21/03/2019 - 00:04

Chuyến đi vào ‘’tâm bão’’ của ông Tập Cận Bình 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến thăm Ý, Monaco và Pháp từ ngày 21 đến  26-3 trong bối cảnh làn sóng nghi kỵ, ngờ vực tại châu Âu dồn vào “Sáng kiến Vành đai, Con đường” (BRI) đầy tham vọng của Bắc Kinh, cũng như những nguy cơ an ninh từ công nghệ viễn thông thế hệ mới (G5).

Ông Tập Cận Bình lên đường thăm châu Âu. Ảnh: Reuters

Ông Tập Cận Bình lên đường thăm châu Âu. Ảnh: Reuters

Trước chuyến công du của ông Tập, Chính phủ Ý đã khẳng định sẽ ký bản ghi nhớ tham gia BRI, trong khi Liên minh châu Âu (EU) công bố sách trắng trong đó lần đầu tiên chủ trương hành xử quyết đoán với Trung Quốc.

Quốc gia G7 đầu tiên tham gia BRI

Hôm 19-3, phát biểu trong phiên điều trần tại Nghị viện Ý trước thềm chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc, Thủ tướng Giuseppe Conte lý giải tại sao Ý cần phải ký thỏa thuận (chưa ràng buộc) tham gia BRI, mở đường cho doanh nghiệp hai nước hợp tác phát triển kết cấu hạ tầng và thúc đẩy giao thương. “Đầu tiên và trước hết, chúng ta muốn tái cân bằng thương mại đang không thuận lợi cho chúng ta. Xuất khẩu của chúng ta sang Trung Quốc thấp hơn  các nước châu Âu khác. Kết cấu hạ tầng sẽ định hình lại các con đường vận chuyển thương mại. Chúng ta sẽ có những sân bay và hành lang thương mại mới và chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Chúng ta không muốn để mất bất kỳ cơ hội nào” - Thủ tướng Conte nhấn mạnh. Ngoài ra, ông Conte khẳng định BRI không làm thay đổi vị trí của Ý bên trong Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và EU.

Như vậy, Ý sẽ là quốc gia đầu tiên của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tham gia sáng kiến có tổng trị giá 1.000 tỉ USD mà ông Tập Cận Bình đưa ra năm 2013. Thật ra, Ý không phải quốc gia thành viên EU đầu tiên, mà trước đó đã có Hy Lạp và Ba Lan ủng hộ BRI. Tuy nhiên, sự tham gia của Ý, quốc gia sáng lập EU và nền kinh tế lớn thứ ba khu vực đồng euro, dấy lên mối quan ngại không chỉ đối với phe đối lập Ý, các nước đầu tàu châu Âu mà cả Mỹ.

Nỗi lo bao trùm

Phe đối lập Ý cảnh báo BRI vốn tạo ra “bẫy nợ” tại một số nước trên thế giới có thể là “ngựa thành Troy” giúp Trung Quốc hủy hoại các ngành công nghiệp của Ý. Bên cạnh mở cửa đầu tư kết cấu hạ tầng theo BRI, Chính phủ Ý cho thấy họ sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc thúc đẩy thương mại, ngân hàng, năng lượng và phát triển công nghệ, bao gồm hệ thống viễn thông G5 do tập đoàn Huawei của Trung Quốc phát triển.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chỉ trích hành động “đơn phương” tham gia BRI của Ý khi kêu gọi các quốc gia châu Âu cần có “cách tiếp cận phối hợp” với Trung Quốc dựa trên “tinh thần bình đẳng và có qua có lại”. Trong khi đó, đề cập sự tham gia của Ý vào BRI, người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ Garrett Marquis viết trên Twitter: “Nước Ý không cần thiết phải tán đồng dự án kết cấu hạ tầng hư danh của Trung Quốc”.

Hồi tuần rồi, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố tầm nhìn chiến lược về quan hệ EU-Trung Quốc, trong đó EC “dán nhãn” cho Trung Quốc như một “nhà cạnh tranh kinh tế trong việc theo đuổi lãnh đạo công nghệ và là đối thủ trong mô hình quản trị”. “Lãnh đạo công nghệ” được EC đề cập là nhằm vào mạng lưới G5 có vai trò xương sống cho tương lai kinh tế và xã hội toàn cầu.

Mỹ cũng đã thúc giục các đồng minh châu Âu không cho phép Huawei triển khai G5 với cảnh báo đây là mạng lưới có thể phục vụ cho do thám. Tuy nhiên, dù Chính phủ Pháp phát cảnh báo  nguy cơ sử dụng thiết bị của Huawei nhưng hai nhà mạng nước này vốn đã sử dụng G4 giờ đang thử nghiệm G5 đều của Huawei. Monaco thì đã ký thỏa thuận sử dụng G5 của Huawei. Chuyến thăm chưa từng có của nhà lãnh đạo Trung Quốc tới quốc gia-thành phố bé nhỏ này được giới phân tích đánh giá là một phần trong “học thuyết mở rộng tầm nhìn Địa Trung Hải và Hắc Hải” tạo cơ hội mới cho Bắc Kinh.

Trong chiến lược BRI tại Ý, người ta lo ngại cảng Trieste thuộc vùng biển Adriatic có thể lọt vào tay các doanh nghiệp Trung Quốc như trường hợp của Pireus, cảng lớn nhất của Hy Lạp. Nếu kiểm soát Trieste, hàng hóa của Trung Quốc dễ dàng thông quan và tiến nhanh vào trung tâm lục địa già.

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết