26/04/2014 - 20:52

Chuyên nghiệp để mời gọi đầu tư

Thời gian qua, phần lớn các chương trình xúc tiến đầu tư của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL còn nhiều hạn chế, thiếu chất và không mới. Trong chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Nhật Bản tháng 3-2014 đã mở ra nhiều cơ hội mới trong hợp tác đầu tư. Đặc biệt, sự đồng thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước đưa quan hệ hợp tác Việt Nam- Nhật Bản lên tầm cao mới "Đối tác chiến lược sâu rộng". Đây là cơ hội mới để đón "sóng" đầu tư từ Nhật Bản, các địa phương, doanh nghiệp (DN) phải chứng tỏ được thực lực và sự chuyên nghiệp của mình.

Xây dựng hình mẫu

ĐBSCL là thị trường đầy sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Đây là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, nhiều tiềm năng xuất khẩu hàng nông sản. Tuy có những điều kiện thuận lợi, nhưng giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp vùng đạt thấp, chuỗi giá trị nông sản bị chặt khúc khi qua quá nhiều tầng nấc trung gian. Điều này khiến sản xuất nông nghiệp của vùng ĐBSCL đối mặt với nhiều thách thức, nhất là trong hội nhập kinh tế quốc tế.

DN Nhật Bản tham quan nhà máy chế biến gạo của DNTN Cỏ May tỉnh Đồng Tháp.

Chuyên gia JICA, cố vấn Xúc tiến đầu tư- Trung tâm xúc tiến đầu tư phía Nam (Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam), ông Kikuchi Tadashi, cho biết: "Với tư cách là cố vấn kinh doanh và đầu tư cho khu vực phía Nam Việt Nam, tôi quan tâm đến xúc tiến đầu tư từ Nhật Bản, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho 21 tỉnh, thành phía Nam Việt Nam. Nếu chỉ tính riêng vùng ĐBSCL thì đầu tư của DN Nhật Bản vào đây còn khiêm tốn, chúng ta đang thiếu hình mẫu liên kết hai mô hình hoạt động của DN Nhật Bản- Việt Nam để cho DN hai nước có thể tiến hành các hoạt động kinh doanh trên cơ sở hai bên cùng có lợi, cùng đi đến thành công. Lẽ đó, từ nay DN Việt Nam có thể thực hiện xúc tiến đầu tư với DN Nhật ngay tại Văn phòng Japan Desk phía Nam do JICA và Chính phủ Việt Nam hợp tác thành lập. Đây là tổ chức thuộc Chính phủ Việt Nam". Chuyên gia Kikuchi Tadashi cho rằng, ĐBSCL là vùng có tiềm năng lớn trong sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu hàng nông sản, khu vực này có thể "tự cung tự cấp" nên các ngành nông nghiệp, gia công chế biến thực phẩm rất có triển vọng. Song, nếu cả 13 tỉnh, thành ĐBSCL đều mong muốn DN Nhật Bản đầu tư nhanh chóng với cùng một hình thức như nhau thì đó không phải là cách tạo ra một mô hình vì sự phát triển kinh tế tốt nhất. Lẽ đó, cần thiết kế ra mô hình cho thấy hàng hóa nông sản của ĐBSCL sẽ vận chuyển qua những con đường nào, gia công chế biến ở nhà máy nào và rồi làm sao để chuyển lên TP HCM phân phối và xuất khẩu. Kế đến là hàng nông sản của ĐBSCL muốn đem bán cho DN Nhật thì phải làm tăng các giá trị cộng thêm trên các sản phẩm.

Thời gian qua, các tỉnh thành vùng ĐBSCL đều xây dựng mô hình mẫu trong sản xuất nông nghiệp, liên kết "4 nhà" và đã thành công bước đầu, nhưng vẫn khó nhân rộng mô hình. Có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là sự hài hòa lợi ích của nông dân- DN vẫn chưa được bảo đảm. Điều này còn làm hạn chế tiến trình nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, mời gọi vốn FDI. Trong chuyến khảo sát của khoảng 40 DN Nhật Bản đến vùng ĐBSCL từ 21 đến 23-4-2014 tại TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang, Đồng Tháp vừa qua, DN Nhật cho biết rất ấn tượng với tiềm năng và sự phát triển ngành nông nghiệp, môi trường đầu tư của vùng. Tuy nhiên, DN Nhật vẫn chưa thỏa mãn với các thông tin liên quan đến hạ tầng giao thông (đường bộ, đường thủy, hệ thống cảng), quy hoạch ngành nông nghiệp, mô hình sản xuất tập trung, hiện trạng áp dụng công nghệ, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu… mà các địa phương trong vùng nêu ra. DN muốn được cung cấp đầy đủ các thông tin để làm cơ sở nghiên cứu xây dựng kế hoạch đầu tư tại ĐBSCL.

Tạo cú hích mới

Chuyên gia Kikuchi Tadashi cho rằng, trong nền kinh tế thị trường sản phẩm chất lượng sẽ bán chạy, chứ không phải sản phẩm giá rẻ bán chạy nhất. "Vậy thì làm sao để có được giá trị cộng thêm cho các sản phẩm như: tôm, gạo, trái cây…? Đây là lúc chúng ta cần phải đưa ra những sáng kiến từ trong trí tuệ của mình. Đại diện cho các cơ quan Chính phủ Việt Nam- Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và các địa phương cần cùng DN vùng ĐBSCL ngồi lại để thiết kế mô hình kinh tế tốt nhất cho sự phát triển nông nghiệp. Trong mô hình mẫu này, các DN Nhật Bản- Việt Nam có thể cùng tiến hành hoạt động kinh doanh". Song, trước mắt phải khắc phục hạn chế về hạ tầng giao thông, hệ thống cầu trên tuyến quốc lộ để hàng hóa nông sản của vùng không bị chia nhỏ trong vận chuyển. Trên thực tế, nhiều DN Nhật Bản muốn vận chuyển hàng nông sản của ĐBSCL đến TP HCM, nhưng phải chia nhỏ hàng hóa (nhiều cây cầu trên tuyến quốc lộ chỉ cho phép xe tải trọng dưới 20 tấn), nên DN phải chuyển từ container 40 feet sang 20 feet, hoặc chuyển bằng đường thủy.

Đưa chất xám vào sản phẩm để nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh cho vùng là vấn đề được bàn nhiều năm qua, song chất lượng nguồn nhân lực của vùng hiện chưa đáp ứng yêu cầu. Lẽ đó, các chuyên gia Nhật Bản mong muốn vùng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu vận hành thiết bị máy móc hiện đại và tính kỷ luật trong làm việc. Sự chuyên nghiệp của các địa phương, với nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu về chuyên môn sẽ mở ra cơ hội hợp tác, đón vốn FDI từ Nhật Bản. Ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, khẳng định với đoàn DN Nhật: "Tiềm năng của chúng tôi- cơ hội của các bạn. Đồng Tháp có vùng sản xuất lúa hàng hóa lớn, vùng nuôi cá tra, vùng sản xuất chuyên canh cây ăn trái… sẵn sàng mời gọi DN Nhật đến đầu tư. Chính quyền địa phương sẽ là người bạn đồng hành với nhà đầu tư". Theo ông Lê Minh Hoan, tỉnh Đồng Tháp đang xây dựng chiến lược xúc tiến đầu tư dài hơi tại thị trường Nhật Bản. Tỉnh đang thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với sự khác biệt là tập trung công nghiệp hóa ngành nông nghiệp. Với đề án này, tỉnh mong muốn hợp tác với nhà đầu tư Nhật Bản. Về phía Nhật Bản, ông Kohei Watanabe, Chủ tịch Ủy ban hợp tác kinh tế Mekong- Nhật Bản cho biết sẽ nghiên cứu và hợp tác cùng Đồng Tháp thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, DN Nhật sẽ cung ứng giống cho tỉnh, đầu tư công nghệ sau thu hoạch…

Chia sẻ với đoàn DN Nhật Bản về môi trường đầu tư tại Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Đoàn Xuân Hưng, nói: "Chính sách của Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp. ĐBSCL chiếm giữ vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và cả thế giới. Nông nghiệp Việt Nam cần Nhật Bản đầu tư về giống, công nghệ từ khâu sản xuất đến chế biến, bảo quản để tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm chất lượng cao, đứng vững ở thị trường trong và ngoài nước. Đại sứ quán Việt Nam sẽ hỗ trợ hết mình cho nhà đầu tư Nhật. Các địa phương ĐBSCL cũng sẵn sàng nhập máy móc, thiết bị công nghệ từ Nhật và hoan nghênh nhà đầu tư Nhật đến vùng xây dựng nhà máy". Đại sứ cũng mong các địa phương ĐBSCL tận dụng tốt cơ hội để mời gọi đầu tư từ DN Nhật Bản và liên kết để xây dựng mô hình chung, không chạy riêng từng tỉnh.

Bài, ảnh: Song Nguyên

Chia sẻ bài viết