Kỹ sư nông nghiệp Mai Trang háo hức với chuyến đi ra đảo Trường Sa lần này. Món quà cô mang theo khá đặc biệt. Đó là loại cây được bố Trang- một thầy giáo dạy sinh vật- rất yêu thích cây cảnh ươm khá công phu. Đây là giống cây họ Bàng, bản lá to thẫm, thân gỗ xù xì, ông đưa về từ Châu Phi khi sang giảng dạy bên đó. Giống cây này chịu được sức nóng của miền sa mạc. Có điều lạ là khi đưa hạt giống về trồng ở miền biển, gió lào cát trắng quê Trang thì cây càng tươi tốt. Mùa đông, lá cây đỏ ối như ngọn lửa cháy trong cái lạnh giá buốt của những cơn gió từ biển thổi vào tái mặt. Mùa hè thì lá lại xanh ngăn ngắt có hình trái tim. Các cành lá chỉ mọc về một phía, đó là nơi những con sóng thủy triều ngày đêm dào dạt vỗ vào bờ cát. Bố Trang bảo hình như diệp lục của lá cây bị sức hút của vị mặn mòi gió biển nên các cành lá của nó đều có tư thế vươn về phía biển. Hoặc bộ rễ của nó có khả năng thích ứng với vị mặn nên đâm rễ chùm nhoài ra phía biển. Cứ thế rễ cây xòe ra đến đâu thì tán cây mọc xòe đến đó. Cũng giống như dưới đài hoa hướng dương có những lớp li ti rất nhạy cảm với nhiệt độ, nên lúc nào hoa cũng hướng về phía mặt trời.
Tàu cập đảo. Mai Trang bước lên cầu cảng với chiếc ba lô du lịch, trong đó có mấy gói hạt giống rau mà cô đã chọn lọc kỹ càng, hợp với thổ nhưỡng ở đây cùng với hai chồi cây mà bố Trang đã chăm sóc trước lúc ra đảo. Cô nhờ thuyền trưởng Hải cất giữ cẩn thận trong góc buồng lái của anh, vì sợ bị vỡ bầu đất của cây. Hải hỏi:
- Đây là cây gì mà em cẩn thận dữ vậy?
- Cây chưa có tên anh ạ- Trang cười- Em chỉ biết đây là cây có họ giống cây Bàng. Nhưng lá lại là hình trái tim và cành thì mọc một hướng về phía biển.
Hải thốt lên:
- Ra đảo cây sẽ vươn đều bốn phía vì phía nào cũng có biển, phía nào cũng mặn mòi gió cát.
Mai Trang thích thú:
- Em trồng thử nghiệm xem có gì giống ở đất liền không, biết đâu có một điều kỳ diệu.
Chuyến đi của Mai Trang nằm trong dự án nghiên cứu khí hậu thổ nhưỡng của đảo để chọn trồng những loại cây thích hợp cho những “Công viên tuổi trẻ” của lính đảo. Bữa cơm đầu tiên, cô được xếp ngồi cạnh một người lính kiêm thi sĩ của đảo. Anh tên Đại Dương, rất khéo tay, hay được phân công trang trí, biên tập tờ báo tường “Vượt sóng” của đơn vị. Đại Dương tặng Mai Trang một con ốc biển rất đẹp gọi là “Ốc gọi hồn”. Dương bảo: Mỗi lẫn đưa cái vỏ ốc này lên nghe, thấy trong gió biển u u có cả tiếng người.
Những câu chuyện của Đại Dương luôn cuốn hút Mai Trang. Anh là con của một tài công, một “sói biển” kỳ cựu. Trong chiến tranh, có lần thuyền của ba Dương tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ, ông bị sức ép của bom Mỹ hất lên, từ đó hai tai bị điếc. Nhưng thật lạ kỳ, khi không còn nghe được tiếng người, ông lại nghe được tiếng biển, tiếng của những loài cá nơi tầng sâu đáy biển. Vì thế ra đến ngư trường ông được các bạn chài dành cho một bát nước mắm đặc biệt màu cánh gián, có độ đạm cao uống cho ấm người, rồi hít hà hơi thở căng lồng ngực và nhảy xuống biển để nghe tiếng các luồng cá, định hướng cho thả lưới vây. Ông bảo: Nghe tiếng “khộp khộp…” như người đang ngộp nước là giọng thở của đàn cá Uốp. Cá Uốp vàng tiếng mỏng và rời rạc hơn cá Uốp đen. Tiếng “oạp oạp…” như màn chèo bơi thì đích thị đó là bầy cá Chim. Cá Chim khó câu, phải chọn người da trắng trẻo lặn xuống bơi vào lưới, cứ thế cả đàn cá vào theo. Đại Dương học được nghề biển của ông từ nhỏ nên là tay câu kỳ cựu ở đảo này.
Chuyện về biển của Đại Dương hòa quyện cùng chuyện cây cỏ của Mai Trang, khiến hai người dần quyến luyến. Trong hơn 1 tháng công tác tại đảo, Mai Trang trồng nhiều loại cây, cùng đoàn khảo sát đánh giá mức độ tăng trưởng và khả năng thích nghi của từng mầm xanh, nhưng cô vẫn giữ riêng cho mình kỷ niệm khi cùng Đại Dương trồng hai cây họ Bàng, lá hình trái tim.
Đó là một buổi hoàng hôn dần xuống, mát trời. Mai Trang và Đại Dương đưa hai chồi cây ra trồng ở góc công viên. Hằng ngày cô đều dặn Đại Dương kỹ càng chuyện chăm sóc loại cây này, bởi thân mộc xốp nhưng dẻo dai và giữ được nước lâu nên không cần phải tưới nước thường xuyên, cây vẫn xanh tốt giữa mùa khô nắng. Ngày lên tàu, Mai Trang mang theo con ốc gọi hồn. Đại Dương bảo: Lúc nào em buồn thì cứ gọi ốc nhé.
Tàu xa dần. Đại Dương ngày nào cũng ra chăm sóc cây, càng nắng cây càng phát triển nhanh. Anh hồi hộp dõi theo và viết thư gởi cho Mai Trang. Mỗi lần nhận thư, cô đều cười một mình suốt buổi, dù câu chữ có gì hoa mỹ đâu. Ví như “Trang ơi cây đã bắt đầu đâm chồi, nẩy ra những lộc xanh biếc. Nhưng cành vươn đều bốn phía”. Hay “Hôm nay mắt lá đã hé nở, lại được đón một cơn mưa rào hiếm hoi, mưa bóng mây đột ngột đến nhanh rồi chợt tắt. Đến cả cây cối cũng sững sờ nhìn người như chưa hiểu ra điều gì, mắt lá chớp những giọt nước trong veo”. Mai Trang nghe tim mình run rẩy khi đọc “Đêm đứng gác ở trên đảo anh cứ dõi theo hướng tàu đi và nghe được cả tiếng em nói cười như đang ở đây”…
***
Ngày Mai Trang trở lại đảo, hai cây song đôi lớn lên như một cặp trai gái yêu nhau. Những chiếc lá hình trái tim lướt nhẹ theo làn gió biển, mơn man từng ngón tay cô. Mai Trang có cảm giác mình đang nghe được cả tiếng tí tách thì thầm chuyển nhựa trong từng huyết mạch diệp lục lá cây. Cô hồn nhiên reo lên như trẻ nhỏ khi nhìn thấy sự chuyển mình rạo rực của tán lá xòe ra một phía về hướng đặt những dãy ghế đá công viên tuổi trẻ lính đảo Trường Sa còn ấm hơi người.
- Anh Dương ơi, Trang gọi riêng cây là Nhớ Biển nhé!
Mai Trang nhìn Đại Dương, trong ánh mắt cô lấp lánh tình cảm vừa dịu dàng vừa nồng nhiệt. Người lính trẻ xúc động nắm tay Mai Trang, cảm nhận khoảnh khắc đẹp nhất đời người dưới tán cây có lá hình trái tim vươn cành đón nắng gió biển Trường Sa.
#NGUYỄN NGỌC PHÚ