01/09/2011 - 21:27

HỢP TÁC PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TP CẦN THƠ VÀ TP HỒ CHÍ MINH

Cơ hội thu hút đầu tư

Lễ khởi công Dự án mở rộng Trung tâm Thương mại - Siêu thị Co.opMart Cần Thơ.
Ảnh: N. HƯƠNG
 

Năm 2006, lãnh đạo TP Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh ký kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006-2010 (gọi tắt là chương trình). Qua 5 năm thực hiện chương trình ký kết này, 2 thành phố đã đạt được nhiều kết quả khả quan, mở ra nhiều cơ hội mới góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở TP Cần Thơ...

* Triển vọng phát triển...

Theo thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006-2010) giữa TP Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh, chương trình được thực hiện trên 10 lĩnh vực. Bao gồm: công nghiệp, nông nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch, khoa học công nghệ, giao thông công chính, quản lý đô thị, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường vốn, văn hóa - thể dục thể thao và y tế. Chương trình này tạo thêm cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) giữa 2 thành phố tìm hiểu và phát triển thị trường. Qua đó, nhiều DN TP Hồ Chí Minh đã mạnh dạn đầu tư nhiều dự án sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP Cần Thơ. Nhiều DN đã phát huy hiệu quả hoạt động, doanh thu cao, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương, tạo việc làm và làm phong phú thêm sản phẩm hàng hóa cho TP Cần Thơ.

Ông Bùi Ngọc Ngữ, Chánh văn phòng Công ty TNHH Mai Linh Tây Nam Bộ, cho biết: Nhận thấy nhu cầu đi lại cao với lưu lượng hành khách khá lớn, Mai Linh đã đầu tư mở rộng thị trường vận tải hành khách tại TP Cần Thơ. Khi mới về Cần Thơ, Mai Linh chỉ kinh doanh dịch vụ taxi. Được chính quyền quan tâm và tạo điều kiện phát triển thương hiệu, Mai Linh đã mở rộng kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách tuyến cố định; dịch vụ du lịch. Doanh số tăng trưởng hàng năm của công ty khoảng 15%. Đến nay, thương hiệu Mai Linh đã được khách hàng TP Cần Thơ biết đến và tạo được niềm tin đối với khách hàng. Đây là cơ sở để công ty tiếp tục đầu tư phương tiện, củng cố chất lượng dịch vụ đảm bảo phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng ở TP Cần Thơ trong thời gian tới.

Co.opMart Cần Thơ là siêu thị đầu tiên có mặt tại ĐBSCL hoạt động cũng rất hiệu quả, lượng khách hàng mua sắm tại siêu thị tăng trưởng hàng năm. Đặc biệt, tháng 4-2011, Co.opMart Cần Thơ khởi công xây dựng giai đoạn 2 để trở thành nơi kinh doanh các mặt hàng nhu yếu phẩm, vui chơi giải trí thanh thiếu niên... hiện đại tại TP Cần Thơ.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, đến nay đã có 25 DN có trụ sở chính tại TP Hồ Chí Minh đăng ký đầu tư các dự án kinh doanh thương mại - dịch vụ, khu đô thị, khu dân cư ngoài khu công nghiệp... với quy mô diện tích 611,08 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 23.000 tỉ đồng trên địa bàn thành phố. Trong số này, có 2 dự án đã hoàn thành, vốn đầu tư 100,5 tỉ đồng; 7 dự án đang triển khai có khối lượng, giá trị thực hiện khoảng 6.500 tỉ đồng; 11 dự án đang chuẩn bị thủ tục đầu tư,... Ngoài ra, trên địa bàn thành phố hiện có 27 dự án của các DN TP Hồ Chí Minh đăng ký thuê đất đầu tư trong các khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký đầu tư 113,7 triệu USD, vốn thực hiện là 54,3 triệu USD. Trong đó, có 19 dự án đang hoạt động, 5 dự án đang xây dựng và 3 dự án chưa xây dựng...

Cùng với việc hợp tác trên lĩnh vực đầu tư, các cơ quan nghiên cứu của TP Hồ Chí Minh đã thực hiện 13 đề tài nghiên cứu khoa học giúp TP Cần Thơ có những luận cứ khoa học quan trọng, làm cơ sở cho định hướng phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Điển hình như: giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN nhỏ và vừa sau 2 năm Việt Nam gia nhập WTO, các giải pháp quản lý hệ thống thủy lợi vùng trồng lúa và nuôi thủy sản... Ngoài ra, các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, giao thông vận tải, y tế... giữa 2 thành phố có sự phối hợp chặt chẽ, mang lại hiệu quả cao.

* Tiếp tục nâng tầm hợp tác...

Dù chương trình đạt được những kết quả khả quan trên các lĩnh vực, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số hạn chế. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, chương trình hợp tác chưa mang tính liên tục, thường xuyên. Một số chương trình, dự án chưa thực hiện đúng tiến độ đáp ứng nhu cầu bức xúc của địa phương. Hai thành phố vẫn chưa thực hiện được các chương trình, dự án hợp tác nghiên cứu chiều sâu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy tốt nhất lợi thế trong hợp tác để khai thác đúng mức tiềm năng của mình. Công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung ký kết còn hạn chế, thiếu chiều sâu, nhất là đối với các DN. Giữa 2 thành phố không có điều kiện thường xuyên tổ chức họp sơ kết kết quả thực hiện, rút kinh nghiệm để kịp thời thúc đẩy chương trình hợp tác toàn diện hơn. Một số nội dung đã ký kết hợp tác, kết quả triển khai còn hạn chế, như: quản lý đô thị, phát triển thị trường vốn... Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do chương trình có nhiều nội dung nhưng chưa thể hiện tính chiến lược lâu dài, các lĩnh vực hợp tác trọng tâm. Cơ quan điều phối chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc đôn đốc, kiểm tra, làm đầu mối tham mưu cho UBND 2 thành phố. Sự chủ động của các sở, ngành tham gia hợp tác còn hạn chế, nhiều đơn vị chưa xúc tiến ký kết hợp tác với đối tác để cụ thể hóa các nội dung đã được ký kết. Việc tổ chức họp định kỳ của lãnh đạo 2 thành phố để đánh giá chương trình hợp tác chưa thường xuyên. Ngoài ra, còn một số yếu tố khách quan như việc điều chỉnh cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ, việc thay đổi nhân sự...

Chương trình hợp tác kinh tế - xã hội giữa TP Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh đã mở ra cơ hội cho các DN đầu tư phát triển. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, từ những hiệu quả chương trình, khắc phục những hạn chế, thành phố Cần Thơ sẽ tiếp tục tăng cường mối liên kết, hợp tác một cách toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đặc biệt là thu hút đầu tư. Đồng thời, 2 thành phố tiếp tục nâng tầm hợp tác trên các lĩnh vực theo hướng thiết thực, khả thi, phù hợp với nhiệm vụ của từng giai đoạn... Cụ thể, giai đoạn 2011-2015 TP Cần Thơ định hướng tiếp tục hợp tác với TP Hồ Chí Minh trên cơ sở thế mạnh của từng địa phương. Qua đó, các sở, ngành tiếp tục nghiên cứu, lập kế hoạch chi tiết về các lĩnh vực ưu tiên hợp tác thuộc chuyên ngành quản lý để triển khai thực hiện theo từng năm. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, tăng cường sự phối hợp giữa Hiệp hội DN của 2 thành phố làm cầu nối gắn kết các DN. Song song đó, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến nội dung ký kết đến các cơ quan, tổ chức và DN... Ngoài ra, lãnh đạo 2 thành phố thường xuyên phối hợp tổ chức họp sơ kết định kỳ mỗi năm 1 lần và luân phiên tại mỗi địa phương. Qua đó, trao đổi các nội dung cần chỉnh sửa hoặc bổ sung các lĩnh vực hợp tác mới, nâng tầm cao hơn để chương trình hợp tác đem lại hiệu quả cao trong thời gian tới.

TUYẾT TRINH

Lễ khởi công Dự án mở rộng Trung tâm Thương mại - Siêu thị Co.opMart Cần Thơ. Ảnh: N. HƯƠNG 

Chia sẻ bài viết