08/01/2008 - 15:57

Chữa chứng ho, viêm họng bằng những cây thuốc thông dụng

Ho, viêm họng, theo y học cổ truyền, thuộc chứng Khái thấu - Đàm ẩm, biểu hiện với các triệu chứng như ho, khạc đàm và có khi đau rát cổ họng. Nguyên nhân gây bệnh được chia làm hai loại: Ngoại cảm và Nội thương. Trong bài này, chúng tôi xin giới thiệu một số cây thuốc trị ho, viêm họng do ngoại cảm. Đặc biệt các cây thuốc này rất dễ trồng, có thể vừa làm cảnh, vừa làm rau ăn lại vừa làm thuốc trị bệnh.

 

1. Cây RẺ QUẠT, còn gọi là Xạ can, tên khoa học là Belamcanda Chinensis, thuộc họ Lay ơn (Iridaceae). Cây sống nhiều năm, cao 0,5m - 1m. Thân rễ mọc bò, phân nhánh nhiều. Lá hình dải, có bẹ mọc ốp vào thân và xòe ra, phẳng. Gân lá song song mọc sít nhau. Hoa màu vàng cam điểm những đốm tía. Quả hình trứng, có cạnh, nhiều hạt màu đen bóng. Rẻ quạt có thể trồng bằng hạt hay tách cây con. Rẻ quạt có công dụng chữa ho, viêm họng, yết hầu sưng đau, viêm A-mi-đan. Cả thân và rễ cây đều dùng làm thuốc. Nếu nấu cây đã phơi khô thì liều lượng từ 3 - 6g / ngày. Còn dùng cây tươi thì từ 10 - 20g/ngày. Rẻ quạt có thể kết hợp với một số cây thuốc để trị viêm họng, yết hầu sưng đau, ho sốt, theo bài thuốc sau:

Rễ xạ can: 6g

Vỏ rễ dâu ( Tẩm mật sao ): 12g

Rễ cỏ tranh: 16g

Ô mai: 6g

Củ sắn dây (Cát căn ): 12g

Cam thảo: 16g

Nấu các cây thuốc trên với 500 ml nước, sắc còn 200 ml chia ra uống 2-3 lần/ngày.

 

2. HÚNG CHANH, còn gọi là Rau tần dày lá, Rau thơm lông lông, Dương tử tô. Cây có tên khoa học là Coleus Amboinicus, thuộc họ Hoa môi (Lamiaceae ). Là cây cỏ sống lâu năm, cao 20 - 50 cm. Phần thân sát đất hóa gỗ. Lá mọc đối, dàu cứng, giòn mọng nước, mép khía răng tròn. Hai mặt lá màu xanh lục nhạt. Hoa màu tím đỏ, mọc thành bông ở đầu cành. Quả nhỏ, tròn màu nâu. Toàn cây có lông rất nhỏ và thơm như mùi chanh, trồng bằng đoạn thân ở nơi ẩm mát. Có thể dùng lá tươi và cành non để chữa ho, viêm họng, cảm cúm, với liều lượng từ 10 - 20g/ngày. Hái 5-10 lá rửa sạch ngâm nước muối, nhai nuốt nước, hoặc giả nát vắt lấy nước uống, mỗi ngày từ 4-5 lần.

 

3. SÂM ĐẠI HÀNH, còn được gọi là Tỏi đỏ, Tỏi lào, Sâm cau. Tên khoa học là Eleutherine Subaphylla, thuộc họ Lay ơn (Iridaceae). Là cây cỏ, cao 30 - 40 cm, sống nhiều năm, thường lụi vào mùa khô. Thân có màu đỏ tía. Lá hình mác dài, có bẹ, gốc và đầu thuôn nhọn nhiều gân song song giống như lá cau non. Hoa màu trắng mọc thành chùm trên một cuống chung dài. Quả nang, nhiều hạt. Cây được trồng bằng củ, giống như trồng hành.

Thân hành (củ) có công dụng chữa ho, viêm họng, dùng làm thuốc bổ máu, với liều lượng sau:

+ Dùng khô: 4 - 12g/ngày.

+ Dùng tươi: 12 - 30g/ngày.

- Cách dùng: Tỏi đỏ tươi 12-30 g, cho 400 ml nước sắc còn 150 ml chia 2 lần uống trong ngày. Có thể dùng Tỏi đỏ sắt mỏng, phơi khô châm trà uống hàng ngày theo liều trên.

 

4. SÀI ĐẤT, còn gọi là Húng trám, cúc nháp, Ngổ núi, Lỗ địa cúc. Cây có tên khoa học là Wedelia Calendulacea, thuộc họ Cúc (Asteraceae). Là cây cỏ, sống nhiều năm, mọc bò. Thân đứng cao 20 - 40cm. Lá mọc đối gần như không cuống, có răng cưa to và nông, hai mặt có lông thô. Lá khi vò có mùi thơm như trám. Hoa màu vàng như hoa cúc, hình đầu mọc ở kẽ lá và đầu cành trên một cán dài. Cây trồng bằng thân rễ nơi ẩm thấp.

Cả cây (trừ rễ) được dùng để chữa ho, viêm họng, mụn nhọt, chốc lở, sưng vú... Dùng 100g cây tươi thêm ít muối ăn giã nát sau đó cho 100 ml nước đun sôi để nguội. Vắt lấy nước chia làm 1- 2 lần uống trong ngày. Có thể dùng 100g cây tươi, rửa sạch. Cho vào 150-200 ml nước nấu sôi khoảng 7-10 phút, để nguội chia 2-3 lần uống trong ngày. Sài đất dùng tươi tốt hơn dùng khô.

BS VŨ ĐÌNH QUỲNH
(Bệnh viện Y học cổ truyền TP Cần Thơ)

Chia sẻ bài viết