24/01/2009 - 10:01

Chuẩn bị cho Bác Hồ đi chúc Tết

Bác Hồ với các cháu thiếu nhi Hà Bắc khi Người về thăm và chúc Tết đồng bào, bộ đội. Tết Đinh Mùi, tháng 2-1967.
Ảnh: TL

Kể từ Tết độc lập đầu tiên (1946) cho đến khi đi xa, năm nào cũng vậy, vào những ngày cuối năm, 29 hoặc 30 tháng Chạp âm lịch, Bác Hồ đều có chương trình đi thăm và chúc Tết một số gia đình hoặc một số cơ quan, đơn vị ở trong và ngoài thành phố Hà Nội...

Cách đây 15 năm, ông Trần Đắc Thọ - Nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội, đã thuật lại công việc được giao nhiệm vụ chuẩn bị cho Bác Hồ đi chúc Tết. Ông nói đó là một vinh hạnh thật sự đối với ông. Ông kể:

Bác Hồ ra điều kiện rất bình dị, rất đời thường: Muốn đưa Bác đến nhà ai, tùy thành phố sắp xếp, nhưng tuyệt đối không để gia đình ấy biết là Bác đến thăm. Bác không muốn đến một nơi đã được bố trí trước. Tính Bác là như vậy! Đi thăm một xí nghiệp, một trường học, một xã, một hợp tác xã..., Bác thường xuất hiện ở chỗ bất ngờ nhất. Có khi Bác đi lối sau, lối bên để vào... Có khi Bác đến rất sớm, trước khi các “quan chức” sở tại ra đón... Bác bao giờ cũng tránh đi qua hàng rào danh dự dành cho Bác.

Chuẩn bị cho Bác Hồ đi chúc Tết, mà không được phép cho gia đình ấy biết trước, quả là một việc nan giải. Họ biết trước thì thế nào cũng chuẩn bị. Thường thì chính quyền thành phố chọn một gia đình trong các đối tượng công nhân, trí thức, cán bộ miền Nam tập kết, gia đình có công với cách mạng.v.v. Bác yêu cầu đơn giản như vậy, nhưng về mặt tổ chức lại không được phép đơn giản một chút nào. Phải tính kỹ đường đi lối lại sao cho thuận tiện, phù hợp với tuổi tác và sức khỏe của Bác; phải hiểu rõ tập quán gia đình đi ngủ sớm hay ngủ muộn; công tác bảo vệ phải chu đáo, nhưng không lộ liễu... Bác không bao giờ đi nhiều người, chỉ có Chủ tịch thành phố và Cục trưởng Cục Bảo vệ tháp tùng. Nhiếp ảnh đã có Văn phòng Phủ Chủ tịch lo, thường là đồng chí Đinh Đăng Định, sau là đồng chí Vũ Đình Hồng.

Lần đầu tiên chưa có kinh nghiệm, ông Trần Đắc Thọ cùng với đoàn đưa Bác đến nhà tư sản Tôn Đức Việt ở phố Hàng Trống thì ông ta lại đi vắng. Sau biết chuyện, ông chủ nhà đó cứ xuýt xoa tiếc mãi. Những lần sau có kinh nghiệm hơn, ngày 25 hoặc 26 tháng Chạp, ông Trần Đắc Thọ và cán bộ của thành phố phải phân công nhau đến những gia đình có dự kiến đưa Bác đến để tìm hiểu tình hình, nói cho họ biết, đến trước giao thừa, sẽ có một đồng chí lãnh đạo thành phố đến thăm chúc Tết (không nói cụ thể là ai cả) để giữ chân chủ nhà khỏi vắng mặt lúc Bác đến. Ông Thọ và mọi người tưởng thế là đắc sách lắm, song một lần cũng bị vỡ kế hoạch. Ông kể lại rằng, lần ấy theo chương trình, Bác sẽ đến nhà ông Trương Hồng, là một tư sản miền Nam tập kết ra Bắc, đang làm Giám đốc Xí nghiệp cơ khí Đồng Tháp. Xe ô tô đưa Bác đến vừa đỗ xịch trước cửa nhà ông Trương Hồng, thì một hàng rào danh dự từ cổng vào đến nhà: Nào chồng, nào vợ, nào con, nào cháu... có lẽ đến gần 20 người ở đâu đến, không biết tề tựu từ bao giờ. Ông Trần Đắc Thọ lặng người đi. Bác Hồ đưa mắt nhìn đồng chí Chủ tịch Trần Duy Hưng, không nói gì, một cái nhìn đầy ý nghĩa. Đồng chí Chủ tịch Trần Duy Hưng nhìn ông Thọ, ông Thọ tảng lờ không biết, vì còn biết nói gì lúc này. Mới hay, giới kinh doanh nhạy bén thật!

Một lần khác, người tổ chức không được phép “dàn cảnh” - chính là ông Thọ - lại bị vỡ kế hoạch! Năm ấy, Bác Hồ vừa đi thăm Ấn Độ về chiều 30 Tết. Ông Thọ và mọi người yên trí là Bác đi xa về mệt, chắc Bác sẽ không đi chúc Tết nữa. Ai ngờ, 5 giờ chiều hôm đó, Văn phòng Phủ Chủ tịch điện xuống thông báo là Bác vẫn đi chúc Tết như mọi năm. Tất cả vừa mừng lại vừa lo: Mừng vì như thế là Bác rất khỏe, nhưng lo vì sợ khó tránh được sơ suất. Khi kiểm điểm tình hình triển khai công việc, ông Trần Đắc Thọ cũng thấy tạm yên tâm. Ông Thọ nói “tạm” là vì chuẩn bị cho Bác, phải đến khi công việc hoàn thành mới có quyền thở phào. Cái lo của ông Thọ tối hôm ấy có cơ sở. Lần này, trước khi khởi hành, Bác nói: “Đêm nay, các chú cho Bác đến thăm một gia đình không có bánh chưng”. Đó là một điều ngoài dự kiến, một điều mà ông Thọ và mọi người không bao giờ nghĩ tới cả. Ông Thọ thật sự bối rối, không biết phải làm gì bấy giờ. Chủ tịch Trần Duy Hưng rất nhanh trí đã “chuyền bóng” cho Cục trưởng Cục Bảo vệ Hoàng Hữu Kháng đi cùng. Trách nhiệm bảo vệ lãnh tụ là trách nhiệm của Cục Bảo vệ, nên đồng chí Cục trưởng, vui vẻ nhận ngay và giao cho mấy cán bộ của Cục đi lo. Cố nhiên gia đình này là gia đình cuối cùng được Bác đến thăm và cho bánh chưng tối hôm ấy. Gia đình này ở trong một ngõ thuộc phố Lý Thái Tổ, rất ngỡ ngàng đến bàng hoàng khi thấy Bác Hồ và Chủ tịch thành phố vào nhà. Mọi người cuống cả lên, không biết làm gì nữa. Bác Hồ ân cần hỏi thăm gia đình tình hình sinh sống, đã chuẩn bị Tết đến đâu, rồi cho kẹo các cháu...

Khi ra về, Bác có vẻ buồn. Bác dặn đồng chí Chủ tịch Ủy ban thành phố, từ nay phải làm sao ở Thủ Đô Hà Nội không còn gia đình nào Tết đến mà bánh chưng cúng Tổ tiên cũng không có.

Tối 30 Tết năm ấy, đồng chí Cục trưởng Cục Bảo vệ đã cứu Chủ tịch UBHC thành phố Hà Nội một “bàn thua trông thấy”. Ông Trần Đắc Thọ còn cho biết thêm: Chính đồng chí Cục trưởng này là một trong số 8 người ở gần Bác, được Bác Hồ đặt tên, khi Đảng và Chính phủ ta rút lên Việt Bắc, để tổ chức và lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đó là các đồng chí: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi.

NGUYỄN DUY CÁCH
(Câu lạc bộ Văn học nghệ thuật Phú Quốc)

Chia sẻ bài viết