03/07/2020 - 09:32

Chuyện từ những trang sách 

"Khi trang sách cuối cùng đóng lại, dường như trong tôi có gì đó khang khác. Tôi học được cách trân trọng cuộc sống này nhiều hơn, cuộc sống của tôi bỗng nhiên đẹp hơn biết bao!".

Các tác phẩm tham dự Vòng Sơ khảo Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020 tại Cần Thơ được chăm chút từ hình thức đến nội dung. 

Ðó là vài dòng trong bài viết của em Phạm Nhật An, học sinh lớp 11D1, Trường THPT Châu Văn Liêm, quận Ninh Kiều, cảm nhận cuốn sách "Hai dấu chân nhỏ trên cát ẩm" của Anne-Dauphine Julliand. Tác phẩm này Nhật An chọn để tham dự Vòng Sơ khảo Cuộc thi Ðại sứ Văn hóa đọc năm 2020 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Sở Giáo dục và Ðào tạo thành phố tổ chức. Hồi ký của một người mẹ có con gái 2 tuổi mắc bệnh hiểm nghèo được Nhật An cảm nhận rất hay và thể hiện bằng câu chữ lay động người đọc. Nhật An đặt tâm thế mình là một đứa con, hằng ngày vẫn được sự bảo ban, chăm sóc của mẹ nhưng đã trân quý hết chưa? Nhật An chia sẻ: "Khi mà mọi sự quan tâm, lo lắng từ những thứ nhỏ nhặt của mẹ mà ta đã bao lâu rồi không chú ý đến: cái áo mưa luôn được để sẵn ở ba-ga xe, những món ăn ưa thích luôn xuất hiện ít nhất một lần mỗi tuần trên mâm cơm nhà, luôn than phiền rằng bạn ăn quá ít, thức quá khuya…".

Ðọc bài dự thi này và hàng ngàn bài dự thi khác với mong muốn trở thành Ðại sứ Văn hóa đọc, mới thấy được sức lan tỏa đằng sau những trang sách. Ðây là lần thứ 2 Cần Thơ tổ chức Vòng Sơ khảo cuộc thi, thu hút 18.333 bài dự thi của 121 trường tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn thành phố. Trong đó, khối THCS có số lượng bài dự thi nhiều nhất với trên 12.000 bài và quận Ô Môn là địa phương có số lượng học sinh tham gia nhiều nhất. Cuộc thi có 3 đề để thí sinh lựa chọn. Ngoài câu hỏi chung cho cả 3 đề là "Bạn sẽ là gì để lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng nếu trở thành Ðại sứ Văn hóa đọc?" thì mỗi đề có câu hỏi khác: chia sẻ cảm nhận về một quyển sách yêu thích; sáng tác thơ, truyện khích lệ đọc sách; viết tiếp lời cho một câu chuyện, quyển sách.

Bà Phan Thị Thùy Giang, Giám đốc Thư viện TP Cần Thơ, cho biết: Ða số các em chọn đề số 1 để thể hiện và quyển sách lựa chọn thường là sách kỹ năng sống, tình cảm gia đình và nghị lực sống. Yêu cầu dự thi là các em phải thể hiện bằng viết tay nên hầu hết các bài viết đều ấn tượng, thể hiện sự nắn nót, chăm chút trong hình thức thể hiện. Có nhiều em còn thêm hình ảnh bản thân, gia đình để làm phong phú bài dự thi.

Qua nhiều bài dự thi, điều đáng quý là các em thể hiện sự trân trọng, yêu thích với sách. Những dòng cảm nhận hồn nhiên nhưng rất thực của các em cho thấy điều đó. Ví như bài dự thi của em Phạm Minh Trí, học sinh Trường THCS-THPT Trần Ngọc Hoằng, huyện Cờ Ðỏ, khi chọn thể hiện niềm đam mê đọc sách bằng một bài thơ. Minh Trí viết:

"Sách là người bạn tâm giao

Cho ta kiến thức thêm giàu

lương tri

Bạn ơi bạn muốn hỏi chi

Sách sẽ giải đáp những gì

vấn vương"

Nhưng thú vị nhất có lẽ là phần các em trả lời câu hỏi chung với tư cách là một Ðại sứ Văn hóa đọc. Dù tuổi học sinh, song các em có những giải pháp, kiến nghị rất thiết thực và thông minh với mong muốn phát triển văn hóa đọc. Ví dụ như em Nguyễn Huỳnh Mai Khôi, học sinh Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng, quận Cái Răng, đưa ra những giải pháp hay. Em nghĩ đến việc lập ra "ATM sách" để cỗ máy ấy không chỉ rút ra được sách mà còn gửi sách vào để "hùn vốn tri thức"; cửa hàng cân đổi sách - nơi trao đổi những cuốn sách hay, phù hợp với nhu cầu đọc sách của mỗi người; hay cỗ máy đọc sách nhỏ gọn, tiện ích dành cho người khiếm thị… Em Phan Ngọc Quỳnh, học sinh Trường THPT Châu Văn Liêm, thì nghĩ ra mô hình câu lạc bộ Ðọc sách, lập blog cá nhân để giới thiệu sách và thú vị hơn là xem sách như một món quà ý nghĩa, dành tặng nhân các dịp kỷ niệm cho nhau…

Bà Phan Thị Thùy Giang, Giám đốc Thư viện TP Cần Thơ, cho biết: "Ðọc bài dự thi cho thấy các em đã nghiền ngẫm từng trang sách và tâm huyết với văn hóa đọc. Hành trình từ tiếp cận cuốn sách, đọc và viết rồi nêu ra thông điệp trong một bài thi cho thấy điều đó". Sau 2 lần tổ chức, cuộc thi được sự quan tâm rất lớn từ phụ huynh, giáo viên và các em học sinh. Ban Tổ chức sẽ chọn khoảng 20 bài dự thi tốt nhất để trao giải nhưng hơn 18.000 học sinh dự thi đều là người chiến thắng. Các em được dịp đọc sách hay, chia sẻ cảm nhận về sách, về cuộc đời mình và bàn chuyện chấn hưng văn hóa đọc. Câu chuyện từ những trang sách rồi sẽ chắp cánh ước mơ cho các em...

Dự kiến, các bài dự thi đoạt giải Vòng Sơ khảo tại TP Cần Thơ sẽ được chọn tham dự Vòng Chung kết toàn quốc Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Tại cuộc thi này vào năm 2019, học sinh TP Cần Thơ đạt thành tích rất ấn tượng khi được trao đến 11 giải thưởng.

Bài, ảnh: Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết