01/12/2020 - 08:59

Chú trọng giáo dục truyền thống, di sản trong trường học 

Nhằm đáp ứng yêu cầu tổ chức các hoạt động trải nghiệm bắt buộc trong Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới từ năm học 2020-2021, các trường phổ thông tại Cần Thơ đã có bước chuẩn bị khá sớm và bắt đầu thực hiện từ những năm học gần đây nhiều hình thức trải nghiệm đa dạng, thực tế.

Học sinh Trường THCS Thị trấn Vĩnh Thạnh tại buổi tuyên truyền “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Bằng chứng lịch sử và pháp lý”. Ảnh: CTV

Học sinh Trường THCS Thị trấn Vĩnh Thạnh tại buổi tuyên truyền “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Bằng chứng lịch sử và pháp lý”. Ảnh: CTV

Trong khuôn viên Trường THCS Thị trấn Vĩnh Thạnh, 4 bản sao bản đồ cổ về Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam được đặt cố định ở nơi dễ nhìn thấy, tạo ấn tượng ngay khi bước vào trường. Ðó là các bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ”, “An Nam đại quốc họa đồ”, “Ðại Nam nhất thống toàn đồ” và “Bản đồ các đài khí tượng Ðông Dương”, do nhà trường phối hợp với Bảo tàng TP Cần Thơ tổ chức thực hiện, được khánh thành vào tháng 11 vừa qua. Ðây là phần việc nhằm giáo dục học sinh về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo thầy Nguyễn Văn Lộc, Hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Thạnh, bên cạnh công tác tuyên truyền, việc tạo dựng hình ảnh, hiện vật để học sinh có thể tận mắt thấy và cảm thụ, giúp các em hiểu sâu hơn, khơi gợi tình yêu quê hương, đất nước, tinh thần dân tộc trong việc bảo vệ chủ quyền thiêng thiêng của Tổ quốc về biên giới và biển đảo.

Cùng với việc đặt bản đồ, Trường THCS Thị trấn Vĩnh Thạnh còn phối hợp cùng Bảo tàng TP Cần Thơ tổ chức chương trình tuyên truyền “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Bằng chứng lịch sử và pháp lý”. Hơn 1.200 học sinh đã tham dự chương trình này với nhiều cảm xúc. Em Nguyễn Thành Tài, học sinh lớp 8A1, cho biết: “Trong buổi tuyên truyền, chúng em còn được tham gia trả lời câu hỏi, thưởng thức văn nghệ... từ đó hiểu rõ hơn ý nghĩa, tầm quan trọng chủ quyền của nước ta với Hoàng Sa và Trường Sa”. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Lộc nói: “Hoạt động này giúp nhà trường tăng cường xây dựng khối đoàn kết, khơi gợi tình yêu quê hương đất nước và tự hào dân tộc trong học sinh”.

Công tác giáo dục truyền thống, di sản cũng được thực hiện thường xuyên tại nhiều trường phổ thông khác ở TP Cần Thơ. Ðơn cử như tại Trường THCS Thới Hòa, quận Ô Môn, vách tường của trường được vẽ hình ảnh chiến sĩ hải quân bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. Theo cán bộ, giáo viên Trường THCS Thới Hòa, bích họa được vẽ nơi dễ nhìn nhất để giáo dục học sinh tình yêu đất nước, biển đảo Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều trường học của TP Cần Thơ thường xuyên tổ chức cho học sinh tham quan trải nghiệm thực tế tại các di tích lịch sử, văn hóa của địa phương. Ví như tại quận Bình Thủy, các trường thường tổ chức học sinh đến viếng Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, Nhà cổ Bình Thủy…

Nhiều sáng tạo được các trường thực hiện để công tác này thêm phong phú, như các trường thuộc huyện Thới Lai giáo dục truyền thống, văn hóa, di sản cho học sinh thông qua các hoạt động trải nghiệm thực tế. Hơn 3 năm học qua, Trường THCS Thị trấn Thới Lai đã xây dựng mô hình “Trường học mới - công viên - trải nghiệm sáng tạo” để học sinh vừa chơi, vừa sáng tạo nghiên cứu khoa học. Trường còn mở rộng xây dựng các vườn: Ðịa lý, Sinh học, Khu di tích lịch sử với biển ghi rõ những chiến thắng trong chống ngoại xâm của dân tộc hay di tích và danh lam thắng cảnh. Dù chỉ là mô hình nhưng giúp học sinh mở rộng kiến thức, hiểu biết hơn về lịch sử Việt Nam. Theo thầy Nguyễn Văn Chi, Trưởng Phòng Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) huyện Thới Lai, ngành chỉ đạo các trường tổ chức ít nhất một hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh, phù hợp với thực tế tại đơn vị. Mô hình này góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT mới.

Theo Sở GD&ÐT TP Cần Thơ, năm học 2019-2020, tất cả cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố tăng cường triển khai thực hiện các giải pháp giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh; 100% cơ sở giáo dục xây dựng kỷ cương, nề nếp, dân chủ trong trường học và tạo môi trường để các em rèn luyện, bảo vệ môi trường, hoạt động ngoại khóa… Ngành còn phát động các trường tham gia Cuộc thi Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, với hơn 12.600 giáo viên, học sinh tham gia.

Tùy mỗi cấp học, các trường tổ chức thực hiện phù hợp với học sinh, hướng đến mục tiêu giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh thông qua hoạt động trải nghiệm, giáo dục truyền thống, di sản trong và ngoài trường học. Theo Sở GD&ÐT thành phố, ngành đã hoàn thiện và triển khai bộ quy tắc ứng xử để thực hiện trong cơ sở giáo dục; triển khai thực hiện hiệu quả Thông tư số 26/2017/TT-BGDÐT của Bộ trưởng Bộ GD&ÐT quy định tổ chức hoạt động văn hóa của học sinh trong các cơ sở giáo dục. Phòng GD&ÐT quận, huyện, các cơ sở giáo dục tổ chức thường xuyên các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong các trường học; khuyến khích học sinh tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật, văn hóa quần chúng; chú trọng nâng cao hiệu quả tổ chức các hội thi, liên hoan văn nghệ cho học sinh góp phần giáo dục truyền thống, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và định hướng giúp các em hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ.

B.KIÊN

Chia sẻ bài viết