07/02/2022 - 15:34

Chuyện ông Hổ nghĩa tình ở xứ cù lao 

Những ngày giáp Tết, chúng tôi về thăm cù lao Ông Hổ - nơi có truyền thuyết “cọp tình, cọp nghĩa” rất nhân văn. Có từ hàng trăm năm trước, truyền thuyết này không chỉ lý giải về địa danh cù lao Ông Hổ mà còn thể hiện cốt cách của người dân bản xứ chân thành, tình nghĩa.

“Cọp tình, cọp nghĩa”

Mộ ông Hổ được người dân trên cù lao gìn giữ và bảo vệ.

Mộ ông Hổ được người dân trên cù lao gìn giữ và bảo vệ.

Chiếc phà chầm chậm đưa chúng tôi vượt sông Hậu trong nắng sớm bình minh. Chỉ vài phút rời bến, hình ảnh cù lao xanh hiển hiện trước mắt. Sau bao năm đầu tư xây dựng, cù lao Ông Hổ - quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng, ở xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, nay đã khoác lên mình chiếc áo mới. Bên ấm trà nóng ngày giáp Tết, câu chuyện về sự đổi thay, tình người ở xứ cù lao cứ thế ùa về. Ông Nguyễn Văn Tri (Tám Tri), một trong những người cố cựu trên cù lao, nói: “Thường nghe cọp ai cũng sợ vì là thú dữ, nhưng ông cọp ở xứ cù lao này là “cọp tình, cọp nghĩa””.

Ông Tri kể, xưa kia đây là vùng rừng thiêng, thú dữ. Rồi từng đoàn người từ miền Bắc, Trung di cư vào mở rộng đất phương Nam. Khi đến cù lao định cư, họ phá rừng làm nương rẫy sinh sống. Hôm nọ, có vợ chồng già bơi xuồng đi làm rẫy, thấy chú mèo mướp lạc mẹ bám giề lục bình trôi trên sông, ông bà bèn vớt lên để cứu, nhưng không phải mèo mà là chú cọp con. Ông bà đem cọp con về nuôi, cùng sống chung trong nhà. Do có con gái, nên ông bà đặt con gái là chị hai, chú cọp là cậu 3. Mỗi ngày chú cọp lớn lên trong tình thương của ông bà. Sau đó, chị gái lớn lên đi lấy chồng; ông bà già đi, rồi mất. Lúc này, người dân đến cù lao ngày một thêm đông, họ tiếp tục phá rừng làm rẫy. Trong khi đó, cọp không còn người thân, không còn rừng để sống nên đã sang sông, rút vào rừng sâu. Tuy nhiên, trong sâu thẳm, cọp vẫn nhớ ơn ân nhân nên mỗi năm đến ngày giỗ ông bà, cọp lại cõng nai, heo rừng về tế trên mộ rồi sau đó bỏ đi. Thời gian sau, cọp về chết tại mộ cha mẹ nuôi. Dân làng mến cọp có tình, có nghĩa nên lập miếu thờ và đặt tên cù lao này là cù lao Ông Hổ.

“Câu chuyện tựu trung vẫn muốn giải thích tên gọi địa danh cù lao Ông Hổ cũng như cốt cách của người dân bản xứ sống chân thành, tình nghĩa đã cảm hóa được loài mãnh thú hoang dã. Tuy là truyền thuyết ông bà xưa kể lại nhưng thực tế có tính giáo dục rất cao. Từ đó, bao thế hệ dân cù lao đã giáo dục con, cháu phải biết nghĩa, biết tình và sống hòa thuận với nhau, tạo nên tính cách của cư dân cù lao nghĩa tình sắt son, đồng lòng xây dựng quê hương…” - ông Tám Tri chia sẻ.

Năm nay đã 73 - cái tuổi có thể vui vầy bên con cháu nhưng hằng ngày ông Tám Tri vẫn miệt mài làm việc nghĩa. Đội bắc mới, sửa chữa cầu đường của ông hình thành từ năm 2017 và đã có 10 cây cầu, hơn 3km đường được hoàn thành góp phần tạo nên bộ mặt mới cho giao thông nông thôn Mỹ Hòa Hưng. “Đội hiện có hàng chục anh em tự nguyện góp công, góp của để cùng làm nên những con đường, cây cầu vững chắc, giúp bà con đi lại dễ dàng” - ông Tám Tri nói.

Hệ thống giao thông trên cù lao Ông Hổ đã hoàn thiện, đi lại dễ dàng.

Hệ thống giao thông trên cù lao Ông Hổ đã hoàn thiện, đi lại dễ dàng.

Vùng quê đáng sống

Ông Tám Tri đưa chúng tôi đi vòng quanh cù lao. Chỉ những con đường nhựa, trường học kiên cố, bộc bạch: “Nếu so với thế hệ tôi trước đây, không thể gọi là thay đổi mà phải gọi là lột xác. Hệ thống cầu, đường, trường học, trạm y tế... Bà con sống chan hòa nghĩa tình. Chúng tôi đang đồng lòng tạo nên một vùng quê đáng sống”.

Anh Nguyễn Sĩ Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa Hưng, tiếp lời: “Những năm qua, tận dụng lợi thế đất đai trù phú, thiên nhiên ưu đãi với những dãy đất bãi bồi, người dân Mỹ Hòa Hưng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, trong đó chủ lực là cây ăn trái, rau màu, nuôi trồng thủy sản, du lịch, các ngành nghề truyền thống như làm nhang, đan đát, dệt với quy mô nhỏ... Nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự chung sức, chung lòng của bà con mà xã Mỹ Hòa Hưng đã xây dựng thành công nông thôn mới, đời sống vật chất, tinh thần người dân nâng lên, thu nhập bình quân của người dân đã tăng lên gần 70 triệu đồng/người/năm”. Theo anh Trung, điểm sáng trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang đưa Mỹ Hòa Hưng trở thành “vùng nông nghiệp của tương lai” khi kết hợp phát triển song song với du lịch nông nghiệp.

Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân trên cù lao Ông Hổ.

Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân trên cù lao Ông Hổ.

Anh Huỳnh Ngọc Diện ở ấp Mỹ An 2, cho biết, trước đây gia đình anh chủ yếu trồng rau ăn lá. Khoảng 3 năm nay, anh đầu tư hơn 200 triệu đồng, dành phần đất 700m2 dựng nhà màn trồng dưa lê, dưa lưới theo công nghệ của Israel. Dưa thu hoạch có công ty bao tiêu nên không lo đầu ra. Anh dự định chuyển 2.000m2 rau còn lại trồng thêm dưa lê, dưa lưới. “Rau ăn lá là thế mạnh của địa phương do gần các chợ đầu mối ở Long Xuyên nên đầu ra tạm ổn, nhưng có một trở ngại là không thể sản xuất đồng loạt quy mô lớn. Do đó, phải chuyển hướng làm ăn quy mô hơn, áp dụng công nghệ tiên tiến, đưa giống mới vào sản xuất, sản phẩm làm ra an toàn thì mới có thu nhập cao” - anh Diện nói.

Gần đó, chị Ngô Thị Thanh Nhàn cũng mạnh dạn đầu tư 4 nhà lưới để trồng hoa lan với diện tích 2.500m2. Chị Nhàn cũng sưu tầm trồng được hàng chục loại hoa lan khác nhau, trong đó có nhiều loại được thị trường yêu thích, giúp chị thu nhập mỗi tháng hàng chục triệu đồng. Chị Nhàn còn đầu tư trồng thêm 500m2 rau cải theo hình thức thủy canh. “Tôi sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích trồng rau thủy canh để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đồng thời chỉnh trang vườn hoa lan đón khách đến tham quan, du lịch tại địa phương” - chị Nhàn chia sẻ.

Anh Nguyễn Sĩ Trung cho biết: “Địa phương xác định nông nghiệp vẫn là lĩnh vực tập trung phát triển, sẽ ưu tiên vận động bà con chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang rau màu và cây ăn trái. Hướng dẫn, chuyển giao công nghệ để bà con giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nâng chất hoạt động của 3 hợp tác xã và các mô hình nông nghiệp công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị, xây dựng sản phẩm OCOP. Đặc biệt giữ vững và nâng chất các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, triển khai kế hoạch, lộ trình xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu đến năm 2024”.

Người dân trên cù lao Ông Hổ trang hoàng nhà cửa đón Tết.

Người dân trên cù lao Ông Hổ trang hoàng nhà cửa đón Tết.

Đi trên cù lao những ngày này, cảm giác thanh bình, tách biệt khỏi sự ồn ào của nhịp sống đô thị. Dọc theo những con đường quê, các mẹ, các chị đang dọn dẹp, làm cỏ để có những tuyến đường đẹp. Bà Trương Thị Hon, Chi hội trưởng Phụ nữ ấp Mỹ An 2, kể: “Nhóm chúng tôi khoảng 10 người tự nguyện cùng nhau trồng hoa, làm cỏ, quét rác dọc theo các tuyến đường nông thôn. Đến 26 Tết, chị em chúng tôi sẽ tổng vệ sinh để xóm ấp sạch đẹp, vui vẻ đón Tết”.

Chúng tôi rời xứ cù lao mang theo câu chuyện ông Hổ, nghĩa tình của bà con bản xứ cùng hình ảnh một vùng quê đáng sống. Bà con nơi đây vẫn đang từng ngày chung sức xây dựng quê hương. Ông Tám Tri bộc bạch: “Hệ thống hạ tầng đã cơ bản, nhưng nếu vài năm tới có cây cầu vượt sông qua cù lao nữa thì hay biết mấy…”. Điều ước của ông Tám Tri cũng là mong mỏi của nhiều thế hệ cư dân cù lao. Với đà phát triển của đất nước như hiện nay, thì một cây cầu qua cù lao như mong ước của ông Tám Tri và bà con sẽ không còn xa!

Bài, ảnh: BÌNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết