìm mộ chồng, bà đã rước hài cốt chồng về quê hương theo đúng di nguyện của liệt sĩ Huỳnh. Hình ảnh người phụ nữ mái đầu đã bạc, sống cô độc trong căn nhà trống không, với bao ký ức về một tình yêu đẹp khiến người xem xúc động.

Trong tập “Đi tìm mộ mình” kể về nỗi đau chưa nguôi ngoai của ông Vũ Ngọc Thành – chiến sĩ duy nhất còn sống của Trung đội Mai Quốc Ca (Quảng Trị) anh hùng. Bị thương tưởng không qua khỏi nên ông Thành trao chiếc bi-đông nước có ghi tên mình cho đồng đội. Ngày hòa bình, tên tuổi, quê quán của ông đã khắc trên một bia mộ liệt sĩ. Ước nguyện của người lính già là làm sao sớm trả lại tên cho đồng đội. Hễ rảnh, ông Thành lại lặn lội từ Thanh Hóa vào nghĩa trang liệt sĩ huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị để tâm sự với vong linh đồng đội đã khuất...

Và còn rất nhiều, rất nhiều... câu chuyện cảm động như vậy.

Những hoàn cảnh “Không thể lãng quên” đều đi ra từ chiến tranh với những mất mát hy sinh khác nhau. Từ mẹ Thứ 9 lần tiễn con ra trận và cũng là 9 lần mẹ khóc thầm mỗi khi nhận tin báo tử của con hay là chị Bé – một cựu chiến binh nguyện trông coi nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn suốt 35 năm qua với niềm hạnh phúc giản đơn: “được gần đồng đội”... Các nhân vật ít khi kể về những chiến công, hy sinh của mình mà là những câu chuyện về tình đồng đội, những kỷ niệm vui buồn thời chiến.

Biên tập viên Kim Ngân dẫn chương trình như trò chuyện chân tình, tự nhiên, khóc cười cùng cảm xúc của nhân vật nên tạo cho người xem cảm giác gần gũi, đồng cảm.

Bom đạn đã im tiếng lâu rồi nhưng nỗi đau chiến tranh vẫn còn đó. Chương trình không chỉ là như một lời tri ân với những người đã hy sinh cho đất nước được hòa bình mà còn nhắc cho thế hệ hôm nay: Có những điều không thể lãng quên!

Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết