25/02/2014 - 08:36

Bà Lê Thị Ái Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu:

Cơ hội quảng bá di sản của nhân loại

 

Festival Đờn ca tài tử (ĐCTT) lần đầu tiên diễn ra vào cuối tháng 4-2014 tại tỉnh Bạc Liêu trong bối cảnh ĐCTT vừa được UNESCO công nhận là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại vào đầu tháng 12-2013. Vì vậy, Festival sẽ là cơ hội để khẳng định giá trị và góp phần quảng bá loại hình âm nhạc độc đáo của đất phương Nam với người mộ điệu trong và ngoài nước.

Giới thiệu với phóng viên Báo Cần Thơ về quy mô Festival ĐCTT quốc gia lần thứ I, bà Lê Thị Ái Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, Phó Trưởng ban Tổ chức Festival, cho biết:

- Festival ĐCTT quốc gia lần thứ I - năm 2014 được tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu có chủ đề “Đờn ca tài tử, tình người - tình đất phương Nam”, diễn ra từ ngày 20 đến 25-4-2014. Tham gia Festival là các nghệ nhân của 21 tỉnh, thành phố khu vực Đông và Tây Nam bộ - những địa phương đã góp phần hoàn chỉnh hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO công nhận ĐCTT là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.

Festival ĐCTT tại Bạc Liêu sẽ có 20 hoạt động chính. Ngoài các hoạt động vệ tinh hưởng ứng chúng tôi đã phát động từ cuối năm 2013 như: thi ảnh thời sự nghệ thuật; thi sáng tác lời mới 20 Bản Tổ ĐCTT Nam bộ; sáng tác ca khúc, bài vọng cổ; phim tài liệu và giải báo chí “Bạc Liêu trên đường phát triển”…, Fesitval tập trung các hoạt động tôn vinh và bảo tồn, quảng bá nghệ thuật ĐCTT. Hiện nay, các tiểu ban đang khẩn trương triển khai đồng loạt các hoạt động chính như: Liên hoan ĐCTT Nam bộ và không gian ĐCTT, Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy Di sản phi vật thể ĐCTT”…

Điểm nhấn của Festival là đêm khai mạc và bế mạc được dàn dựng công phu, mang đậm dấu ấn văn hóa của đất và người phương Nam với sự cố vấn nội dung kịch bản, nghệ thuật của Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê, soạn giả Lê Duy Hạnh, Thạc sĩ âm nhạc dân tộc Huỳnh Khải và nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Phước Thuận.

* Xin bà cho biết, tiến độ chuẩn bị và những kỳ vọng của tỉnh Bạc Liêu qua Festival ĐCTT lần thứ I?

- Công tác tổ chức đã hoàn thành như thành lập Ban chỉ đạo, Ban tổ chức, các tiểu ban phục vụ Festival. Kế hoạch tổng thể đã được ban hành và đã họp báo giới thiệu về Festival tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Các sở, ngành, đơn vị được giao nhiệm vụ đã xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng hoạt động và đang triển khai thực hiện đồng loạt...

Đồng thời, các chủ đầu tư cũng đang đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các công trình để kịp phục vụ cho Festival như: Quảng trường Hùng Vương; Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu; tượng đài Mậu Thân; Nhà thi đấu đa năng; Trung tâm Hội chợ - Triển lãm tỉnh; Trung tâm Triển lãm Văn học Nghệ thuật - Nhà hát Cao Văn Lầu; bờ kè sông Bạc Liêu; Trung tâm Hội nghị tỉnh… Lãnh đạo tỉnh đang đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình: tôn tạo khu nhà Công tử Bạc Liêu, Khu du lịch Nhà Mát, Khu vui chơi giải trí công viên Trần Huỳnh, Khu du lịch sinh thái Hồ Nam... để kịp phục vụ du khách dịp Festival.

Nghệ thuật Đờn ca tài tử - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - sẽ được tiếp thêm động lực thông qua Festival Đờn ca tài tử lần đầu tiên được tổ chức tại Bạc Liêu. Ảnh: DUY KHÔI

Ngoài ra, tỉnh đã chỉ đạo kiểm tra nâng cấp các nhà hàng, khách sạn đủ tiêu chuẩn nhằm đảm bảo các điều kiện phục vụ du khách đến tham dự Festival; chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ Đô thị tăng cường trồng cây xanh, hoa kiểng trên các tuyến đường. UBND thành phố Bạc Liêu đang thực hiện sắp xếp trật tự mua bán, vệ sinh môi trường, tăng vẻ mỹ quan đô thị, nhất là việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhằm xây dựng phong cách người Bạc Liêu “Hiếu khách, văn minh, lịch thiệp”…

Quyết tâm của tỉnh Bạc Liêu là tổ chức Festival chu đáo, nghiêm túc, để lại ấn tượng đẹp trong lòng người mộ điệu và du khách. Thông qua Festival, chúng tôi muốn góp phần tôn vinh, quảng bá nghệ thuật ĐCTT không chỉ cho người dân Việt Nam mà cả cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè thế giới. Mặt khác, Festival sẽ tiếp thêm động lực góp phần bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể độc đáo này. Qua đây, chúng tôi cũng muốn thu hút đầu tư, du khách đến với Bạc Liêu nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch của tỉnh trong thời gian tới theo tinh thần Nghị Quyết 02 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển du lịch.

* ĐCTT Nam bộ đã chinh phục UNESCO bởi sự độc đáo và sức sống trong đời sống cộng đồng. Bà đánh giá như thế nào về vị trí của nghệ thuật ĐCTT tại các tỉnh thành Nam bộ nói chung và Bạc Liêu nói riêng?

- ĐCTT vẫn sống và sống rất bền bỉ trong đời sống tinh thần của người dân Nam bộ, đặc biệt là ở 21 tỉnh, thành có nghệ thuật này. Hầu như địa phương nào cũng có hàng trăm CLB, đội nhóm ĐCTT và duy trì sinh hoạt, tạo được phong trào ở cơ sở. Việc các địa phương tổ chức định kỳ Liên hoan ĐCTT cấp tỉnh, thành phố hay quận, huyện đã thắp lửa phong trào. Chúng ta vững tin sức sống của ĐCTT khi bên cạnh nhiều nghệ nhân lớn tuổi cũng có nhiều bạn trẻ đam mê đờn ca và có nhiều gia đình truyền thống 3- 4 thế hệ nghệ nhân ngồi cùng đam mê ĐCTT. Các khu, điểm du lịch có các CLB ĐCTT biểu diễn, giao lưu phục vụ du khách cũng là cách quảng bá hiệu quả. Tôi cho rằng, nghệ thuật ĐCTT sẽ mãi gắn bó với cuộc đời của mỗi người dân Nam bộ. Bởi với cư dân vùng đất này, những bài bản tài tử luôn là những cung thương, cung nhớ, gắn bó máu thịt với cuộc đời mỗi người.

Bạc Liêu là nơi khai sinh ra bản “Dạ cổ hoài lang” và cũng là một trong những nơi được mệnh danh là cái nôi của ĐCTT Nam bộ. Trong khuôn khổ Festival, Bạc Liêu sẽ khánh thành Khu lưu niệm Nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Nơi đây là một bảo tàng chuyên đề đầu tiên về ĐCTT Nam bộ, cải lương, vọng cổ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu…

Bạc Liêu thành lập website về Festival ĐCTT
Nhằm tuyên truyền, quảng bá về Festival ĐCTT quốc gia lần thứ I-năm 2014 do Bạc Liêu đăng cai tổ chức, Ban tổ chức Festival đã khai trương trang web chuyên biệt tại địa chỉ: http://festivaldoncataituquocgia.baclieu.gov.vn. Trang web đăng tải nhiều nội dung phong phú giới thiệu về vùng đất và con người Bạc Liêu, nghệ thuật ĐCTT và giới thiệu về Festival. Đặc biệt, trang web cập nhật liên tục công tác chuẩn bị và các hoạt động, chương trình diễn ra tại Festival.

Để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam bộ, UBND tỉnh đã chỉ đạo phát triển phong trào ĐCTT gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; duy trì và phát triển nhiều CLB ĐCTT ở cơ sở; hỗ trợ trang thiết bị cho các CLB ĐCTT hoạt động; xây dựng CLB ĐCTT tại các khu điểm du lịch và trong các trường học; định kỳ tổ chức liên hoan ĐCTT các cấp. Các Trung tâm Văn hóa đã tổ chức nhiều lớp truyền dạy ĐCTT, vọng cổ cho nhân dân, nhất là giới trẻ …

Lãnh đạo tỉnh cũng đã chỉ đạo ngành văn hóa biên soạn giáo trình và đưa nghệ thuật ĐCTT vào trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật. Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo xây dựng kế hoạch đưa nghệ thuật ĐCTT vào giảng dạy trong các trường phổ thông...

Các hoạt động trên sẽ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam bộ, đồng thời cũng thực hiện tốt cam kết của Chính phủ Việt Nam với UNESCO.

* Xin trân trọng cảm ơn bà!

ĐĂNG HUỲNH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết