28/10/2020 - 07:11

Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản vào châu Âu 

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ 1-8-2020, với nhiều dòng thuế áp cho hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu (EU) 0% và các dòng thuế còn lại được cắt giảm theo lộ trình 3-7 năm. Đây là điều kiện rất thuận lợi để nước ta đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản vào thị trường EU vốn rất tiềm năng.

Cơ hội và tiềm năng

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản Miền Nam, Khu công nghiệp Trà Nóc 2, TP Cần Thơ.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản Miền Nam, Khu công nghiệp Trà Nóc 2, TP Cần Thơ.

Nước ta hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ thông qua ký kết và thực thi nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và gia nhập các tổ chức đa phương, trong đó EVFTA được coi là một trong những FTA thế hệ mới, với những cam kết sâu rộng và toàn diện. Việc cắt giảm và xóa bỏ thuế quan trong EVFTA được kỳ vọng tạo ra cơ hội lớn cho xuất khẩu thủy sản vào EU.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, EU sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong vòng 3 năm, 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm. Đối với cá ngừ đóng hộp, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan 11.500 tấn… Tận dụng lợi thế này, từ đầu tháng 8 đến nay, xuất khẩu thủy sản vào EU có số lượng đơn hàng tăng 10% so với tháng 7-2020. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong tháng 9 đã phục hồi mạnh hơn, với mức tăng 13%, đạt 92 triệu USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 9 tháng qua đạt 692 triệu USD.

EU có 27 nước thành viên, với dân số trên 747,5 triệu người, trong đó có 74,5% dân thành thị. Theo ông Đào Trọng Hiếu, Phó Trưởng Phòng Phát triển thị trường thủy sản thuộc Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, EU là thị trường rất lớn, có mức tiêu thụ bình quân đầu người cao và giá trị cao. Bình quân tiêu thụ thủy sản trên đầu người tại EU ở mức 25,1kg/người/năm. Tổng nhu cầu thủy sản tại EU dự kiến 18,7 triệu tấn/năm, với giá trị khoảng 22 tỉ USD. Tỷ lệ phụ thuộc nhập khẩu của EU dao động khoảng 62-63% tổng nguồn cung. Những năm vừa qua, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta vào EU mới khoảng 1,2-1,4 tỉ USD. Giá trị xuất khẩu thủy sản vào EU còn khá khiêm tốn, chúng ta chưa khai thác hết lợi thế, tiềm năng của thị trường này.

Cần giải pháp đồng bộ

Nước ta đã xuất khẩu được nhiều sản phẩm thủy sản vào EU như: tôm, cá tra, cá ngừ, mực, bạch tuộc, cua, ghẹ và một số mặt hàng khác. Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, tăng trưởng bình quân xuất khẩu thủy sản sang EU giai đoạn 2010-2019 là 0,4% và dự kiến tỷ lệ này sẽ tốt hơn trong 5 năm tiếp theo. Tuy nhiên, chúng ta cần phải tận dụng được ưu đãi thuế quan theo EVFTA để có vị thế cạnh tranh tốt hơn. Đồng thời, thực hiện tốt việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) để EU gỡ bỏ "thẻ vàng" cho ngành thủy sản nước ta. "Chúng ta cần tận dụng tối đa các ưu đãi về thuế trong EVFTA. Đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm, kịp thời hoàn thiện các quy chuẩn và tiêu chuẩn chất lượng đối với sản phẩm thủy sản của Việt Nam tương đồng với các quy định thị trường EU. Tuân thủ tốt các quy định của EU về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp. Xây dựng phương án truyền thông chủ động để ứng phó với truyền thông bôi nhọ, tiêu cực về sản phẩm thủy sản của nước ta tại EU…" - ông Đào Trọng Hiếu nhấn mạnh.

Theo ông Trần Văn Nghi, Phó Giám đốc Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 6 thuộc Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện về cơ bản chúng ta đã đáp ứng các quy định chung của thị trường EU, họ đã công nhận hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm của Việt Nam và công nhận Nafiqad là cơ quan thẩm quyền của Việt Nam trong kiểm soát thủy sản xuất khẩu vào EU. Tuy nhiên, cần lưu ý EU là thị trường luôn có quy định cao về an toàn thực phẩm. Xuất khẩu thủy sản cũng còn gặp khó bởi dịch COVID-19. Nước ta có 579/806 doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu vào thị trường EU. Những năm gần đây, xuất khẩu thủy sản của nước ta sang EU có xu hướng giảm, năm 2018 đạt hơn 1,47 tỉ USD thì năm 2019 còn hơn 1,297 tỉ USD và những tháng đầu  năm 2020 tiếp tục đạt thấp do ảnh hưởng dịch COVID-19. Hy vọng với EVFTA, doanh nghiệp tận dụng cơ hội và nỗ lực vượt qua các rào cản để tăng xuất khẩu.

TP Cần Thơ có khoảng 12.000ha nuôi thủy sản, với sản lượng 220.000 tấn/năm, trong đó 750ha nuôi cá tra, sản lượng 170.000 tấn/năm. Dù có diện tích nuôi thủy sản không lớn nhưng Cần Thơ là nơi tập trung khoảng 40 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, xuất 180.000 tấn/năm sang các thị trường, trong đó có EU, với kim ngạch 640 triệu USD/năm. Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: "Thành phố chủ động có các bước chuẩn bị, xây dựng các kế hoạch cụ thể để triển khai và thực hiện nghiêm các Quyết định, chương trình, kế hoạch của Chính phủ, bộ ngành Trung ương về triển khai thực hiện EVFTA. Quan tâm đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phân tích, đánh giá, đưa ra kế hoạch để thực hiện các nội dung của Hiệp định, nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản, đáp ứng các yêu cầu và quy định của thị trường EU". 

Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, EU có các quy định rất chặt chẽ nhưng có nhiều cái ưu đãi hơn so với các thị trường khác. EU sẵn sàng cho ta xuất khẩu nhiều loại nông sản mà không yêu cầu khắt khe về việc đánh giá rủi ro, nhưng EU có quy định chặt chẽ để đảm bảo chúng ta có các chương trình giám sát được các mối nguy từ dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Đây là vấn đề ta cần phải quan tâm và chú trọng trong thời gian tới, đặc biệt tiếp tục tăng cường các chương trình giám sát để làm tốt hơn công tác xuất khẩu thủy sản vào EU.

Theo ông Piotr Harasimowicz, Trưởng Văn phòng đại diện Cục Đầu tư và Thương mại Ba Lan, các chuyên gia châu Âu đánh giá hàng thủy sản Việt Nam rất có tiềm năng xuất khẩu sang EU. Hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chứng minh được chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của EU, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Trong đó, Ba Lan là thị trường tiềm năng của Việt Nam, 8 tháng năm 2020 nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam sang Ba Lan đạt 19,6 triệu USD, tăng hơn 24% so với cùng kỳ. Dù chưa gặp khó khăn đặc biệt gì về hàng rào kỹ thuật nhưng các doanh nghiệp Việt Nam cần kiểm soát tốt chất lượng hàng thủy sản xuất khẩu. Các mặt hàng đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm cùng mức giá hợp lý là yếu tố quyết định để doanh nghiệp Việt Nam giữ vững và tiếp tục gia tăng xuất khẩu vào thị trường Ba Lan.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết