Thành phố Cần Thơ cùng 63 tỉnh, thành trên cả nước đang triển khai “Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm”, giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Chương trình OCOP), theo Quyết định số 2277/QĐ-BNN-VPĐP ngày 5-6-2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chương trình này có nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ và khuyến khích các cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ...tham gia đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ đặc trưng, có lợi thế tại mỗi địa phương.
Đáp ứng yêu cầu phát triển
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè, cho biết: "Chương trình OCOP trọng tâm là phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các tổ chức kinh tế tập thể, tư nhân và người dân tại địa phương làm chủ thể thực hiện. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, định hướng, khuyến khích và hỗ trợ thực hiện. Tùy theo điều kiện và hoàn cảnh thực tế, các địa phương xem xét lựa chọn sản phẩm có lợi thế để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân và thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương...".

Chương trình OCOP được triển khai, tin rằng các sản phẩm làng nghề truyền thống tại thành phố sẽ có điều kiện phát triển. Trong ảnh: Sản xuất bánh tráng tại Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.
OCOP được thực hiện tốt sẽ đóng vài trò quan trọng trong phát triển sản xuất tại các vùng nông thôn gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập người dân và đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) tại các địa phương. Trong xây dựng nông thôn mới, việc thực hiện các tiêu chí số 10 và số 13 về nâng cao thu nhập người dân và tổ chức tốt sản xuất là rất quan trọng. Qua hơn 7 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, diện mạo nông thôn tại thành phố có nhiều chuyển biến tích cực, các cơ sở hạ tầng, ngành nghề sản xuất kinh doanh ở nông được đầu tư phát triển, đời sống người dân được cải thiến. Thành phố đã có 27/36 xã và huyện Phong Điền đã đạt chuẩn nông thôn mới. Cuối năm nay, thành phố dự kiến có thêm 5 xã và huyện Vĩnh Thạnh đạt chuẩn nông thôn mới. Thành phố phấn đấu đến năm 2020 có tất cả 36 xã và tất cả 4 huyện của thành phố đều đạt chuẩn nông thôn mới.
Chương trình quốc gia XDNTM được triển khai cũng đã mở ra hướng phát triển kinh tế đa dạng dựa vào lợi thế mỗi địa phương theo hướng tăng giá trị gia tăng. Tuy nhiên, sự chuyển biến phát triển kinh tế khu vực nông thôn còn chậm do nhiều nguyên nhân. Đáng chú ý, việc xác định sản phẩm lợi thế và xúc tiến thương mại chưa được làm thật tốt, mô hình kinh tế hộ còn chiếm tỷ lệ cao, mô hình sản xuất tiên tiến (hợp tác xã, doanh nghiệp) còn hạn chế về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo (gắn với sản phẩm lợi thế) và năng suất lao động ở khu vực nông thôn còn đạt thấp. Công tác quản lý Nhà nước cũng còn yếu về định hướng quy hoạch sản xuất kinh doanh, kết nối thị trường và các cơ chế nhằm huy động, tạo gắn kết giữa các bên liên quan để tận dụng tốt các nguồn lực sẵn có. Nhiều người dân lại chưa chú trọng phát triển sản phẩm truyền thống có lợi thế. Do vậy, nước ta triển khai thực hiện Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là rất cần thiết nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân, góp phần thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí "kinh tế và tổ chức sản xuất" trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới. Khuyến khích phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng lợi ích cộng đồng, tạo nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng, miền đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Thời gian qua, nhiều nước trên thế giới đã rất thành công trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn nhờ khuyến khích phát triển các sản phẩm tại địa phương theo hướng nội sinh, chú trọng các nguồn lực sẳn có làm động lực phát triển. Cụ thể như, Thái Lan có Chương trình Mỗi cộng đồng một sản phẩm (OTOP), Nhật Bản có phong trào Mỗi làng một sản phẩm (OVOP)...
Phối hợp giữa các bên
Để thực hiện chương trình trên, UBND TP Cần Thơ đã ban hành kế hoạch về xây dựng Đề án "Mỗi xã một sản phẩm" giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn TP Cần Thơ, theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). Đồng thời, giao Sở NN&PTNT thành phố chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan và địa phương tổ chức triển khai thực hiện. Theo đó, thành phố đã thành lập Tổ công tác và nhóm tư vấn thực hiện chương trình để tiến hành thu thập thông tin, xây dựng các biểu mẫu điều tra, biểu mẫu báo cáo, dự thảo đề cương Đề án và đang tiếp tục thu thập thông tin, khảo sát, lấy ý kiến các bên liên quan để sớm hoàn thiện Đề án trình UBND thành phố phê duyệt, triển khai thực tế…
Trường Đại học Cần Thơ đã được thành phố mời tư vấn, hỗ trợ thực hiện dự án. Phó Giáo sư Tiến sĩ Võ Thành Danh, Trưởng Khoa Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng: Để thực hiện tốt Chương trình OCOP đòi hỏi cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều cơ quan, đơn vị có liên quan và các quận, huyện của thành phố huy động người dân tham gia. Vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền là rất quan trọng trong chỉ đạo, điều hành, xây dựng tổ chức bộ máy với đội ngũ cán bộ được tập huấn kỹ và được trao nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp để thực hiện. Đồng thời, xây dựng được hệ thống cơ chế, chính sách chặt chẽ, phù hợp nhằm thúc đẩy và huy động được nguồn lực xã hội lớn để thực hiện, cũng như xây dựng được hệ thống quản lý, công cụ triển khai khoa học. Đánh giá và lựa chọn đúng sản phẩm lợi thế gắn với hình thành, xây dựng hệ thống sản xuất phù hợp, qua đó thúc đẩy liên kết sản xuất do chính người dân làm chủ quản lý, chủ nhân công nghệ, sở hữu nhãn hiệu hàng hóa và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị...
Chương trình OCOP không chỉ có phạm vi và địa bàn thực hiện tại các xã nông thôn mà còn được Bộ NN&PTNT khuyến khích thực hiện tại các phường, thị trấn ở khu vực đô thị. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng, OCOP là chương trình lớn được thực hiện trên phạm vi cả nước theo chủ trương của Bộ NN&PTNT và Chính phủ, các sở ngành và địa phương tại thành phố phải tham gia thực hiện nghiêm túc, qua đó góp phần đẩy mạnh phát triển các vùng nông thôn và cả các khu vực đô thị. Sở NN&PTNT thành phố cần phối hợp chặt với các sở, ngành liên quan và các quận, huyện để tổ chức thực hiện các nội dung theo kế hoạch đề ra.
Bài, ảnh: Khánh Trung