17/09/2008 - 08:09

Ông Nguyễn Trường Đảnh- Giám đốc TTXT Đầu tư- thương mại- du lịch Cần Thơ:

Chú trọng nâng cấp kết cấu hạ tầng để thu hút đầu tư

 

Việc đào tạo nguồn nhân lực, mời gọi đầu tư vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng, những dự án công nghiệp, nông nghiệp có hàm lượng công nghệ cao được xem là mũi đột phá để TP Cần Thơ trở thành trung tâm vùng ĐBSCL. Ông Nguyễn Trường Đảnh, Giám đốc Trung tâm xúc tiến (TTXT) Đầu tư- Thương mại - Du lịch Cần Thơ, đã dành cho Báo Cần Thơ cuộc trao đổi chung quanh việc thực hiện chủ trương này.

* Hiện nay, việc xúc tiến đầu tư cũng như chính sách ưu đãi đầu tư của các địa phương trong vùng ĐBSCL có nét tương đồng, dựa trên tiềm năng về nông sản nên vô tình giẫm chân lên nhau. Theo ông, làm gì để xây dựng hình ảnh chung cho vùng?

- Do đặc thù của từng địa phương trong vùng có nhiều điểm tương đồng, nên hoạt động xúc tiến đầu tư tương tự nhau. Một số địa phương chỉ chú trọng tổ chức các đoàn xúc tiến ra nước ngoài mà bỏ quên thị trường trong nước đầy tiềm năng. Mặt khác, tính chuyên nghiệp trong xúc tiến đầu tư còn thấp, phần lớn tập trung kêu gọi đầu tư những dự án sản xuất, chế biến, ít chú trọng đến mời gọi đầu tư hạ tầng, môi trường và vùng nguyên liệu. Phần lớn các trung tâm xúc tiến đầu tư chưa tiếp cận được những dự án tầm cỡ quốc gia, hoạt động xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch chưa đều tay. Do đó, các địa phương trong vùng cần phải liên kết lại để thay đổi nội dung và hình thức liên kết hợp tác trong hoạt động xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch.

Từ năm 1995, tỉnh Cần Thơ đã có chương trình hợp tác phát triển kinh tế với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL và đến nay vẫn tiếp tục thực hiện. TTXT Đầu tư - Thương mại - Du lịch TP Cần Thơ cũng có chương trình hợp tác xúc tiến với các TTXT của các tỉnh ĐBSCL để hỗ trợ cho nhau trong việc kêu gọi đầu tư cho địa phương mình. Tuy nhiên, kết quả chưa nhiều. Tháng 7-2008, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đã tổ chức thành công Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL, trong đó có tổ chức “Hội nghị phát triển hợp tác xúc tiến ĐBSCL”, các tỉnh thành thống nhất xây dựng và thực hiện đề án xúc tiến chung cho ĐBSCL. Cụ thể là thành lập Trung tâm Thông tin ĐBSCL tại TP Hồ Chí Minh và xây dựng trang thông tin điện tử chung cho ĐBSCL để giới thiệu kêu gọi đầu tư, giới thiệu các dự án đã chọn lọc và các sản phẩm tiêu biểu của từng địa phương, tổ chức các chuyến xúc tiến, hội chợ triển lãm nước ngoài...

* Với vai trò là thành phố trung tâm, nhưng dường như Cần Thơ đang thiếu hẳn chính sách ưu đãi đầu tư riêng. Theo ông, đây có phải là nguyên nhân làm cho việc thu hút đầu tư vào thành phố kém hấp dẫn?

- Trong thời gian qua, TP Cần Thơ tuy có ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư dựa theo khuôn khổ luật pháp cho phép, nhưng chưa có chính sách ưu đãi “hấp dẫn” hơn các địa phương khác. Thành phố còn hỗ trợ đào tạo nghề, quảng bá sản phẩm,... nhưng chưa tạo sức bật thật sự trong thu hút đầu tư. Điều nhà đầu tư cần là một chính sách ưu đãi hấp dẫn hơn hẳn những địa phương khác trong vùng, trong khi Cần Thơ chưa có, nên còn hạn chế trong thu hút đầu tư. Tôi cho rằng, TP Cần Thơ cần có một cơ chế tài chính đặc thù để phát triển kinh tế và trở thành đô thị loại I trong tương lai. Bên cạnh đó, để hấp dẫn các nhà đầu tư, TP Cần Thơ cần phải đẩy mạnh đô thị hóa, xây dựng cơ sở hạ tầng, trước hết là hạ tầng giao thông, điện nước, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường các hoạt động hỗ trợ đầu tư, các dịch vụ xúc tiến đầu tư – thương mại – du lịch.

* Ông nhận định về tốc độ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của TP Cần Thơ từ đầu năm 2008 đến nay so với năm trước?

- So với cùng kỳ năm 2007, số lượng dự án thu hút được tương đương, nhưng vốn đầu tư đăng ký tăng gấp nhiều lần. Trong 8 tháng đầu năm 2008, TP Cần Thơ đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 4 dự án FDI với số vốn đầu tư đăng ký là 554 triệu USD. Thành phố hiện có 48 dự án FDI, với vốn đăng ký hơn 716 triệu USD, trong đó vốn thực hiện chiếm 16,7% tổng vốn đăng ký. Hiện có 24 doanh nghiệp hoạt động có doanh thu. Điều này chứng tỏ TP Cần Thơ đã tạo những điều kiện phù hợp để thu hút những dự án có vốn đầu tư lớn. Ví dụ dự án Nhà máy lọc dầu có vốn đầu tư là 538 triệu USD.

* Hiện nay, phần lớn những dự án đầu tư vào thành phố tập trung vào lĩnh vực sản xuất và chế biến, sử dụng nhiều lao động. Trong khi giá trị tăng thêm không nhiều. Theo ông, để thu hút những dự án có hàm lượng công nghệ cao, Cần Thơ cần phải tập trung vào những vấn đề gì?

- Vấn đề này, lãnh đạo TP Cần Thơ đã nhận thấy, nên trong chương trình kêu gọi đầu tư vào thành phố giai đoạn 2008 – 2010, thành phố ưu tiên kêu gọi dự án thành lập khu công nghiệp công nghệ cao và khu nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này cần phải có sự chuẩn bị dài hơi, đặc biệt là nguồn nhân lực. Hiện nay, tại TP Cần Thơ có Trường Đại học Cần Thơ và các Trường Cao đẳng, trung cấp đào tạo nghề. TP Cần Thơ cũng đang kêu gọi đầu tư thành lập trường Đại học Quốc tế tại TP Cần Thơ nhằm mục đích chuẩn bị cho hướng phát triển này.

* Doanh nghiệp trên địa bàn rất cần thông tin liên quan đến thị trường để định hướng hoạt động sản xuất kinh doanh, TT XT Đầu tư - Thương mại - Du lịch Cần Thơ giúp doanh nghiệp như thế nào?

- Từ khi thành lập trung tâm (đầu năm 2007) đến nay, TTXT Đầu tư- Thương mại- Du lịch TP Cần Thơ đã xây dựng trang thông tin điện tử (website) với tên miền: www.canthopromotion.vn để giới thiệu tình hình kinh tế-xã hội và năng lực phát triển tìm kiếm cơ hội đầu tư cho thành phố. Trên website này chúng tôi cũng thường xuyên cung cấp thông tin về thị trường cho các doanh nghiệp. Đến đầu năm 2009 website sẽ bổ sung thêm ngôn ngữ tiếng Anh và các ngoại ngữ khác để những khách nước ngoài truy cập dễ dàng. Từ đó, họ sẽ có cơ hội trực tiếp với các doanh nghiệp của TP Cần Thơ hơn. Bên cạnh đó, Trung tâm đã phát hành các tài liệu trên sách và trên đĩa DVD để quảng bá về đầu tư - thương mại - du lịch và hỗ trợ quảng bá cho doanh nghiệp. Trung tâm sẽ có chương trình hợp tác với các Hiệp hội ngành nghề để xây dựng chương trình hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

* Cầu Cần Thơ, sân bay Cần Thơ khi hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ tạo thêm nhiều điều kiện giúp cho Cần Thơ cất cánh. Ông dự đoán ra sao về khả năng thu hút đầu tư của thành phố trong thời gian tới?

- Một trong những yếu kém làm hạn chế phát triển kinh tế của TP Cần Thơ đó là kết cấu hạ tầng còn yếu kém, nhất là về giao thông. Về đường bộ, Quốc lộ 1 nối TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ, do đường hẹp nên phải hạn chế tốc độ và phải qua phà Cần Thơ, nên mất đến 4 giờ đồng hồ. Vì vậy, khi cầu Cần Thơ xây dựng xong, thời gian vận chuyển hàng hóa và hành khách đi từ TP Cần Thơ đến TP Hồ Chí Minh sẽ được rút ngắn. Hiện Chính phủ đang xây dựng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh- Cà Mau, sẽ đi ngang qua Cần Thơ. Khi tuyến đường này được xây dựng xong sẽ tăng tốc việc vận chuyển hàng hóa và hành khách bằng đường bộ từ TP Cần Thơ đi các tỉnh, thành trong cả nước.

Mặt khác, TP Cần Thơ có sân bay Cần Thơ sẽ kết nối vận chuyển hàng hóa và hành khách bằng đường hàng không, tạo cho việc giao lưu được nhanh chóng kết nối vận chuyển nhanh giữa TP Cần Thơ với các tỉnh, thành trong cả nước và các nước trên thế giới, trước mắt là với các nước Đông Nam Á. Vì vậy, khi sân bay và cầu Cần Thơ được xây dựng xong là yếu tố tích cực để thúc đẩy việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào TP Cần Thơ.

* Xin cảm ơn ông!

THU HÀ (thực hiện)

Chia sẻ bài viết